Giãn dây chằng lưng là một chấn thương khá thường gặp, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, khả năng vận động và có thể gây liệt nếu không được xử trí kịp thời. Vì thế, việc hiểu đúng về tình trạng giãn dây chằng lưng sẽ giúp chúng ta phát hiện và có biện pháp điều trị đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Giãn dây chằng lưng là gì?
Dây chằng thắt lưng là các cơ bao quanh khớp xương ở đốt sống lưng, có nhiệm vụ bảo vệ và cố định đầu khớp. Khi vận động sai tư thế hoặc quá sức, dây chằng thắt lưng bị kéo giãn bất thường và tổn thương. Đây được gọi là hiện tượng giãn dây chằng thắt lưng.
2. Nguyên nhân nào gây giãn dây chằng lưng?
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến dây chằng bị tổn thương và kéo giãn bất thường:
- Chấn thương do tai nạn tác động trực tiếp/ gián tiếp lên vùng lưng
- Vận động quá sức hoặc sai tư thế khi làm việc, mang vác vật nặng, chơi thể thao, ngủ, vặn mình …
- Rung xóc do tiếp xúc với máy móc, động cơ lâu ngày
- Lão hóa do tuổi tác
- Phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị giãn dây chằng thắt lưng
- Căng thẳng, stress vì áp lực công việc
3. Triệu chứng cảnh báo giãn dây chằng lưng như thế nào?
Thông thường, khi bị giãn dây chằng lưng, người bệnh sẽ thấy xuất hiện các dấu hiệu như:
- Những cơn đau có thể nhẹ nhàng hoặc âm ỉ, dữ dội ở vùng lưng
- Đau nhức xương khớp khi cúi gập, xoay hoặc quay người, mang vác đồ vật, đứng lên ngồi xuống hoặc khi gắng sức làm việc gì đó.
- Các khớp có thể bị viêm, nóng và sưng đỏ.
- Khớp căng cứng khi ngủ dậy và phải nghỉ ngơi, xoa bóp vài phút mới cử động bình thường được.
- Thay đổi thời tiết các cơn đau nhức, tê buốt tăng lên.
- Người mệt mỏi, khó chịu, có thể đau nhức toàn thân.
4. Sơ cứu ra sao khi bị giãn dây chằng lưng?
Giãn dây chằng thắt lưng mặc dù không đe dọa tính mạng của người bệnh song nếu không được sơ cứu đúng cách và điều trị tích cực sẽ rất nguy hiểm. Biến chứng nặng nề nhất là đứt dây chằng lưng, các khớp trở nên lỏng lẻo dễ bị tổn thương.
Khi bị giãn dây chằng lưng, bạn cần thực hiện các bước sơ cứu sau:
- Bước 1: Không nên cử động khiến tình trạng tổn thương trầm trọng hơn
- Bước 2: Gọi người hỗ trợ, lấy đá chườm lạnh ngay sau chấn thương. Chú ý không dán hoặc thoa cao có công dụng làm nóng vì sẽ khiến dây chằng và cơ căng thêm, khó co lại như bình thường.
- Bước 3: Theo dõi tình trạng sức khỏe, nếu tình trạng đau kéo dài và không thể cử động, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám cụ thể
5. Điều trị giãn dây chằng lưng thế nào đúng cách?
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như chụp X-quang hoặc CT để xác định mức độ giãn, tổn thương do giãn dây chằng lưng gây ra.
Tùy thuộc vào mức độ chấn thương của dây chằng cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà lựa chọn áp dụng biện pháp điều trị như sau:
- Dùng thuốc
Nếu mức độ tổn thương nặng gây đau nhức dữ dội, khó khăn khi di chuyển, bệnh nhân cần sử dụng thuốc giảm đau, chống sưng viêm kết hợp theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để giảm nhanh cơn đau và hỗ trợ khả năng đàn hồi của dây chằng thắt lưng.
- Điều trị ngoại khoa
Nếu triệu chứng đau thắt lưng đã được điều trị nội khoa tích cực lâu dài nhưng không đạt hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa, đặc biệt đối với trường hợp đau lưng dữ dội và ảnh hưởng nặng nề đến vận động, sinh hoạt.
Sau điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa khi bị giãn dây chằng lưng, người bệnh cần áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ điều trị như:
- Tập Yoga
Những động tác của bài tập yoga có tác dụng tăng độ dẻo dai, chắc khỏe cho xương khớp, cơ bắp và dây chằng. Đây cũng là cách phục hồi nhanh tổn thương khi bị giãn dây chằng thắt lưng.
- Xoa bóp/ massage
Người bệnh cũng nên kết hợp với phương pháp xoa bóp, massage hai bên cột sống khoảng 30 phút/lần để giúp giảm đau, điều hòa khí huyết, tăng cường lưu thông máu, và giảm tắc nghẽn hiệu quả.
- Nghỉ ngơi
Khi bị đau thắt lưng, người bệnh nên nằm ngửa và thả lỏng cơ thể để nghỉ ngơi. Tư thế nằm thẳng, đầu, vai, mông và gót chân chạm giường. Lưu ý không nên nằm trên giường nệm quá dày và cứng để tránh đè ép cơ và mạch máu.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và theo dõi tình trạng sức khỏe, tái khám kiểm tra theo đúng lịch hẹn.