Triệu chứng hội chứng ống cổ tay: Nhận biết để điều trị sớm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CK II, Thầy thuốc ưu tú

Nguyễn Thị Kim Loan

Bác sĩ Nội Khoa

Bị đau nhức, tê bì và mất cảm giác ở các đầu ngón tay là những triệu chứng hội chứng ống cổ tay thường gặp. Đây là một bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến công viêc và cuộc sống hàng ngày của người bệnh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

1. Hội chứng ống cổ tay là gì?

Ống cổ tay là một khoang rỗng được bao quanh bởi xương cổ tay, dây chằng và mạc cơ. Trong ống cổ tay là các dây thần kinh điều khiển cảm giác và vận động các cơ ở tay.

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh trong ống cổ tay bị chèn ép gây ra các cơn đau nhức ở tay. Các triệu chứng thường gặp của hội chứng này là: ngứa và tê bì ở các ngón tay, tê buốt bàn tay, chuột rút,…

Theo các nghiên cứu, người già và phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng này cao nhất.

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh trong ống cổ tay bị chèn ép gây ra các cơn đau nhức ở tay

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh trong ống cổ tay bị chèn ép gây ra các cơn đau nhức ở tay

2. Triệu chứng hội chứng ống cổ tay đáng lưu ý

2.1 Đau nhức, tê bì

– Cảm giác tê bì, ngứa ran ở bàn tay, chủ yếu là ngón cái, ngón giữa và ngón trỏ

– Đau nhức như có luồng điện chạy qua ở ngón tay rồi lan ra cổ tay và cánh tay

– Cảm giác tê bì xuất hiện rõ nhất là vào ban đêm

– Mức độ cơn đau tăng lên khi người bệnh đánh máy vi tính, lái xe, dùng điện thoại,…

– Đau cơ lòng bàn tay và thường xuyên bị chuột rút

2.2 Yếu tay – Triệu chứng hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay có thể khiến người bệnh bị mất cảm giác ở các đầu ngón tay. Khi đó, họ sẽ không cảm nhận rõ ràng được những thứ mà tay tiếp xúc dẫn đến việc làm rơi đồ.

Tay yếu và vụng về khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, có thể kể đến các hoạt động như buộc dây giày, bấm điện thoại, cầm đồ vật, lái xe,…Ngoài ra, người bệnh còn mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.

Triệu chứng hội chứng ống cổ tay là các cơn đau nhức và yếu tay

Người bị hội chứng ống cổ tay thường gặp khó khăn trong các hoạt động như buộc dây giày, bấm điện thoại, cầm đồ vật, lái xe,…

2.3 Mất ngủ là triệu chứng hội chứng ống cổ tay

Các cơn đau nhức thường xuất hiện, đặc biệt vào ban đêm là nguyên nhân gây mất ngủ cho người bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng yếu tay gây cản trở các hoạt động hàng ngày, làm giảm hiệu quả công việc. Điều này khiến người bệnh lo lắng, căng thẳng và khó để đi vào giấc ngủ. Khi mất ngủ kéo dài, người bệnh có thể bị suy nhược cơ thể.

Hội chứng ống cổ tay thường khó nhận biết vì các triệu chứng khởi phát chậm. Ban đầu các triệu chứng thường chỉ thoáng quá và không gây ra bất kỳ tổn thương nào nên người bệnh không cảm nhận được. Chỉ khi tình trạng đau nặng hơn và thường xuyên hơn, họ mới thấy bất thường và đi khám. Lúc đó, tình trạng dây thần kinh bị ép đã nặng và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

3. Những nguyên nhân nào gây ra hội chứng ống cổ tay?

– Các chấn thương ở bàn tay và cổ tay: Trật khớp, gãy xương,… là những chấn thương có thể ảnh hưởng đến ống cổ tay, gây áp lực lên các dây thần kinh, dẫn đến hội chứng ống cổ tay.

– Đặc thù công việc: Những người thường xuyên làm việc với các dụng cụ rung hoặc tư thế làm việc phải gập cổ tay lặp đi lặp lại rất dễ mắc hội chứng này. Các công việc có đặc điểm trên có thể kể đến như: lái xe, chơi nhạc cụ, đánh văn bản, thợ thủ công,… Khi đó, cổ tay và bàn tay dễ bị tổn thương, gây ra áp lực lên các dây thần kinh. Đặc biệt, làm việc trong môi trường có nhiệt độ thấp thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn.

