Dấu hiệu viêm phổi trẻ em dễ nhận biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ em hệ miễn dịch còn non nớt nên rất dễ bị vi khuẩn tấn công gây nên nhiều bệnh lý trong đó có các bệnh lý đường hô hấp. Một trong những bệnh lý phổ biến nhất là viêm phổi. Viêm phổi trẻ em là bệnh lý thường gặp, có thể đem đến nhiều biến chứng thậm chí nguy hiểm đến tính mạng (có khoảng 2 triệu trẻ em/năm thiệt mạng do viêm phổi) nếu không được phát hiện kịp thời.

Khái niệm bệnh viêm phổi trẻ em

Hình ảnh minh họa bệnh viêm phổi.

1. Viêm phổi trẻ em là bệnh gì?

Viêm phổi là tình trạng vi khuẩn và vi trùng mắc kẹt trong phổi, chúng tạo thành ổ và sinh sôi nảy nở gây nhiễm trùng phổi, viêm phổi. Bệnh thường gặp vào mùa lạnh, giao mùa hoặc sau 1 đợt trẻ bị cúm sốt. Lúc này các vi khuẩn có điều kiện thích hợp và nguồn dinh dưỡng để tiếp tục sinh sôi gây hại nặng nề đến đường hô hấp của trẻ. Trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng thường bị viêm phổi nhất.

2. Nhận biết khi trẻ bị viêm phổi

Trẻ bị viêm phổi có phản ứng tự vệ bình thường là ho. Ho sẽ giúp đẩy chất nhầy ra khỏi túi phế nang, chất nhầy này do vi khuẩn, vi trùng tạo ra và chính là nguồn dinh dưỡng nuôi dưỡng chúng phát triển. Tuy nhiên, nếu trẻ ho dai dẳng, nặng tiếng thì lại không phải phản ứng tốt. Bố mẹ cần chú ý nhận biết các dấu hiệu để sớm phát hiện bệnh viêm phổi trẻ em và đưa trẻ đến gặp bác sĩ kịp thời:
– Biểu hiện ho từ nhẹ tới nặng, tuy nhiên nhiều trẻ không có biểu hiện này hoặc chỉ là biểu hiện nhẹ do ngứa cổ họng
– Thở nhanh, thở gắng sức, thở rên là biểu hiện điển hình do phổi và đường hô hấp đang bị tổn thương, tiết nhiều dịch nhầy khiến trẻ không thể thở bình thường
– Nhiều trẻ có biểu hiện sốt do viêm nhiễm gây nên, tuy nhiên một số trẻ có sức đề kháng tốt cũng có thể không biểu hiện sốt hoặc chỉ sốt nhẹ. Sốt là biểu hiện bình thường, có thể nói là tốt. Nhưng nếu sốt cao, dai dẳng, nhiều cơn trong ngày thì bố mẹ không được chủ quan.
– Trẻ dễ nôn trớ sau khi ho
– Trẻ sơ sinh bị viêm phổi có dấu hiệu ngủ li bì, mệt mỏi, bỏ bú, bú ít
– Nghẹt mũi
– Nhiều trẻ có biểu hiện tức ngực
– Môi, móng tay xanh xám hoặc tím, tái

Trong các dấu hiệu thì thở nhanh được coi là dấu hiệu sớm dễ nhận biết nhất. Bố mẹ có thể chú ý đến nhịp thở của con khi không hoạt động mạnh:
– Trẻ dưới 2 tháng thở từ 60 lần/phút trở lên
– Trẻ từ 2 đến 12 tháng thở trên 50 lần/phút
– Trẻ dưới 5 tuổi từ 40 lần/phút trở lên

Nếu bố mẹ sớm phát hiện các dấu hiệu và cho trẻ khám sớm thì hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú theo phác đồ và hướng dẫn của bác sĩ. Nhưng nếu chủ quan cho trẻ khám muộn, các triệu chứng trở nặng thì trẻ sẽ phải điều trị nội trú. Bố mẹ nên ghi nhớ tiền sử bệnh lý của con để chia sẻ với bác sĩ, hỗ trợ quá trình xác định nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi trẻ em.

Dấu hiệu cảnh báo viêm phổi trẻ em

Ho là một trong những phản ứng đầu tiên của bệnh viêm phổi.

3. Nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi bố mẹ cần biết

Thủ phạm gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em mà bố mẹ có thể điểm mặt chỉ tên như:
– Có rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi cho trẻ em. Với trẻ dưới 2 tuổi thường là các vi khuẩn đường ruột truyền từ người mẹ. Với trẻ dưới 5 tuổi là các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu vàng,… Trên 5 tuổi thường là các siêu vi gây hại hô hấp. Trong đó phế cầu là thủ phạm chính gây nên các ca viêm phổi ở trẻ em. Vi khuẩn này có thể được lây lan qua giọt bắn hô hấp hoặc tiếp xúc với người khỏe mạnh mang vi khuẩn.
– Nếu trong gia đình phụ huynh thường xuyên hút thuốc mà trẻ thường xuyên phải hít khói thuốc chủ động thì có nguy cơ cao mắc viêm phổi
– Trẻ có nguy cơ cao mắc viêm phổi là các trẻ sinh non có hệ miễn dịch kém, có bệnh lý nền mãn tính như hen suyễn, đái tháo đường,…

4. Chẩn đoán và điều trị bệnh

Trẻ bị viêm phổi nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể đem đến các biến chứng rất nguy hiểm như:
– Tràn mủ màng phổi gây kháng thuốc
– Suy hô hấp cấp
– Nhiễm trùng huyết
– Tràn dịch màng tim
– Nhiều biến chứng khác rất nguy hiểm hoặc có thể gây tử vong

Khi được đưa đến bệnh viện, trẻ sẽ được các bác sĩ tiến hành chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng bằng nhiều phương pháp:
– Chẩn đoán qua thăm hỏi triệu chứng bệnh
– Chụp Xquang chẩn đoán viêm phổi nói chung
– Xét nghiệm máu, xét nghiệm đờm (với trẻ đã lớn) giúp xác định nguyên nhân viêm phổi do vi trùng

Sau khi đã xác định được nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị cho trẻ. Viêm phổi trẻ em được điều trị dựa trên nguyên tác hạn chế kháng sinh, giảm triệu chứng, hỗ trợ hô hấp, chú ý đến chế độ dinh dưỡng và hạn chế các biến chứng. Trường hợp trẻ bị viêm phổi nặng, trẻ sẽ được chỉ định dùng kháng sinh điều trị và dùng máy thở hỗ trợ hô hấp. Bố mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc, dùng kháng sinh điều trị tại nhà cho trẻ. Tùy vào thể trạng của bệnh nhân mà phác đồ điều trị cũng có sự khác biệt.

Điều trị bệnh viêm phổi trẻ em

Viêm phổi đem đến rất  nhiều biến chứng nên bố mẹ cần chú ý quan sát và cho con thăm khám, điều trị kịp thời.

Ngoài ra, bố mẹ cũng cần chú ý đến cách chăm sóc trẻ khi bị viêm phổi bao gồm: chế độ dinh dưỡng, phương pháp hỗ trợ giảm triệu chứng được bác sĩ hướng dẫn:
– Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm ấm và lau người tại các điểm như nách, bẹn,…
– Bù nước và điện giải bằng cách bú đủ, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả hoặc uống nước hoa quả, uống oresol (pha đủ liều lượng và bảo quản đúng)
– Đảm bảo trẻ vẫn được ăn đủ chất nhưng chú ý ăn lỏng và chia nhỏ bữa
– Bố mẹ có thể vỗ lưng hỗ trợ long đờm
– Vệ sinh sạch sẽ nhà ở tránh bụi bặm và khói thuốc
– Vệ sinh mũi miệng trẻ

Bên cạnh đó, để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh của con, bố mẹ có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:
– Cho trẻ tiêm chủng đầy đủ
– Khuyến khích cho trẻ bú mẹ đầy đủ để hỗ trợ củng cố hệ miễn dịch khỏe mạnh

Bệnh viêm phổi có thể tái phát khi thời tiết chuyển lạnh và trẻ không được chăm sóc kỹ khiến đường hô hấp dễ tổn thương. Bố mẹ hãy chú ý đến các biện pháp phòng ngừa và chú ý cho trẻ đi khám ngay khi thấy có dấu hiệu sức khỏe bất thường. Khoa Nhi Thu Cúc TCI luôn sẵn sàng đồng hành cùng bố mẹ bảo vệ sức khỏe con yêu.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital