Theo số liệu thống kê, năm 2018 Việt Nam có tới 17.527 ca mắc ung thư dạ dày, trong đó có tới 15.065 ca tử vong. Đa phần các ca đều phát hiện ở giai đoạn quá muộn nên việc điều trị trở nên khó khăn. Do đó, nhiều người lựa chọn tham gia tầm soát ung thư dạ dày để phát hiện sớm bệnh lý này. Trong quy trình tầm soát này không thể thiếu các xét nghiệm ung thư dạ dày. Xem ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về các phương pháp này bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về tầm soát ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào có cấu trúc bình thường của dạ dày tăng sinh không kiểm soát và trở nên bất thường. Đây là một trong những bệnh lý ung thư phổ biến với tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam giới và đứng thứ 4 ở nữ giới. Nếu kịp thời phát hiện sớm thì quá trình điều trị ung thư dạ dày sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Tầm soát ung thư dạ dày chính là biện pháp giúp phát hiện sớm bệnh lý này. Bởi nếu nhận hiện bệnh sớm khi các tổn thương chưa xâm lấn sang lớp cơ của thành dạ dày thì bệnh nhân có thể sống sau phẫu thuật trên 5 năm là khoảng 80 – 90%. Trường hợp phát hiện muộn, khi các tế bào đã lan sang thanh mạc thì thời gian sống trên 5 năm sau khi mổ chỉ còn khoảng 10 – 15%.
Thông thường tầm soát ung thư dạ dày sẽ bao gồm rất nhiều phương pháp như: Khám lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng. Trong đó, xét nghiệm là phương pháp không thể thiếu để giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh lý ung thư dạ dày.
2. Dấu hiệu cảnh báo nên đi xét nghiệm ung thư dạ dày
Xét nghiệm chẩn đoán ung thư dạ dày cần được thực hiện nếu phát hiện những dấu hiệu dưới đây:
– Xuất hiện cảm giác khó chịu nhẹ ở bụng.
– Buồn nôn
– Ăn cảm giác không ngon miệng.
– Đầy bụng dù chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ.
Ngoài ra, ở giai đoạn bệnh tiến triển có thể xuất hiện các triệu chứng như:
– Mệt mỏi
– Giảm cân
– Thiếu sắt
– Mất máu hoặc nôn ra máu.
– Đại tiện ra phân đen hoặc các chất giống như bã cà phê.
– Buồn nôn hoặc nôn do tắc nghẽn lưu thông dạ dày.
Nếu như xuất hiện những dấu hiệu này bạn hãy ngay lập tức tới cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3. Xét nghiệm chẩn đoán ung thư dạ dày và những lưu ý khi thực hiện
3.1. Các phương pháp xét nghiệm ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày có rất nhiều phương pháp xét nghiệm như:
– Xét nghiệm máu: Đây là phương pháp đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh lý ung thư dạ dày. Xét nghiệm này được thực hiện trên mẫu máu của người bệnh để đo hàm lượng các chất nhất định trong máu hoặc đếm một số tế bào máu khác nhau. Thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ kiểm tra kháng thể hoặc dấu hiệu của khối u để đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị.
– Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư: Khi người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ mắc ung thư dạ dày thì các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm CA72-4. Xét nghiệm này thực chất là xét nghiệm máu được thực hiện bằng cách ly tâm dung dịch máu và tách lấy huyết thanh hoặc huyết tương. Sau đó sử dụng thiết bị y khoa để kiểm tra và phân tích chỉ số CA 72-4 có trong huyết tương rồi đối chiếu với những giới hạn bình thường và đưa ra kết luận.
– Sinh thiết: Đây là phương pháp được thực hiện kết hợp với chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng. Bởi thông thường khi phát hiện các khối u thì các bác sĩ sẽ lấy mẫu và đem đi sinh thiết. Từ mẫu bệnh phẩm này, bác sĩ có thể chẩn đoán khối u đó là lành tính hay ác tính.
3.2. Cần lưu ý gì khi thực hiện xét nghiệm ung thư dạ dày?
Khi thực hiện xét nghiệm người thăm khám cần chú ý:
– Để kết quả chính xác nhất, bạn cần nhịn ăn từ 6 – 8 tiếng trước.
– Chuẩn bị trước bệnh sử để cung cấp cho bác sĩ.
– Chuẩn bị câu hỏi nếu cần được bác sĩ giải đáp.
– Lựa chọn cơ sở y tế uy tín và phù hợp để thăm khám.
Như vậy, để có kết quả sàng lọc ung thư dạ dày chính xác nhất thì bên cạnh xét nghiệm người bệnh cần thực hiện thêm một số phương pháp thăm khám khác. Ngoài ra, đừng quên chủ động xây dựng chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý kết hợp với tầm soát ung thư định kỳ để bảo vệ sức khỏe chính mình.