– Các bệnh lý về khớp: Các bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm dây chằng, viêm gân,… có thể ảnh hưởng đến lớp niêm mạc gân ở cổ tay. Đây cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến hội chứng ống cổ tay.

– Di truyền: Những người có thành viên trong gia đình có ống cổ tay nhỏ sẽ dễ mắc bệnh này.

– Mang thai: Phụ nữ mang thai hoặc mãn kinh thường gặp tình trạng giữ nước ở ống cổ tay, gây chèn ép các dây thần kinh.

– Thuốc: Một số loại thuốc điều trị ung thư, ví dụ như ung thư vú có thể gây bệnh.

– Các bệnh mạn tính: Tiêu biểu là tiểu đường, suy thận, rối loạn tuyến giáp,…

Những người làm công việc phải vận động cổ tay nhiều như chơi nhạc cụ, thợ may, lái xe,... có nguy cơ bị mắc hội chứng ống cổ tay cao

Những người làm công việc phải vận động cổ tay nhiều như chơi nhạc cụ, thợ may, lái xe,… có nguy cơ bị mắc hội chứng ống cổ tay cao

4. Yếu tố nguy cơ gây bệnh và phương pháp chẩn đoán, điều trị

Với hội chứng này, ban đầu các triệu chứng đau chỉ xuất hiện vài ngày rồi chấm dứt. Tuy nhiên, khi bệnh trở nặng, các cơn đau sẽ thường xuyên và dữ dội khiến người bệnh vận động khó khăn và cản trở sinh hoạt hàng ngày.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng như:

– Mất cảm giác tay

– Hẹp ống cổ tay

– Teo các cơ

– Giảm chức năng vận động của bàn tay

4.1 Phương pháp chẩn đoán hội chứng ống cổ tay

Dựa vào tình hình thực tế của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp sau để chẩn đoán bệnh lý:

– Khám lâm sàng, kiểm tra thể chất: Bác sĩ sẽ kiểm tra cảm nhận của các ngón tay và khớp cổ tay thông qua các động tác uốn cong cổ tay, ấn vào dây thần kinh và thử cho bệnh nhân cầm nắm các vật.

– Điện cơ: Đây là phương pháp để đo tốc độ dẫn truyền của các xung thần kinh

– Chụp X-quang: Để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra đau cổ tay như gãy xương, viêm khớp,…

4.2 Cách điều trị hội chứng ống cổ tay

Dưới đây là các phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay phổ biến hiện nay:

– Nẹp cổ tay

Nẹp giữ cố định cổ tay để làm giảm áp lực lên dây thần kinh trong ống cổ tay. Người bệnh có thể đeo nẹp cả khi ngủ, vừa giảm được triệu chứng đau vừa giữ cho cổ tay không bị gập.

– Dùng thuốc giảm đau

Các loại thuốc này có tác dụng giảm đau cổ tay trong thời gian ngắn. Lưu ý, khi sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đơn của bác sĩ, tránh các tác dụng phụ gây nguy hiểm. Một số trường hợp có thể tiêm trực tiếp thuốc giảm đau vào ống tay.

– Phẫu thuật

Phương pháp này được áp dụng với các tình trạng nặng và các phương pháp khác không có hiệu quả.

– Bài tập trị liệu

Ứng dụng vật lý trị liệu hay tập yoga,… có thể giúp giảm các triệu chứng đau đồng thời củng cố sức mạnh các cơ bàn tay. Từ đó, khôi phục các chức năng vận động cho người bệnh.

Bên cạnh áp dụng các biện pháp điều trị, người bệnh cần giảm thiểu căng thẳng cho cổ tay để hạn chế cơn đau tái phát. Một số biện pháp phòng ngừa được chuyên gia khuyến cáo gồm: thực hiện các động tác co duỗi cổ tay trong giờ giải lao, giữ tay thẳng và để tay ở tư thế thoải mái khi làm việc, cải thiện các tư thế xấu gây chèn ép lên các dây thần kinh,…

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital