Vi khuẩn Hp dương tính có nghĩa là vi khuẩn Hp đã tấn công vào dạ dày. Đây là tình trạng khá bổ biến, có thể gặp ở mọi độ tuổi. Loại vi khuẩn này là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng, thậm chí là ung thư dạ dày.
Menu xem nhanh:
1. Vi khuẩn Hp dương tính là gì?
Vi khuẩn Hp hay Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn có thể xâm nhập và phát triển trong đường tiêu hóa. Chúng có khả năng tồn tại trong môi trường khắc nghiệt – dịch vị dạ dày bằng cách tiết ra enzym urease để trung hòa nồng độ axit trong dạ dày.
Vi khuẩn Hp dương tính có nghĩa là bạn đã bị nhiễm vi khuẩn Hp trong dạ dày. Test Hp dương tính là tình trạng phổ biến, ước tính có khoảng 70% dân số Việt Nam ảnh hưởng. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa có ý thức cảnh giác trong ăn uống, sinh hoạt.
Sự phát triển và hoạt động của vi khuẩn Hp có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Từ đó chúng gây viêm – loét, chảy máu dạ dày hoặc tá tràng (phần trên của ruột non). Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể dẫn đến tình trạng ung thư dạ dày. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp test Hp dương tính cũng bị tổn thương dạ dày.
2. Nguyên nhân gây dương tính với vi khuẩn Hp
Hiện nay, nguyên nhân gây dương tính với vi khuẩn Hp chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố liên quan mật thiết đến việc test Hp dương tính. Đó là:
– Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người thân mắc bệnh liên quan đến dạ dày thì nguy cơ lây nhiễm Hp sẽ cao hơn người bình thường.
– Yếu tố vệ sinh: Nơi ở không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bẩn, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn Hp phát triển và lây lan.
– Môi trường sống chật hẹp: Môi trường tập trung đông người sinh sống như doanh trại quân đội, ký túc xá, gia đình nhiều thế hệ… là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn Hp phát tán.
– Sống chung với người nhiễm khuẩn Hp: Vi khuẩn Hp lây nhiễm qua 4 con đường chính: miệng – miệng, phân – miệng, dạ dày – miệng và dạ dày – dạ dày. Trong đó, con đường xâm nhập chủ yếu của vi khuẩn Hp là miệng – miệng. Do đó, vi khuẩn Hp dễ dàng lây lan trong không khí và lây giữa con người với nhau. Việc sống cùng với người nhiễm khuẩn Hp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Dịch vụ y tế: Việc dùng chung các thiết bị y tế không đảm bảo khử khuẩn như dụng cụ nha khoa, nội soi tai – mũi – họng, nội soi dạ dày… sẽ làm tăng khả năng lây nhiễm Hp.
3. Các dấu hiệu nhận biết khi vi khuẩn Hp dương tính
Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn Hp không có triệu chứng hoặc nếu có thường khá mơ hồ. Ngoài ra, một số trường hợp còn có khả năng chống lại tác hại của vi khuẩn Hp. Một số dấu hiệu và triệu chứng của test Hp dương tính có thể gợi ý như:
– Đau tức vùng thượng vị dạ dày kèm theo hiện tượng cồn cào, nóng rát xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Các triệu chứng này biểu hiện rõ nét nhất khi người bệnh đang đói bụng hoặc sau khi ăn no.
– Đầy hơi và chướng bụng khi đang đói, sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Cảm giác này đặc biệt rõ ràng khi người bệnh sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ, uống rượu bia và hút thuốc lá.
– Ợ chua, ợ nóng, buồn nôn và nôn khiến người bệnh khó chịu, chán ăn, ăn không ngon miệng và mệt mỏi.
– Hôi miệng: khi quá trình tiêu hóa không thuận lợi, thức ăn dễ bị hư hỏng dẫn đến sinh hơi. Dưới sự tác động của vi khuẩn Hp sẽ tạo mùi hôi ở miệng người bệnh.
– Suy nhược cơ thể: dạ dày hoạt động không hiệu quả kèm theo nhiều triệu chứng khó khiến có thể không thể hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng. Từ đó kéo theo tình trạng suy nhược cơ thể, sụt cân là điều tất yếu.
– Màu sắc của phân: phân lúc cứng, lúc nát như khi tiêu chảy, đôi khi xuất hiện phân lẫn máu.
4. Vi khuẩn Hp dương tính có nguy hiểm không?
Hầu hết mọi người đều có vi khuẩn Hp trong người và thường không gây bất kỳ tổn hại nào. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn Hp đạt đến một số lượng nhất định, chúng sẽ bắt đầu tấn công niêm mạc dạ dày. Do đó, nhiễm vi khuẩn Hp có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm như:
– Viêm dạ dày cấp và mãn tính: sự tăng trưởng và phát triển của vi khuẩn Hp trong dạ dày có thể làm kích thích các phản ứng viêm xảy ra tại đây. Từ đó dẫn đến viêm dạ dày cấp và mãn tính. Nếu không chữa trị hiệu quả ngay từ ban đầu, tình trạng viêm có thể gây loét, xuất huyết hoặc ung thư dạ dày.
– Loét dạ dày, tá tràng: vi khuẩn Hp có thể làm hỏng lớp màng bảo vệ của dạ dày, tá tràng. Từ đó “mở đường” cho axit trong dịch vị dạ dày ăn mòn lớp niêm mạc. Khi lớp niêm mạc dạ dày hình thành một hoặc nhiều vết thương sẽ gây loét. Tình trạng loét dạ dày diễn ra trong khoảng thời gian dài có nguy cơ gây xuất huyết cấp tính. Biến chứng nguy hiểm hơn là thủng dạ dày, viêm phúc mạc. Lúc này, người bệnh cần được nhập viện cấp cứu ngay lập tức.
– Ung thư dạ dày: đây là hệ quả nguy hiểm nhất của vi khuẩn Hp dương tính. Bệnh lý này phát sinh từ tình trạng viêm, loét dạ dày nhưng điều trị không hiệu quả.
5. Các phương pháp xét nghiệm vi khuẩn Hp
Nếu không có dấu hiệu và triệu chứng của đau hoặc viêm, loét dạ dày – tá tràng, người bệnh có thể không cần phải thực hiện test Hp. Tuy nhiên, khi người bệnh bắt đầu có dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc có tiền sử nhiễm khuẩn Hp thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra. Các phương pháp được áp dụng để test vi khuẩn Hp gồm:
– Test Hp qua hơi thở: nhằm xác định khí carbon dioxide trong hơi thở.
– Test Hp qua phân: xác định vi khuẩn Hp có trong phân.
– Xét nghiệm máu: xác định kháng thể kháng vi khuẩn Hp trong cơ thể, tình trạng thiếu máu… Xét nghiệm được thực hiện cho người bệnh chưa từng điều trị vi khuẩn Hp trước đây.
– Nội soi đường tiêu hóa trên: nhằm thu thập mẫu mô để kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn Hp.
– Chụp X-quang Bari: xác định dấu hiệu nhiễm khuẩn ở cổ họng và dạ dày.
– Nuôi cấy: xác định chủng vi khuẩn lây bệnh để xây dựng khác sinh đồ phù hợp cho quá trình điều trị.
– Sinh thiết mẫu mô để xác định dấu hiệu ung thư dạ dày.
6. Xét nghiệm vi khuẩn Hp dương tính phải làm sao?
Nếu vi khuẩn Hp không gây triệu chứng, người bệnh có thể sống chung với chúng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi bị đau – viêm – loét do nhiễm khuẩn Hp, người bệnh cần điều trị để tiêu diệt vi khuẩn, chữa lành niêm mạc dạ dày – tá tràng và ngăn ngừa bệnh tái phát.
6.1. Thuốc Tây y điều trị vi khuẩn Hp dương tính
Thông thường, nhiễm khuẩn Hp được điều trị bằng cách kết hợp hai loại kháng sinh cùng một lúc nhằm tối ưu hóa kết quả cuối cùng. Một thuốc có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và thuốc còn lại để ức chế axit để niêm mạc dạ dày có thời gian lành lại. Ngoài ra, việc giảm nồng độ axit trong dạ dày cũng giúp thuốc kháng sinh hoạt động hiệu quả hơn. Người bệnh có thể sẽ mất khoảng thời gian từ 1-2 tuần điều trị để tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm trong tương lai.
Việc chỉ định các loại thuốc điều trị nhiễm khuẩn Hp phụ thuộc vào tiền sử bệnh và các loại thuốc dị ứng. Người bệnh cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị để thuốc phát huy hết công dụng. Sau điều trị, người bệnh cần kiểm tra theo dõi để đảm bảo vi khuẩn đã được tiêu diệt.
Tuy nhiên, người bệnh khi sử dụng các loại thuốc này có thể gặp một số tác dụng phụ như tiêu chảy, phân đen, lưỡi đen, rối loạn vị giác…
6.2. Chế độ ăn uống điều trị vi khuẩn Hp dương tính
Một chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng do vi khuẩn Hp gây ra.
Nhóm thực phẩm nên ăn
Theo các bác sĩ, người bệnh nên tăng cường bổ sung một số nhóm thực phẩm sau:
– Probiotics: các loại men vi sinh có trong sữa chua hoặc các sản phẩm bổ sung dưới dạng viên nang. Mục đích là tăng cường lợi khuẩn trong ruột và hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn Hp.
– Omega 3 và omega 6: các loại axit béo ngày có thể hỗ trợ làm giảm tình trạng viêm dạ dày và ngăn ngừa vi khuẩn Hp phát triển. Omega 3 và 6 có nhiều trong các loại thực phẩm như dầu ô liu, các loại cá béo, dầu hạt bưởi hoặc các viên nang bổ sung.
– Trái cây và rau: Trong thời gian điều trị, người bệnh có thể ăn trái cây không chua và rau luộc để dễ tiêu hóa và có thể cải thiện chức năng ruột. Ngoài ra, các loại trái cây như việt quất, anh đào hoặc quả mâm xôi có thể ức chế và tiêu diệt vi khuẩn HP.
– Bông cải xanh, súp lơ trắng và bắp cải: Các loại rau này chứa isothiocyanates có tác dụng chống lại vi khuẩn Hp và phòng ngừa ung thư dạ dày.
– Thịt trắng và cá: đây là các loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất béo thấp. Chúng có thể tiêu hóa nhanh và hạn chế tình trạng thức ăn đọng lại trong dạ dày.
– Gừng, tỏi, tinh nghệ: loại gia vị hoạt động như một tác nhân kháng khuẩn giúp bảo vệ và tăng cường sức đề kháng cho hệ tiêu hóa
Nhóm thực phẩm cần hạn chế
– Hạn chế ăn các loại trái cây chua hay các loại quả có múi. Bởi chúng chứa nhiều axit. Nếu người bệnh sử dụng sẽ làm tăng lượng axit trong dạ dày, khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn.
– Hạn chế tối đa đồ ăn cay nóng, đồ ăn chiên, rán có nhiều dầu mỡ, các món ăn muối chua…. Các loại thực phẩm này có thể khiến tình trạng đầy bụng, khó tiêu trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời gây kích ứng và tổn thương niêm mạc dạ dày.
– Hạn chế tối đa sử dụng các đồ uống có cồn như rượu, bia hay thuốc lá, café…. Để ngăn ngừa nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe dạ dày và làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá tràng.
Vi khuẩn Hp dương tính có thể gây viêm, loét dạ dày – tá tràng, và nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày. Tuy nhiên, nhiễm khuẩn Hp vẫn có thể điều trị khỏi bằng các loại thuốc kháng sinh kết hợp với việc điều chỉnh chế độ ăn và lối sống. Việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, hiệu quả có thể giúp người bệnh ngăn ngừa các thương tổn ở dạ dày, tá tràng và các biến chứng nguy hiểm khác.