Pháp luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Vậy cụ thể quy định về khám sức khỏe công ty cho người lao động như thế nào? Tham khảo thông tin dưới đây bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Quy định về khám sức khỏe công ty theo thông tư mới nhất
Khám sức khỏe đối với người lao động sẽ giúp cho các doanh nghiệp đánh giá được mức độ phù hợp về sức khỏe của họ với công việc đang thực hiện. Qua đó, nếu người lao động phát hiện bệnh lý do tiếp xúc với môi trường nghề nghiệp có thể kịp thời điều trị.
Theo điều 152 của Bộ luật lao động 2019 thì người lao động được chăm sóc sức khỏe khi làm việc tại các doanh nghiệp. Quyền lợi này cụ thể như sau:
– Người sử dụng lao động cần tổ chức khám sức khỏe cho toàn bộ lao động của mình mỗi năm một lần, bao gồm cả nhân viên chính thức, người tập nghề và học nghề. Đối với người lao động dưới 18 tuổi, lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, người lao động lớn tuổi, người lao động là người khuyết tật thì ít nhất 6 tháng một lần người sử dụng lao động cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ.
– Đối với lao động nữ cần được khám chuyên khoa phụ sản ít nhất 6 tháng/lần.
– Trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp, nếu người lao động bị tai nạn lao động hoặc mắc các bệnh lý nghề nghiệp thì người sử dụng lao động cần có trách nhiệm hoàn thành thủ tục để người lao động được giám định y khoa, xác định thương thật cũng như mức độ suy giảm khả năng lao động. Từ đó, người lao động sẽ được điều trị, điều dưỡng theo như quy định của pháp luật để phục hồi sức khỏe và tiếp tục tham gia lao động.
2. Chi phí khám sức khỏe công ty do ai chi trả?
Khám sức khỏe công ty là quyền lợi mà người lao động được hưởng và theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp là đơn vị chi trả toàn bộ chi phí cho hoạt động thăm khám này. Do đó, tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay thì người sử dụng cần có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho người lao động và chi trả toàn bộ chi phí đó.
Các doanh nghiệp sẽ kết hợp với cơ sở y tế để xây dựng danh mục khám phù hợp với nhân viên của mình. Do đó, nếu người lao động có nhu cầu khám ngoài các danh mục do công ty đã xây dựng trước thì cần chi trả thêm một khoản phí nhất định.
Như vậy, nếu không khám thêm ngoài danh mục thì người lao động sẽ không mất bất kỳ một chi phí nào. Đây là quyền lợi được hưởng và hoàn toàn miễn phí dành cho người lao động.
3. Doanh nghiệp và người lao động cần lưu ý gì khi khám sức khỏe công ty?
Khi tổ chức khám sức khỏe công ty thì cả người lao động và doanh nghiệp cần phải lưu ý một số điều sau:
3.1. Lưu ý đối với doanh nghiệp khi thực hiện quy định về khám sức khỏe công ty
Doanh nghiệp khi thăm khám cho người lao động cần lưu ý:
– Lựa chọn đơn vị y tế chất lượng tốt để tổ chức thăm khám cho người lao động. Những cơ sở y tế uy tín sẽ là có đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, không gian thăm khám rộng rãi giúp người lao động thuận tiện nhất trong quá trình thăm khám.
– Kết hợp với cơ sở y tế xây dựng danh mục khám đầy đủ và phù hợp nhất giúp đánh giá tổng quan thể trạng của người lao động.
– Cần nhắc nhở người lao động những điều cần lưu ý trước, trong và sau khám sức khỏe doanh nghiệp.
– Kết hợp với người lao động để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thăm khám cho họ.
– Tổ chức khám sức khỏe 1 năm/ lần hoặc 6 tháng/ lần đối với người lao động.
3.2. Lưu ý đối với người lao động khi thực hiện quy định về khám sức khỏe công ty
Khi tham gia khám sức khỏe tại doanh nghiệp người lao động cần lưu ý một số điều sau:
– Cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ thông tin cá nhân cần thiết để chuẩn bị cho buổi thăm khám.
– Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ tùy thân, tiểu sử bệnh lý của bản thân, gia đình, đơn thuốc đang sử dụng để cung cấp cho bác sĩ.
– Trước khi lấy mẫu xét nghiệm người lao động cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng.
– Uống đủ nước và nhịn tiểu khi tiến hành siêu âm ổ bụng.
– Để mặt mộc khi khám da liễu giúp bác sĩ quan sát được tốt nhất.
– Mang theo mắt kính nếu gặp các vấn đề liên quan đến thị lực.
– Đem theo kinh phí đề phòng trường hợp muốn khám thêm ngoài danh mục do công ty xây dựng từ trước.
– Phụ nữ mang thai tuyệt đối không tham gia chụp X-Quang.
– Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt không thăm khám phụ khoa.
Trên đây là những quy định về khám sức khỏe công ty cũng như lưu ý trong quá trình thăm khám cho cả doanh nghiệp và người lao động. Như vậy, doanh nghiệp cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động của mình để đảm bảo theo quy định của pháp luật. Người lao động cũng cần chủ động thăm khám để bảo vệ quyền lợi của bản thân và thể hiện trách nhiệm đối với doanh nghiệp của mình.