7 Bệnh lý phổ biến khi đi khám sức khỏe doanh nghiệp

Tham vấn bác sĩ

Làm việc nhiều giờ liền trong môi trường văn phòng thực tế lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe. Các đợt khám sức khỏe doanh nghiệp thường ghi nhận nhiều bệnh lý từ đau cột sống, mỏi mắt đến các vấn đề về tim mạch,… Vậy đâu là 7 bệnh lý văn phòng phổ biến nhất. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thêm cho bạn những thông tin về kiểm tra sức khỏe định kỳ.

1. Quyền lợi khám sức khỏe doanh nghiệp của nhân viên

Khám sức khỏe doanh nghiệp là hoạt động kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn thể cán bộ, nhân viên trong công ty. Đây là một trong những chính sách phúc lợi quan trọng được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng để chăm lo đời sống và sức khỏe nhân viên.

Đối với người lao động, việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp:

– Đánh giá toàn diện về tình trạng sức khỏe hiện tại để điều chỉnh lối sống khoa học hơn.

– Sớm nhận biết các triệu chứng lạ hoặc phát hiện nguy cơ các bệnh lý tiềm ẩn như rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết, bệnh lý tim mạch, thậm chí là những dấu hiệu tiền ung thư, giảm nguy cơ bệnh tật và yên tâm làm việc.

– Nhận được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia y tế về chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

2. Các bệnh lý văn phòng thường gặp khi khám sức khỏe doanh nghiệp

Khi thực hiện khám sức khỏe định kỳ, nhiều nhân viên văn phòng mới “giật mình” nhận ra cơ thể đang có những vấn đề sức khỏe tưởng chừng vô hại nhưng lại tiềm ẩn rủi ro nếu không phát hiện sớm.

2.1. Hội chứng cổ vai gáy

Do ngồi lâu một tư thế, cúi nhìn máy tính nhiều giờ, thói quen cúi đầu, gù lưng hoặc ngồi sai tư thế trong môi trường làm việc máy lạnh, gió lùa,… dân văn phòng rất dễ gặp phải tình trạng đau mỏi cổ, vai, gáy. Theo thời gian, hội chứng này có thể dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ, rối loạn tiền đình, mất thăng bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và năng suất lao động.

khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ giúp phát hiện bệnh tiềm ẩn

Nhân viên văn phòng thường xuyên ngồi làm việc suốt nhiều giờ liền trước màn hình máy tính, với tư thế ít thay đổi và hạn chế vận động

2.2. Rối loạn tiêu hóa do stress

Stress kéo dài do áp lực công việc là một trong những yếu tố kích thích mạnh mẽ hệ thần kinh trung ương, từ đó làm tăng tiết axit dịch vị. Điều này dễ dẫn đến viêm loét, đau dạ dày mạn tính, và suy giảm khả năng tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Đây là bệnh thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua, chỉ khi đi khám định kỳ mới phát hiện kịp thời và điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý.

2.3. Tăng mỡ máu, béo phì

Ít vận động, ăn nhiều đồ ăn nhanh và thức ăn nhiều dầu mỡ khiến nhân viên văn phòng có nguy cơ cao mắc rối loạn lipid máu, dẫn đến xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim. Xét nghiệm máu định kỳ giúp phát hiện và kiểm soát tình trạng này từ sớm. Bệnh lý cột sống thắt lưng.

2.4. Bệnh lý cột sống thắt lưng

Đau lưng dưới, thoát vị đĩa đệm là vấn đề phổ biến ở những người ngồi bàn giấy nhiều năm. Nghiên cứu cho thấy tư thế ngồi làm tăng áp lực lên cột sống hơn 50% so với khi đứng. Ban đầu, các dấu hiệu thường diễn ra âm thầm nên dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, khi triệu chứng rõ ràng thì bệnh thường đã nặng, gây cản trở vận động. Việc duy trì tư thế ngồi sai trong thời gian dài còn có thể khiến cột sống bị cong vẹo, dẫn đến thoái hóa và các vấn đề nghiêm trọng như đau lưng mãn tính hoặc thoát vị đĩa đệm.

2.5. Rối loạn thị lực

Làm việc liên tục trước màn hình máy tính khiến mắt dễ bị khô, mỏi, nhìn mờ – những dấu hiệu điển hình của hội chứng thị giác do màn hình (CVS). Theo nghiên cứu, 75-90% dân văn phòng gặp tình trạng này với các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt, nhìn mờ, cảm giác cộm mắt…Thậm chí, bệnh về mắt còn phổ biến hơn bệnh về xương khớp, nhưng lại thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua vì triệu chứng ban đầu khá mơ hồ.

