Hình dạng của sán lá gan và quá trình gây bệnh

Tham vấn bác sĩ
Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Xuân Thành

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh sán lá gan không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt  và sức khỏe nói chung mà còn có thể đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Cùng tìm hiểu hình dạng của sán lá gan, quá trình gây bệnh cho người và động vật của loài ký sinh này để nhận diện và phòng tránh hiệu quả. 

1. Đặc điểm của sán lá gan

1.1 Hình dạng của sán lá gan như thế nào?

Sán lá gan là một loại ký sinh trùng  gây bệnh cho người và động vật. Chúng có thân dẹt, có hình dạng giống chiếc lá, dài 2 – 5 cm, màu đỏ máu. Mắt và lông của loại sán này thường tiêu giảm bớt. Thay vào đó, các giác bám phát triển, giúp sán lá gan bám chắc vào nội tạng của vật chủ. Đồng thời, với cơ dọc, cơ vòng và cơ lưng bụng phát triển, sán lá gan có thể biến đổi cơ thể linh hoạt như chun, giãn, phồng, dẹp cơ thể để chui rúc, luồn lách trong cơ thể mà chúng ký sinh.

Nhờ phần hầu có cơ khỏe, chúng dễ dàng hút chất dinh dưỡng từ môi trường ký sinh để nuôi cơ thể. Sán lá gan không có hậu môn.

Cơ thể sán là lưỡng tính, vừa có tinh hoàn và buồng trứng. Trứng sán lá gan có vỏ mỏng nên khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, sẽ bị hỏng nếu nhiệt độ ánh sáng mặt trời trên 700 độ C và ở môi trường không có nước. Ngoài ra, khả năng tồn tại của sán lá gan trưởng thành ở ngoại cảnh cũng rất kém.

Hình dạng của sán lá gan có đặc điểm: thân dẹt, có hình giống chiếc lá, dài 2 - 5 cm, màu đỏ máu.

Sán lá gan có thân dẹt, có hình giống chiếc lá, dài 2 – 5 cm, màu đỏ máu.

1.2 Hình dạng của sán lá gan có phụ thuộc vào kích thước sán không?

Bệnh sán lá gan thường được chia thành 2 loại là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn.

Sán lá gan nhỏ: gồm 3 loại Clonorchis sinensis; Opisthorchis felineus; Opisthorchis viverrini. Loại này phổ biến ở miền Trung và miền Nam nước ta.

– Sán lá gan lớn: gồm 2 loại Fasciola hepatica; Fasciola gigantica, thường phân bố ở miền Bắc nước ta.

2 loại sán này chỉ khác nhau về kích thước. Cụ thể sán lá gan lớn có kích thước lớn hơn so với sán lá gan nhỏ, còn về hình dạng hay cấu tạo tương tự nhau.

2. Đặc điểm của bệnh sán lá gan

Bệnh sán lá gan thường phát sinh khi ta ăn hoặc uống phải các thực phẩm có chứa sán. Dưới đây là những đặc điểm của căn bệnh này.

2.1 Cách sán lá gan gây bệnh cho người, động vật

Sán lá gan nhỏ có vật chủ chính là người và một số động vật như chó, mèo, chuột…. Vật chủ trung gian của chúng là các loài ốc, cá nước ngọt.

Con người nhiễm bệnh sán lá gan nhỏ thường là do ăn cá và các loài thủy sinh có chứa ấu trùng sán chưa được nấu chín. Ấu trùng theo đường tiêu hóa đi vào dạ dày của người bệnh, rồi lên gan theo đường mật và phát triển thành sán lá gan gây bệnh cho vật chủ. Trong khi đó, sán lá gan lớn thường tồn tại chủ yếu ở những loài vật ăn cỏ như: trâu, bò, dê, cừu…Sán lá gan lớn thường đi vào cơ thể do người bệnh ăn phải các loại rau mọc ở dưới nước bị nhiễm bẩn và có chứa sán như rau muống, rau cần…

Sán lá gan xâm nhập vào cơ thể khi người bệnh ăn các loại rau sống, đồ ăn chưa được nấu kỹ

Sán lá gan xâm nhập vào cơ thể khi người bệnh ăn các loại rau sống, đồ ăn chưa được nấu kỹ

2.2 Triệu chứng của bệnh

Ở giai đoạn ủ bệnh, rất khó xác định được triệu chứng nếu bạn nhiễm phải sán lá gan lớn. Trường hợp nhiễm sán lá gan nhỏ, các triệu chứng biểu hiện còn tùy thuộc vào số lượng ấu trùng mà người bệnh đã ăn phải. Thông thường phải nhiễm trên 100 sán con sán lá gan nhỏ người bệnh mới có biểu hiện rõ rệt.

