Sốt xuất huyết hiện nay đang ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng chuyển biến nặng, phải thở máy, can thiệp điều trị, thậm chí không qua khỏi. Trước tình hình đó, Bộ Y tế cảnh báo ngoài việc chủ động phòng bệnh, người dân cần phát hiện sớm hiện tượng sốt xuất huyết, có nhận thức đúng để từ đó điều trị kịp thời, tránh xảy ra những điều không đáng có.
Menu xem nhanh:
1. Sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết với thường xảy ra phổ biến ở vùng khí hậu nhiệt đới do virus Dengue gây ra. Virus này có 4 chủng (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), vì thế bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên sau khi mắc 1 chủng người bệnh không nên chủ quan, bởi người đã từng bị sốt xuất huyết vẫn có khả năng mắc tiếp 3 chủng còn lại.
2. Hiện tượng sốt xuất huyết
2.1. Hiện tượng sốt xuất huyết ở thể nhẹ không biến chứng
Sau khoảng thời gian ủ bệnh, người bệnh sốt xuất huyết sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như sốt cao liên tục trong 2-7 ngày cùng một số triệu chứng khác như:
– Nhức đầu dữ dội, buồn nôn, chán ăn;
– Người bị phát ban, da xung huyết;
– Người bệnh bị chảy máu cam, chảy máu răng…
– Đau người, nhức hai hố mắt.
Sốt cao đi kèm các triệu chứng khó chịu trên khiến người sốt xuất huyết, dù ở thể nhẹ vẫn cảm thấy mất sức, mệt mỏi. Do đó, người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi phù hợp, thăm khám và điều trị để giảm nhẹ triệu chứng và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
2.2. Hiện tượng sốt xuất huyết ở thể nặng có biến chứng
Dấu hiệu sốt xuất huyết ở thể nặng, người bệnh vẫn có những dấu hiệu như sốt xuất huyết thể nhẹ. Tuy nhiên lúc này, các biến chứng đã dần xuất hiện và có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Các dấu hiệu sốt xuất huyết ở thể nặng cần đặc biệt lưu ý như sau:
– Ứ dịch khoang màng phổi gây khó thở cho người bệnh;
– Xuất huyết dạ dày, da;
– Cơ thể bầm tím, nôn ra máu;
– Suy tạng.
Lúc này, người bệnh sẽ gặp nguy hiểm cũng như việc điều trị sẽ trở nên khó khăn. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu sốt xuất huyết thể nhẹ, cần đưa người bệnh đi khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Nếu người bệnh được điều trị kịp thời, đúng hướng có thể sẽ hồi phục và không nguy hiểm đến tính mạng.
3. Ba giai đoạn sốt xuất huyết
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh thường phải trải qua ba giai đoạn sốt xuất huyết phổ biến: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
3.1. Giai đoạn sốt
Sau thời gian ủ bệnh từ 4-7 ngày, người bệnh bắt đầu xuất hiện tình trạng sốt. Bệnh nhân có thể sốt cao đột ngột, liên tục từ 39-40 độ C, không có dấu hiệu giảm. Bên cạnh đó còn đi kèm các triệu chứng khác như: mệt mỏi, đau họng tiêu chảy, đau đầu, da xung huyết,…
3.2. Giai đoạn nguy hiểm
Giai đoạn nguy hiểm thường diễn ra từ 3-7 ngày sau giai đoạn sốt giảm dần. Đây là giai đoạn nguy hiểm do tiểu cầu giảm và có thể xảy ra nhiều biến chứng. Người bị sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng như:
– Thoát huyết tương;
– Tràn dịch phổi, đau ngực, căng tức, nặng ngực, khó thở;
– Tràn dịch màng bụng, bụng chướng;
– Đau tức dưới sườn hoặc vùng thượng, li bì, vật vã, lạnh tay chân, tiểu ít, lạnh toàn thân;
– Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết phổi và não: nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, âm đạo ra máu bất thường,…
– Những biến chứng nặng ở giai đoạn nguy hiểm mà người bệnh phải đối mặt như: Viêm cơ tim, viêm gan, viêm não, suy thận,…
Do vậy ở giai đoạn này, người bệnh sốt xuất huyết cần được theo dõi và chăm sóc kỹ càng. Nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng cần lập tức thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đưa ngay đến các bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
3.3. Giai đoạn hồi phục
Sau khi bệnh nhân đã trải qua giai đoạn nguy hiểm, người bệnh lúc này đã dần hết sốt, sức khỏe phục hồi, huyết áp ổn định, đi tiểu nhiều và ăn được nhiều hơn. Các chỉ số đã dần phục hồi về mức bình thường.
Ở giai đoạn này, người nhà bệnh nhân vẫn cần chăm sóc người bệnh cẩn thận, đúng cách. Tuyệt đối không có suy nghĩ bệnh nhân đã khỏi mà lơ là các triệu chứng bất thường. Tại thời điểm này nếu không được chăm sóc kỹ, người bệnh vẫn có nguy cơ bị phù phổi và suy tim.
4. Cách điều trị sốt xuất huyết
Tùy vào mức độ bệnh sốt xuất huyết nhẹ hay nặng để đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
4.1. Điều trị tại nhà
Đối với trường hợp nhẹ có thể được điều trị tại nhà theo sự chỉ định của bác sĩ. Phương pháp điều trị chủ yếu là uống hạ sốt và bù nước. Người thân nên cho bệnh nhân nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn các món ăn mềm, dễ tiêu, hạ sốt với Paracetamol, lau người thường xuyên bằng nước ấm.
Lưu ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và cần hẹn lịch để tái khám.
4.2. Điều trị tại cơ sở y tế
Đối với trường hợp sốt xuất huyết nặng, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất ngay. Đặc biệt xuất hiện các tình trạng như xuất huyết dưới da, chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở…
5. Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là căn bệnh lây truyền từ qua trung gian muỗi vằn rất nhanh, Vì vậy, việc phòng ngừa là cách giúp chúng ta tránh xa được căn bệnh sốt xuất huyết này.
– Không để các dụng cụ chứa nước quanh nhà phòng tránh việc muỗi vào đẻ trứng;
– Loại bỏ phế thải quanh nhà, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ không cho muỗi cơ hội sinh sôi,….
– Mắc màn khi ngủ;
– Bôi hoặc xịt thuốc tránh muỗi lên cơ thể
– Phối hợp với chính quyền địa phương để có phương pháp phun thuốc muỗi theo lịch trình.
– Khi bị sốt cao đột ngột, kéo dài cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán. Không tự ý điều trị tại nhà.
Hiện tượng sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, thậm chí nếu không được điều trị đúng cách kịp thời sẽ cướp đi tính mạng người bệnh. Do vậy điều quan trọng nhất là mỗi người cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để kịp thời ứng phó và điều trị.