Hội chứng ống cổ tay là tình trạng đau, tê bàn tay. Nếu tình trạng này kéo dài người bệnh cần đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng bệnh chèn ép dây thần kinh ngoại biên. Hội chứng xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi qua cổ tay.
Hậu quả của việc chèn ép tình trạng viêm, đau, tê, làm giảm hoặc mất cảm giác vùng da bàn tay chịu chi phối của thần kinh giữa, khiến bệnh nhân khó chịu. Hiện nay, số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do nhu cầu công việc thường sử dụng nhiều tới sự linh hoạt, tỉ mỉ, lặp đi lặp lại của cổ tay.
2. Nguyên nhân xuất hiện hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là hệ quả của nhiều yếu tố gây bệnh. Theo nghiên cứu, nữ giới và người cao tuổi có tỷ lệ cao mắc bệnh lý này. Các nguyên nhân gây bệnh gồm:
2.1. Di truyền
Đây có thể xem là một yếu tố quan trọng mà khá nhiều người gặp phải. Đường hầm ống cổ tay có kích thước nhỏ hơn hoặc có sự khác nhau về giải phẫu làm thu hẹp không gian, gây nên tình trạng chèn ép dây thần kinh giữa.
2.2. Giới tính
Nhìn chung nữ giới có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn nam giới. Do đó, họ có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay cao gấp ba lần so với nam giới.
2.3. Sử dụng tay lặp đi lặp lại
Nếu cổ tay và bàn tay lặp đi lặp lại một chuyển động trong thời gian dài có thể làm tổn thương gân ở cổ tay, gây sưng viêm và áp lực lên dây thần kinh.
2.4. Vị trí tay và cổ tay
Bàn tay và cổ tay thực hiện các hoạt động uốn cong, gập duỗi quá mức trong một thời gian dài sẽ làm tăng áp lực lên dây thần kinh.
2.5. Thai kỳ
Thay đổi nội tiết tố trong quá trình mang thai có thể gây sưng viêm các thành phần của ống cổ tay.
2.6. Các bệnh lý đi kèm
Các bệnh lý như thừa cân béo phì, tiểu đường, suy thận, rối loạn chức năng tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp là những bệnh lý liên quan đến hội chứng ống cổ tay.
2.7. Sau tổn thương cổ tay
Tổn thương tay do viêm khớp, viêm đơn dây, viêm dây chằng, đa dây thần kinh hoặc các chấn thương cổ tay như trật khớp, gãy xương. Tổn thương này làm thay đổi không gian ống cổ tay, gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
3. Dấu hiệu nhận biết người mắc hội chứng ống cổ tay
3.1. Tê tay khi lái xe
Để nhận biết hội chứng ống cổ tay, bác sĩ sẽ thăm hỏi người bệnh các triệu chứng họ gặp phải. Tùy theo từng mức độ, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện khác nhau.
Ở Việt Nam, dấu hiệu phổ biến là tê tay khi lái xe. Người bệnh sẽ cảm thấy tê ở bàn tay, phải nghỉ giữa chừng khi đang lái xe. Nếu tình trạng tê tay xuất hiện khi bạn vừa bắt đầu lái xe, điều đó cho thấy bệnh đang ở mức độ khá nặng.
3.2. Tê tay vào ban đêm
Khi bạn đi ngủ đến, cảm giác tay bị tê như có vật gì đè lên. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra lúc bạn đã chìm vào giấc ngủ, từ khoảng 1-2 giờ sáng.
3.3. Tê tay khi làm việc
Khi người bệnh cầm bút hoặc cầm đũa ăn, tay và ngón tay sẽ cảm thấy tê. Thậm chí, bạn có thể đánh rơi đồ vật đang cầm do tay bị tê quá mức, không thể giữ chắc đồ dùng. Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân cho biết, bàn tay bị mất kiểm soát, bị teo một ngón và khó khăn khi cử động và làm việc. Triệu chứng này chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi. Khi các triệu chứng nhẹ ban đầu không được giải quyết dứt điểm.
Theo từng giai đoạn, người bệnh có thể bị liệt và teo cơ. Vì vậy, khi gặp những dấu hiệu này, người bệnh cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, cần khám ngay là khi người bệnh bị liệt cơ nhưng không phục hồi ở cơ đối chiếu ngón cái – là ngón rất quan trọng trong việc cầm nắm.
4. Cách điều trị hội chứng ống cổ tay bạn cần biết
Việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và diễn biến bệnh. Người bệnh cần chủ động đi khám để được bác sĩ và chuyên gia cơ xương khớp tư vấn điều trị chính xác.
4.1. Điều trị nội khoa hội chứng ống cổ tay
Điều trị nội khoa được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn đầu. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc như:
– Thuốc chống viêm phi steroid
– Corticoid đường uống
Kết hợp điều trị bằng thuốc, người bệnh cần hạn chế vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức để giảm áp lực trong ống cổ tay.
4.2. Dùng nẹp cổ tay
Người bệnh có thể áp dụng phương pháp này vào ban đêm hoặc liên tục cả ngày. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nẹp cổ tay có thể giúp cải thiện các triệu chứng như tê tay sau 4 tuần điều trị.
4.3. Điều trị ngoại khoa hội chứng ống cổ tay
Phương pháp này được áp dụng cho người bệnh đã ở giai đoạn nặng. Những người có dấu hiệu rối loạn cảm giác, teo cơ, đã điều trị nội khoa thời gian dài mà tình trạng bệnh không giảm.
Nếu trước đây, phẫu thuật mổ mở với đường mổ dọc gan tay hay mổ mở nhỏ là kỹ thuật thường được áp dụng, thì hiện tại mổ nội soi được ưu tiên hơn. Mổ nội soi hạn chế xâm lấn, an toàn hơn và giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.
5. Giải pháp phòng ngừa hội chứng ống cổ tay
Nếu bạn đang là nhân viên văn phòng, phải làm việc với máy tính, hãy để tay đúng cách để sử dụng bàn phím và chuột máy tính phù hợp. Cách làm này giúp tay thư giãn và không bị căng cổ tay trong thời gian làm việc dài.
Sau thời gian dài làm việc, khoảng 12-30 phút một lần, bạn nên nhẹ nhàng duỗi tay và xoa bóp cổ tay, để giúp thư giãn gân cốt. Đặc biệt, nếu bạn làm các công việc nặng, sử dụng lực cổ tay lớn, bạn cần tập luyện sự dẻo dai cho đôi tay thường xuyên hơn.
Ngồi sai tư thế cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở cổ. Hành động này tác động gián tiếp lên các dây thần kinh ở bàn tay, khiến bạn dễ bị đau tay hơn.
Nếu đang mắc phải những triệu chứng kể trên, bạn cần đi khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời hội chứng ống cổ tay. Đồng thời, bạn cũng nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, tạo thói quen sinh hoạt và làm việc khoa học để bảo vệ sức khỏe bàn tay của mình.