Thời kỳ lây truyền, sán lá gan ký sinh và đẻ trứng trong gan, mật khiến người bệnh có thể có những triệu chứng sau đây:

– Đau bụng

Đau bụng ở người bị nhiễm sán lá gan thường là những cơn đau quặn. Cơn đau này xảy ra do sán lá gan di chuyển từ ruột lên gan, hoặc chui qua ống mật làm tắc nghẽn ống mật.

– Khó chịu, thường xuyên buồn nôn, tiêu chảy

Triệu chứng này xảy ra do ống dẫn mật bị tắc. Triệu chứng khó chịu, buồn nôn, tiêu chảy có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.

– Vàng da, da xanh, nhợt nhạt

Sán ký sinh trong gan, mật có thể gây tắc nghẽn và làm nhiễm trùng gan, ống dẫn mật, khiến da bị vàng hoặc tái xanh, nhợt nhạt. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể nôn nhiều, tiêu chảy, chán ăn. Điều này cũng dẫn đến tình trạng da xanh và nhợt nhạt.

– Sụt cân nhanh chóng

Sán lá gan “hoành hành” khiến người bệnh thường xuyên chán ăn, mất cảm giác ngon miệng, vì vậy rất dễ sút cân.

– Nổi ban

Sau khi sán lá gan thâm nhập vào gan, người bệnh có thể bị nổi ban, ngứa. Đây có thể là kết quả do hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với sự nhiễm trùng do sán lá gan gây ra.

– Sốt

Sự tắc nghẽn ở các ống mật do sán gây ra có thể dẫn tới nhiễm trùng và làm người mắc bị sốt.

2.3 Biến chứng của bệnh sán lá gan

Bệnh sán lá gan nếu không được điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

– Áp-xe gan: Sán lá gan lớn khi ký sinh ở gan sẽ tiết ra các chất độc phá hủy nhu mô gan, từ đó gây áp-xe gan.

Ung thư gan, ung thư đường mật: Sau 2-3 tháng, sán lá gan lớn sẽ tiếp tục phát triển ở đường mật. Quá trình này có thể kéo dài đến 30 năm, làm tăng nguy cơ ung thư gan, ung thư đường mật…

Xơ gan, tắc mật: Sán lá gan nhỏ sau khi xâm nhập vào nhu mô gan có thể tiếp tục ký sinh ở ống dẫn mật trong gan. Không chỉ chiếm các nguồn dinh dưỡng nuôi gan mà chúng còn gây tổn thương gan mật nghiêm trọng như xơ gan, xơ cứng ống dẫn mật, tắc mật. Thậm chí sán lá gan nhỏ có thể dẫn đến bệnh lý gan mật nghiêm trọng như xơ gan cổ trướng, áp-xe gan thoái hóa…

Người mắc bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Điều trị và phòng ngừa sán lá gan như thế nào?

Thực hiện ăn chín uống sôi và thăm khám thường xuyên để phòng ngừa hoặc phát hiện sớm bệnh sán lá gan.

3. Cách phòng ngừa hiệu quả bệnh sán lá gan

Sán lá gan lây nhiễm chủ yếu qua đường ăn uống. Vì vậy, để phòng tránh mắc phải căn bệnh này, người bệnh cần:

– Thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn các loại cá, ốc khi chưa được nấu chín kỹ, không ăn các loại rau sống, đặc biệt là rau mọc dưới nước.

– Rửa tay kỹ trước khi ăn hoặc chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải…

– Không dùng phân tươi để bón rau, xử lý phân người và phân động vật theo đúng quy chuẩn.

– Sử dụng nước đảm bảo sạch.

– Tẩy giun định kỳ, ít nhất 6 tháng/lần.

Bệnh sán lá gan tuy nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh và kiểm soát. Hi vọng những thông tin về hình dạng của sán lá gan, đặc điểm gây bệnh, triệu chứng và biến chứng,… đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và chủ động nhân diện, phòng tránh, bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital