Viêm túi mật điều trị có 2 cách chính: dùng thuốc và phẫu thuật, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Nhìn chung đây là một bệnh lý khá phổ biến, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Viêm túi mật là gì?
Trên 90% các trường hợp viêm túi mật đều đi kèm theo sỏi. Nguyên nhân là chính là do sỏi bị kẹt ở cổ túi mật dẫn đến vi khuẩn xâm nhập đến vị trí bị tổn thương, sau đó sẽ xuất hiện tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra viêm túi mật cũng có thể do các yếu tố không liên quan đến túi mật như nhiễm trùng vi khuẩn E.coli (ở phụ nữ mang thai), chấn thương, thương hàn, nhiễm trùng huyết, ung thư, xơ hóa, gập góc ống mật chủ dẫn đến tắc ống túi mật.
Viêm túi mật nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
2. Giải đáp viêm túi mật điều trị như thế nào?
Người bệnh khi nghi ngờ bị viêm túi mật nên chủ động thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt để giải quyết các triệu chứng khó chịu một cách nhanh chóng và hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.
Hiện có hai phương pháp chính được áp dụng trong điều trị viêm túi mật là: dùng thuốc và phẫu thuật.
2.1 Viêm túi mật điều trị bằng thuốc
Dùng thuốc là phương pháp được áp dụng phổ biến và luôn ưu tiên hàng đầu trong điều trị viêm túi mật. Khi sử dụng thuốc phải nhịn ăn, phải sử dụng hình thức truyền dịch để nuôi dưỡng cơ thể. Mục đích để tránh kích thích túi mật, tụy, bổ sung điện giải và kéo dài sự nghỉ ngơi tại chỗ. Hai nhóm kháng sinh chính thường được chỉ định để điều trị viêm túi mật là Qui-nolon thế hệ 2 và Imi-dazole
– Nhóm Imi-dazole bao gồm metro-nidazole, tini-dazole và orni-dazole: Nhóm thuốc này có ưu điểm là giá thành rẻ tuy nhiên trong quá trình sử dụng có thể gây ra một số tác dụng phụ,điển hình là các biểu hiện ở mức độ nhẹ như chóng mặt, buồn nôn, nôn, nổi mày đay, đau thượng vị,…
– Nhóm Qui-nolon thế hệ 2 bao gồm cipro-floxacin hoặc pefla-cin: Đây là nhóm thuốc được lựa chọn đầu tiên do giá thành rẻ mà lại có hiệu quả cao. Tuy nhiên nhóm thuốc này vẫn có thể kèm theo một số tác dụng không mong muốn. Điển hình như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ… Do đó người bệnh cần lưu ý khi được chỉ định sử dụng nhóm thuốc kháng sinh này.
Ngoài ra các bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc bổ sung để điều trị triệu chứng như:
– Các loại thuốc kháng viêm, giảm co bóp.
– Thuốc như No-spa hoặc Spar-maverin… có tác dụng giảm đau, giãn cơ trơn.
2.2 Viêm túi mật điều trị bằng phẫu thuật
Trường hợp người bệnh không thể đáp ứng tốt với thuốc điều trị, bệnh trở nặng hơn, đe dọa tiến triển thành viêm túi mật hoại tử hoặc viêm túi mật phúc mạc thì người bệnh sẽ phải mổ cấp cứu để loại bỏ túi mật.
Hiện nay, với nhiều ưu điểm như ít đau, tính thẩm mỹ cao, tỷ lệ biến chứng thấp, thời gian phục hồi nhanh…thì phẫu thuật nội soi cắt túi mật thường được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không thể mổ nội soi và bắt buộc phải chuyển sang mổ mở.
Sau phẫu thuật cắt túi mật, người bệnh vẫn có thể sống khỏe mạnh, bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe hay tuổi thọ. Lúc này dịch mật tiết ra từ gan thay vì được lưu trữ tại túi mật thì sẽ trực tiếp đưa thẳng xuống ruột non. Thời gian đầu do có những xáo trộn về số lượng và chất lượng của dịch mật nên người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khó chịu như đau bụng, đầy hơi, khó tiêu… Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần lưu ý về chế độ ăn uống, sinh hoạt: nên ăn thực phẩm dễ tiêu, hạn chế đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, vừa ăn vừa theo dõi nếu không thấy xuất hiện triệu chứng nào khó chịu đáng kể thì có thể quay trở lại ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Nhìn chung bệnh nhân viêm túi mật cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác tình trạng bệnh và tư vấn cách điều trị phù hợp.
3. 4 lưu ý về ăn uống, sinh hoạt hỗ trợ điều trị viêm túi mật
Bên cạnh việc điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng cần lưu ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày như sau:
– Hạn chế ăn uống (trường hợp chỉ định điều trị bằng thuốc): Trong thời gian đầu để không bị ứ mật thêm tại túi mật đang bị viêm bạn có thể phải hạn chế ăn uống. Thay vào đó sẽ tiến hành truyền nước và dịch để tránh tình trạng mất nước.
– Hạn chế ăn chất béo, tránh đồ chiên rán, chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh gây khó tiêu.
– Để hỗ trợ tiêu hóa để tăng cường bổ sung chất xơ, rau xanh và trái cây.
– Tích cực vận động thường xuyên và tập thể dục mỗi ngày.
4. Biến chứng của viêm túi mật
Viêm túi mật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như:
– Thủng túi mật: túi mật bị viêm do sự tích tụ của dịch mật sẽ dẫn đến thủng túi mật. Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn tới suy tuần hoàn, chảy máu nội tạng, có lỗ rò trong đường tiêu hóa…gây đe dọa tính mạng của người bệnh.
– Viêm phúc mạc mật: túi mật bị giãn nỡ, thành túi mật yếu dẫn tới tình trạng dịch mật thấm vào ổ bụng gây ra viêm phúc mạc mật. Bệnh nhân khi bị viêm phúc mạc mật có thể bị sốc nhiễm khuẩn, truy tim mạch, tử vong.
– Viêm mủ, áp xe đường dẫn mật.
Như vậy có thể viêm túi mật rất nguy hiểm và việc điều trị càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Để biết chính xác viêm túi mật điều trị theo cách nào là hiệu quả,người bệnh cần thăm khám và tư vấn cụ thể với bác sĩ chuyên khoa ngay khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu như đau vùng hạ sườn phải (đôi khi đau ở vùng thượng vị), sốt, vàng da, vàng mắt, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân…Điều này sẽ giúp bạn tránh được những biến chứng và tình trạng nặng hơn của bệnh.