Với sự phát triển của nền y học hiện đại, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú đã giúp nâng cao tỷ lệ chữa khỏi cho nhiều người bệnh mắc ung thư vú. Vậy bạn đã biết quy trình khám tầm soát ung thư vú như thế nào hay chưa? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu về vấn đề này ngay sau đây.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nên đi khám sàng lọc ung thư vú
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết được các vấn đề liên quan đến tuyến vú, từ đó thực hiện thăm khám sớm để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng:
– Ngực bị đau và sưng to: Triệu chứng này có thể xuất hiện ở trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và tiến triển nặng, bệnh nhân nên đi thăm khám ngay để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.
– Vú có xuất hiện khối u: Tự kiểm tra tuyến vú thường xuyên sẽ giúp bạn phát hiện được những bất thường như u nang, u xơ.
– Có sự tiết dịch núm vú: Chất dịch hoặc máu sẽ tiết ra từ núm vú.
– Có sự thay đổi bất thường ở trên da vú hoặc núm vú.
– Hình dạng hoặc kích thước của tuyến vú có sự thay đổi: Vú sưng to hoặc 2 bên không đối xứng, vùng da vú bị đổi màu.
– Nách bạn bị sưng, đỏ.
Ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào ở vú, bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra, thực hiện các phương pháp thăm khám cần thiết nhằm chẩn đoán sớm bệnh lý tuyến vú, tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Mục tiêu chính của tầm soát bệnh lý tuyến vú ở nữ giới là loại trừ bệnh lý tuyến vú ác tính, chẩn đoán sớm những thay đổi lành tính hoặc các bất thường trên tuyến vú.
2. Tìm hiểu tầm soát ung thư vú như thế nào và chăm sóc sau khi khám ra sao?
2.1. Quy trình thực hiện tầm soát ung thư vú như thế nào?
Khám vú lâm sàng
– Kiểm tra vú có hình dạng bất thường hay không.
– Núm vú tụt vào bên trong hay không.
– Da trên vú có bị lõm, dày, đỏ hoặc căng không.
– Ấn xung quanh núm vú để kiểm tra về dịch tiết. Chất dịch được kiểm tra để xác định có chứa máu không.
– Nách được kiểm tra về các hạch bạch huyết mở rộng.
– Khám xem bạn có khối u bất thường nào không. Tính chất của khối u khiến bác sĩ nghi ngờ u lành hay ác tính.
– Bác sĩ xác định hình thái bất thường của vú như kiểu sa trễ, phì đại, mất cân đối hoặc mất thẩm mỹ,… từ đó chỉnh sửa nếu nữ giới có nhu cầu.
Siêu âm màu tuyến vú 2 bên
Phương pháp siêu âm này mang đến một số lợi ích như:
– Cung cấp các hình ảnh bất thường của tuyến vú ở nữ giới thuộc mọi độ tuổi.
– Cung cấp thêm thông tin về các bất thường khi kết hợp với chụp MRI vú hoặc chụp nhũ ảnh. Ví dụ: siêu âm có thể cho biết khối u là rắn hoặc chứa đầy chất lỏng.
– Giúp bác sĩ đặt kim sinh thiết vào các mô bất thường nghi ngờ mắc bệnh lý.
– Xác định hạch bạch huyết bất thường cần phải thực hiện sinh thiết.
Phương pháp chụp nhũ ảnh (còn gọi là chụp X-quang tuyến vú)
Chụp nhũ ảnh là kỹ thuật giúp hỗ trợ phát hiện sớm bệnh ung thư vú ngay khi bướu chưa tạo thành khối u và tổn thương nhỏ này không thể phát hiện được qua siêu âm hoặc sờ thấy. Phương pháp này giúp tầm soát và chẩn đoán sớm những bất thường ở trong tuyến vú:
– Cung cấp hình ảnh về các bất thường của tuyến vú như tổn thương vi vôi, xáo trộn cấu trúc, không đối xứng, khối u hoặc vùng tăng đậm độ,…
– Cung cấp hình ảnh của hạch bạch huyết.
– Giúp bác sĩ đặt kim sinh thiết vào vùng mô bất thường có nghi ngờ ác tính.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nữ giới thuộc nhóm đối tượng dưới đây nên thực hiện chụp nhũ ảnh:
– Nữ giới từ 40 – 54 tuổi có thể bắt đầu thực hiện sàng lọc bệnh lý tuyến vú bằng kỹ thuật chụp nhũ ảnh mỗi năm.
– Nữ giới trước 50 tuổi, còn kinh nguyệt, có mô vú dày đặc týp C – D ưu tiên chọn chụp nhũ ảnh 3D để giúp giảm tình trạng âm tính giả.
– Nữ giới từ 55 tuổi trở lên tới 70 tuổi có thể chụp nhũ ảnh 2 năm/lần.
– Chụp nhũ ảnh được chỉ định ở nữ giới bất kể tuổi nào nếu siêu âm vú có nghi ngờ bất thường ở trong tuyến vú.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú sử dụng nam châm và sóng vô tuyến nhằm ghi lại hình ảnh của tuyến vú. MRI vú được sử dụng cùng với chụp nhũ ảnh giúp sàng lọc người có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Đối tượng nguy cơ cao bao gồm nữ giới trong những trường hợp sau đây:
– Có người thân thế hệ thứ nhất (như mẹ, chị, em hoặc con gái) mắc bệnh ung thư vú lúc trẻ, trước 35 – 40 tuổi, 20% - 25% nguy cơ bị ung thư vú dựa theo tiền sử gia đình.
– Người có mang gen BRCA1 hoặc gen BRCA2.
– Có người thân thế hệ thứ nhất bị đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 và chưa được thực hiện xét nghiệm di truyền.
– Đã xạ trị vùng ngực trong giai đoạn từ 10 đến 30 tuổi.
– Người mắc hội chứng Li – Fraumeni, hội chứng Cowden hoặc Bannayan – Riley – Ruvalcaba.
Căn cứ vào tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ có những tư vấn về phương pháp thăm khám phù hợp dành cho bạn.
2.2. Chăm sóc sau khi tầm soát ung thư vú như thế nào?
Sau khi thực hiện tầm soát bệnh ung thư vú, bạn nên chú ý trong vấn đề chăm sóc sức khỏe như sau:
– Tự khám vú: Bạn hãy tiếp tục tự khám vú hàng tháng sau chu kỳ kinh nguyệt. Điều này sẽ giúp cho bạn nhận biết các biểu hiện bất thường và sớm thông báo ngay cho bác sĩ.
– Chú ý chăm sóc da cho vùng ngực của mình.
– Tuân thủ lịch tái khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ, tùy thuộc vào tình trạng thay đổi trên tuyến vú của bạn và nguy cơ bị mắc bệnh ung thư vú của bạn.
– Hãy duy trì lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống mất cân đối, tập thể dục đều đặn, hạn chế việc uống rượu bia và hút thuốc lá.
Trên đây là những thông tin giúp bạn trả lời được câu hỏi về việc khám sàng lọc ung thư vú như thế nào. Hiện nay, tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI đang triển khai gói khám sàng lọc bệnh lý ung thư vú với nhiều ưu điểm vượt trội: đội ngũ bác sĩ hàng đầu, thiết bị máy móc hiện đại, không gian thoáng mát và tiện nghi,… Để được tư vấn chi tiết hơn, đừng ngần ngại liên hệ với TCI và nhận tư vấn ngay nhé!