2.6. Hội chứng ống cổ tay

Do thao tác gõ máy tính, sử dụng chuột trong thời gian dài, dân văn phòng có nguy cơ mắc hội chứng chèn ép dây thần kinh giữa ở cổ tay. Thường có cảm giác tê bì, nóng rát, ngứa ran ở ngón cái, trỏ, giữa và một phần ngón áp út. Triệu chứng có thể lan lên cẳng tay, gây đau, yếu cơ, chuột rút, thậm chí làm rơi đồ do mất cảm giác cầm nắm. Đây là bệnh nghề nghiệp điển hình. Nếu không phát hiện và can thiệp sớm, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng làm việc và sinh hoạt.

hội chứng ống cổ tay khi làm việc văn phòng

Nhiều bệnh lý văn phòng tiềm ẩn thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua

2.7. Các bệnh lý liên quan đến tư thế ngồi lâu và ít vận động

Môi trường làm việc văn phòng với đặc trưng ngồi lâu, ít thay đổi tư thế và ít vận động thể chất là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý liên quan đến hệ tuần hoàn và tiêu hóa, đặc biệt là suy tĩnh mạch mạn tính và bệnh trĩ.

Khi ngồi quá lâu ở tư thế gập chân, máu các chi dưới không thể lưu thông thuận lợi về tim, gây ứ đọng tĩnh mạch. Chế độ ăn uống thiếu chất xơ và nước, cùng thói quen nhịn đi vệ sinh hoặc ít vận động, còn khiến người làm văn phòng dễ bị táo bón kéo dài.

3. Giải đáp thắc mắc về gói khám sức khỏe cho nhân viên

3.1. Bao lâu nhân viên được đi khám sức khỏe doanh nghiệp định kỳ?

Theo Điều 21 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, doanh nghiệp hoặc đơn vị sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm cho người lao động.

Đối với những ngành nghề có tính chất nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều chất độc hại, nguy hiểm, hoặc người lao động là người cao tuổi, người khuyết tật, việc khám sức khỏe cần được thực hiện ít nhất 6 tháng/lần. Ngoài ra, nữ giới cần được khám phụ khoa định kỳ. Nếu người lao động thường xuyên tiếp xúc với yếu tố nguy cơ bệnh nghề nghiệp, việc khám 6 tháng/lần sẽ giúp phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời.

3.2. Các danh mục trong gói khám sức khỏe doanh nghiệp

Một gói khám sức khỏe doanh nghiệp cơ bản thường bao gồm nhiều bước kiểm tra toàn diện.

Khám lâm sàng là bước đầu tiên, sau khi hoàn tất thủ tục tại quầy lễ tân. Người lao động sẽ được:

– Đo thể lực (chiều cao, cân nặng), đo huyết áp và thực hiện các bước khám nội tổng quát, mắt, tai – mũi – họng và răng – hàm – mặt.

– Khám da liễu, ngoại khoa.

– Khám phụ khoa đối với nữ giới.

Khám cận lâm sàng với các danh mục cơ bản gồm:

– Xét nghiệm máu để kiểm tra và đánh giá chức năng các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận.

– Xét nghiệm nước tiểu nhằm phát hiện dấu hiệu đái tháo đường, viêm nhiễm đường tiết niệu.

– Chụp X-quang tim phổi thẳng để phát hiện và kiểm tra dấu hiệu bất thường.

– Siêu âm tổng quát ổ bụng nhằm phát hiện các vấn đề tại các tạng trong ổ bụng như gan, thận, túi mật, tụy, lách.

Toàn bộ quy trình này giúp đánh giá sức khỏe tổng thể và phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn. Từ đó bảo vệ sức khỏe nhân viên một cách hiệu quả.

Khám sức khỏe định kỳ nhân viên

Khám sức khỏe định kỳ là quyền lợi của nhân viên trong quá trình lao động và làm việc tại doanh nghiệp

Sức khỏe ổn định là nền tảng để mỗi người làm việc hiệu quả, sống tích cực. Việc tham gia khám sức khỏe định kỳ, sẽ giúp nhân viên có cơ hội phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, điều chỉnh lối sống khoa học và chủ động trong việc phòng tránh. Hy vọng những thông tin trên sẽ hỗ trợ bạn xây dựng một lối sống làm việc lành mạnh, bền vững và hiệu quả hơn mỗi ngày.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital