Hiểu rõ về chẩn đoán hình ảnh viêm phổi

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Vũ Đình Sáng

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh

Viêm phổi là bệnh lý nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Để xác định chính xác tình trạng tổn thương ở phổi, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh viêm phổi như X quang, CT scan, siêu âm phổi… được xem là trợ thủ đắc lực giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị hiệu quả. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến chẩn đoán phát hiện căn bệnh viêm phổi.

1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng tại nhu mô phổi, bao gồm các cấu trúc như phế nang (những túi khí nhỏ), ống phế nang, túi phế nang, mô liên kết kẽ và tiểu phế quản tận cùng. Bệnh thường do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Khi các phế nang và đường thở tích tụ nhiều dịch nhầy hoặc mủ, kèm theo dịch tiết từ đường hô hấp trên, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng ho có đờm, sốt, ớn lạnh và khó thở. Tình trạng viêm có thể xuất hiện tại một thùy phổi, nhiều thùy (viêm đa thùy) hoặc lan rộng toàn bộ phổi – mức độ nguy hiểm sẽ tăng theo phạm vi tổn thương.

Đây là căn bệnh đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong ở trẻ em toàn cầu, chiếm đến 14% tổng số trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Trong đó, phế cầu khuẩn là tác nhân gây bệnh trong khoảng 20 – 45% trường hợp. Trung bình, mỗi trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp từ 5 đến 8 lần trong một năm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có khoảng 150 triệu ca viêm phổi ở trẻ em tại các quốc gia đang phát triển, và trong số đó có tới 11 triệu ca phải nhập viện điều trị.

Chẩn đoán hình ảnh viêm phổi sớm tăng khả năng điều trị thành công

Viêm phổi là một dạng nhiễm trùng tại nhu mô phổi

2. Những người có nguy cơ mắc viêm phổi

Viêm phổi thường bùng phát nhiều hơn vào mùa đông hoặc khi cơ thể tiếp xúc với thời tiết lạnh, do lúc này sức đề kháng suy giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus dễ tấn công hệ hô hấp. Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phổi bao gồm:

– Người cao tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc bị ức chế miễn dịch.

– Bệnh nhân phải nằm viện dài ngày hoặc có tiền sử nhập viện trước đó.

– Người đã sử dụng kháng sinh trước đó, làm thay đổi hệ vi sinh đường hô hấp.

– Người mắc các bệnh mãn tính như giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy tim.

– Bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh như động kinh (do dễ hít phải chất dịch vào phổi).

– Người từng cắt lách hoặc có các bệnh lý huyết học như thiếu máu hồng cầu hình liềm.

– Người có các dị tật ở lồng ngực như gù, vẹo cột sống.

– Người có bệnh lý tai mũi họng như viêm xoang, viêm amidan, nhiễm trùng tai giữa…

– Những người có vệ sinh răng miệng kém, mắc các bệnh lý nha chu như viêm lợi.

– Người nghiện rượu hoặc hút thuốc lá – các thói quen làm suy yếu hàng rào bảo vệ của hệ hô hấp.

– Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ giúp người bệnh chủ động phòng ngừa viêm phổi, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa và thời điểm dịch bệnh hô hấp diễn biến phức tạp.

3. Những điều cần biết về chẩn đoán hình ảnh viêm phổi

3.1. Khi nào cần chẩn đoán hình ảnh viêm phổi?

Các triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể biểu hiện từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào loại tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm…), độ tuổi cũng như thể trạng sức khỏe của người bệnh. Trong những trường hợp nhẹ, biểu hiện có thể giống như cảm cúm thông thường nhưng dai dẳng và nặng hơn theo thời gian.

Một số triệu chứng điển hình của viêm phổi bao gồm:

– Đau tức ngực khi hít thở sâu hoặc khi ho.

– Ho khan hoặc ho có đờm.

– Cảm giác mệt mỏi, kiệt sức.

– Sốt cao, kèm theo vã mồ hôi và cảm giác ớn lạnh.

– Ở người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch yếu, sốt có thể không rõ ràng.

– Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.

– Khó thở, thở nhanh, hụt hơi.

– Lú lẫn, mất định hướng (thường gặp ở người lớn tuổi).

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, dấu hiệu viêm phổi có thể không rõ ràng như ở người lớn, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý một số biểu hiện sau:

– Trẻ bị nôn trớ thường xuyên.

– Sốt cao, có thể đi kèm theo co giật.

– Ho liên tục.

– Trẻ quấy khóc, mệt mỏi, ít vận động.

– Bỏ bú, bỏ ăn, thở nhanh hoặc khó thở.

– Da môi, đầu chi tím tái, thở rút lõm lồng ngực, li bì.

Dấu hiệu nhận biết viêm phổi

Ho về đêm cũng là một trong những biểu hiện của viêm phổi

3.2. Phương pháp chẩn đoán hình ảnh viêm phổi

Để chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ sẽ dựa vào khai thác tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương pháp cận lâm sàng. Điều này không chỉ giúp xác định chính xác tình trạng bệnh lý mà còn hỗ trợ đánh giá mức độ nghiêm trọng, phát hiện biến chứng, định hướng nguyên nhân vi sinh và theo dõi hiệu quả điều trị. Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh gồm:

– Chụp X quang phổi: Là công cụ hình ảnh cơ bản và rất quan trọng trong việc xác định tổn thương ở phổi do viêm.

– Chụp CT ngực (CT scanner): Được chỉ định trong các trường hợp viêm phổi diễn biến nặng, phức tạp, có yếu tố suy giảm miễn dịch, viêm phổi tái đi tái lại hoặc không đáp ứng điều trị. Ngoài ra, CT cũng hữu ích khi hình ảnh X quang phổi không thể hiện rõ tổn thương.

– Siêu âm ngực: Là phương pháp đơn giản, chi phí thấp, hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi quá trình đáp ứng điều trị, đặc biệt trong việc phát hiện tràn dịch màng phổi.

4. Phương pháp chữa trị bệnh viêm phổi

4.1. Chữa trị tại nhà

Đa phần các triệu chứng của viêm phổi có thể thuyên giảm trong vòng vài ngày đến vài tuần. Tuy nhiên, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài hơn, thậm chí tới một tháng. Khi điều trị tại nhà, bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp với nguyên nhân gây bệnh, đồng thời được hẹn tái khám định kỳ hoặc đến cơ sở y tế ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường như khó thở, sốt cao không hạ…

4.2. Chữa trị tại bệnh viện

Những người lớn có biểu hiện viêm phổi nghiêm trọng như thở gấp, suy hô hấp cần được nhập viện sớm để tránh biến chứng. Trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi mắc viêm phổi dù có biểu hiện nhẹ cũng phải nhập viện ngay để được theo dõi và điều trị. Với trẻ từ 2 đến 5 tuổi, nếu xuất hiện tình trạng bỏ ăn, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở khò khè hoặc có tiếng rít khi thở cũng cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

Điều trị viêm phổi tại bệnh viện

Điều trị viêm phổi tại bệnh viện sẽ giúp bệnh nhân giảm thiểu những rủi ro nguy hiểm của căn bệnh

Tổng kết lại, viêm phổi là một trong những bệnh lý nguy hiểm và việc chẩn đoán hình ảnh viêm phổi đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện và theo dõi điều trị, giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân, mức độ tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital