Bệnh viêm khớp vai trái và phải (viêm quanh khớp vai) thường được khởi phát với các cơn đau âm ỉ ở vai. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh sẽ gây ảnh hưởng tới vận động của hai tay cùng các biến chứng nguy hiểm khác. Cùng tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh viêm quanh khớp vai qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về viêm khớp vai trái và phải (viêm quanh khớp vai)
Khi gặp các tổn thương ở vùng đốt sống cổ, vùng trung thất hoặc lồng ngực đều có thể gây nên những triệu chứng ở khớp vai như: viêm gân, viêm co thắt bao khớp gây tình trạng đau và hạn chế việc vận động khớp vai.
Viêm quanh khớp vai là tất cả những trường hợp bị đau và hạn chế vận động khớp vai do gặp các tổn thương phần mềm quanh khớp bao gồm: gân, cơ, dây chằng, bao khớp, loại trừ những tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch. Trong đó, bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng là thể phổ biến nhất.
Thể đông đặc khớp vai diễn ra do sự dày lên và co cứng của bao khớp vai, là tình trạng bị đau kèm theo việc hạn chế vận động khớp vai. Mức độ đau sẽ diễn ra từ nhẹ cho đến nặng. Tại Việt Nam, căn bệnh này chiếm khoảng 2% dân số và chiếm tỉ lệ khoảng 12,5% trong tổng số những bệnh nhân bị bệnh khớp.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh
2.1. Nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm khớp vai trái và phải
Căn bệnh này diễn ra thường do một số nguyên nhân phổ biến như:
– Người bệnh bị thoái hóa gân, viêm gân chóp xoay, có thể có hoặc không sự lắng đọng canxi, có thể bị rách, đứt gân chóp xoay không hoàn toàn hoặc hoàn toàn.
– Người bệnh bị viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai.
– Người bệnh bị viêm bao hoạt dịch và viêm gân dài cơ nhị đầu cánh tay.
2.2. Triệu chứng bệnh viêm khớp vai trái và phải
Triệu chứng của bệnh viêm quanh khớp vai bao gồm tình trạng đau đớn nghiêm trọng và giảm biên độ vận động hoặc không thể vận động vai, dù là người bệnh tự vận động hoặc có sự giúp đỡ của người khác. Bệnh thường diễn tiến theo 3 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Đóng băng
Vào giai đoạn “đóng băng”, người bệnh sẽ ngày càng cảm thấy bị đau hơn. Vai sẽ bắt đầu nhức và đau khi người bệnh thực hiện hành động với chạm. Cơn đau sẽ diễn rất nhiều vào buổi tối và khi nằm nghiêng bên vùng vai bị bệnh. Lúc cơn đau trở nên tồi tệ hơn, vai của người bệnh bị giảm độ vận động. Sự đóng băng này thường kéo dài khoảng từ 6 tuần – 9 tháng.
Giai đoạn 2: Đông cứng
Những triệu chứng đau đớn có thể thực sự được cải thiện trong giai đoạn này, tuy nhiên tình trạng bị cứng vai vẫn còn tồn tại. Cơ vai có thể bắt đầu bị teo nhẹ vì không được vận động. Trong thời gian khoảng từ 4 – 6 tháng của giai đoạn “đông cứng”, người bệnh có thể khó khăn trong các hoạt động hàng ngày.
Giai đoạn 3: Tan băng
Lúc này, chuyển động vai sẽ dần cải thiện trong giai đoạn “tan băng”. Vai của người bệnh có thể hoàn toàn trở lại bình thường hoặc lấy lại sức mạnh và chuyển động gần như bình thường sau khoảng từ 6 tháng – 2 năm.
3. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh viêm quanh khớp vai
– Người trong độ tuổi từ 40-60 tuổi và thường gặp nhiều hơn ở nam giới.
– Người thực hiện công việc lao động chân tay thường phải giơ tay cao hơn 90 độ.
– Người thực hiện các động tác gây căng dãn phần gân cơ khớp vai lặp đi lặp lại kéo dài như: chơi golf, chơi tennis, ném lao, xách vật nặng,…
– Người có tiền sử gặp chấn thương ở vùng khớp vai như: bị ngã chống thẳng bàn tay hoặc khuỷu tay xuống nền gây nên lực dồn lên khớp vai, các chấn thương phần mềm ở vùng khớp vai,…
– Người từng bị gãy xương ở phần cánh tay, gãy xương đòn, xương bả vai.
– Người từng phẫu thuật vùng khớp vai, phẫu thuật hoặc nắn gãy xương các xương liên quan đến khớp vai như xương cánh tay, xương đòn, xương bả vai.
– Người phải bất động khớp vai trong một khoảng thời gian dài như sau khi bị đột quỵ, giai đoạn phục hồi sau khi mắc các bệnh nặng, bất động do bị gãy xương cánh tay,…
– Người mắc một số bệnh mạn tính như bệnh viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, bệnh ở phổi và lồng ngực, bệnh đột quỵ não, các cơn đau thắt ngực.
4. Một số biện pháp giúp chẩn đoán bệnh viêm quanh khớp vai
Để chẩn đoán bệnh viêm quanh khớp vai thể đơn thuần chủ yếu sẽ dựa vào thăm khám lâm sàng và chụp X-quang để loại trừ các tổn thương ở sụn và xương khớp vai. Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện một số phương pháp như sau:
– Phương pháp siêu âm khớp vai: Siêu âm khớp vai được xem là phương tiện chẩn đoán hình ảnh không xâm nhập rất có giá trị trong việc giúp phát hiện các tổn thương ở phần khớp vai.
– Phương pháp chụp X-quang khớp vai: Phim chụp khớp vai trong bệnh viêm khớp vai thể thông thường sẽ không thấy xuất hiện tổn thương ở xương và khớp vai. Một số trường hợp có thể thấy hình ảnh gián tiếp của việc bị thoái hóa hoặc lắng đọng canxi ở phần gân cơ trên gai.
– Phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI khớp vai: Chụp MRI cho phép chẩn đoán chính xác những tổn thương phần mềm khớp vai.
– Phương pháp nội soi khớp vai: Nội soi là một thủ thuật xâm nhập. Phương pháp này vừa có giá trị chẩn đoán vừa dùng để điều trị. Hiện nay, phương pháp siêu âm và chụp MRI là các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có giá trị lớn, bởi vậy phương pháp nội soi khớp vai chỉ thường được sử dụng khi cần can thiệp mà không chỉ định để giúp chẩn đoán đơn thuần.