Ung thư đại trực tràng đứng vị trí thứ 6 về tỷ lệ ca mắc mới và vị trí thứ 8 về tỷ lệ tử vong tại Việt Nam. Vậy nên nhiều thắc mắc về việc ung thư đại tràng có chữa được không, hãy cùng giải đáp trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Các yếu tố là nguy cơ gây ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng phần lớn là dạng ung thư biểu mô tuyến bắt nguồn từ tế bào biểu mô tại đại tràng. Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý ung thư đại tràng là chế độ ăn uống sinh hoạt không khoa học, di truyền, tuổi tác, polyp đại tràng. Đa phần polyp phát hiện trong đại trực tràng là lành tính nhưng hầu như phần lớn ung thư đại trực tràng đều bắt nguồn từ polyp theo thời gian. Đặc biệt, những người mắc polyp đại tràng lâu ngày, không chữa trị kịp thời, sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư.
2. Giải đáp câu hỏi: Ung thư đại tràng có điều trị khỏi được không?
Việc xác định ung thư đại tràng có chữa được không cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể được liệt kê dưới đây.
2.1 Giai đoạn bệnh quyết định ung thư đại tràng có chữa được hay không?
Ung thư đại trực tràng có tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, thậm chí có bệnh nhân vượt qua ung thư, sống khỏe mạnh sau nhiều năm. Và giai đoạn ung thư cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến việc hiệu quả chữa khỏi, do đó tiên lượng sống sau 5 năm theo từng giai đoạn bệnh ung thư đại tràng sẽ có những thay đổi như sau:
– Giai đoạn 0 và giai đoạn 1 được xem là giai đoạn sớm của bệnh ung thư đại tràng: Các tế bào ung thư chỉ có trong niêm mạc hoặc lớp lót bên trong của đại tràng. Hoặc ung thư đã xâm lấn xuyên qua niêm mạc vào lớp cơ của đại tràng nhưng chưa vượt qua khỏi đại tràng. Lúc này tỷ lệ chữa khỏi cao, cơ hội sống sau 5 năm có thể lên đến hơn 90%.
– Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã bắt đầu vượt ra ngoài đại tràng, di chuyển đến các mô lân cận, các hạch bạch huyết, niêm mạc quanh ổ bụng… Tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư đại tràng giai đoạn 2 có thể lên đến 82%.
– Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đại tràng đã di căn đến các hạch bạch huyết nhưng chưa di căn đến các bộ phận xa khác của cơ thể. Tiên lượng sống ở giai đoạn này phụ thuộc vào số lượng các hạch bạch huyết có chứa tế bào ung thư, do đó có khoảng 67% người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm.
– Giai đoạn 4: Là giai đoạn cuối khi ung thư đại tràng đã di căn sang các cơ quan khác tại thời điểm chẩn đoán. Đối với ung thư giai đoạn này, tỷ lệ sống thấp, chỉ có khoảng 11% số người bệnh sẽ sống ít nhất 5 năm sau khi được chẩn đoán.
Tiên lượng sống không áp dụng cho tất cả người bệnh mà khả năng chữa khỏi và sống sót sau ung thư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Vậy nên khi phát hiện mắc bệnh dù ở giai đoạn nào bệnh nhân cũng nên suy nghĩ tích cực, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
2.2 Phác đồ điều trị ảnh hưởng đến ung thư đại tràng có chữa được hay không
Bệnh ung thư đại tràng có chữa được không còn dựa vào phác đồ điều trị. Phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, kích thước khối u, mức độ xâm lấn, khả năng đáp ứng điều trị mà ung thư đại tràng được chỉ định bằng các phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân.
Thông thường ung thư đại tràng giai đoạn 1-3 có thể được điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u, các mô và tế bào lân cận tùy thuộc vào mức độ xâm lấn của khối ung thư. Trong trường hợp ung thư tiến triển sang giai đoạn 3 thì bạn có thể cần thực hiện kết hợp hóa trị kèm theo phẫu thuật để ngăn ngừa các tế bào ung thư lây lan các cơ quan khác của cơ thể. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối, hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp nhắm trúng đích là phương pháp được xem xét để điều trị ung thư đại trực tràng.
Khi đã có phác đồ điều trị được triển khai chi tiết, có kế hoạch và lộ trình, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, phác đồ cá thể hóa đúng hướng từ đó khả năng thoát khỏi bệnh được nâng cao. Ngược lại chần chừ trong điều trị, hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng để phẫu thuật, hóa trị, hay xạ trị để thực hiện các phương pháp điều trị không chính thống sẽ làm bệnh thêm nghiêm trọng hơn, giảm hiệu quả trong điều trị.
2.3 Các yếu tố sau điều trị ảnh hưởng đến việc chữa khỏi ung thư đại tràng
Việc xác định ung thư đại tràng có chữa khỏi hay không được xác định bằng thời gian sống của người bệnh kéo dài sau 5 năm được coi là điều trị khỏi ung thư. Vì thế trong khoảng thời gian điều trị và sau thực hiện các phương pháp điều trị ung thư bệnh nhân cần xây dựng một chế độ sinh hoạt hợp lý và duy trì thực hiện để ngăn ngừa nguy cơ ung thư tái phát nhất có thể.
– Bệnh nhân nên hạn chế sử dụng quá nhiều thịt đỏ đặc biệt là chế biến dưới các hình thức chiên, nướng, xông khói, dăm bông, xúc xích bởi chất đạm sẽ làm tăng yếu tố sinh ung thư, và mỡ sẽ bị vi khuẩn chuyển hóa trong ruột, từ đó làm tăng sinh các tế bào biểu mô bất thường, phát triển thành ung thư.
– Nên sử dụng chế độ ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây giúp gia tăng tiêu thụ axit folic và chất xơ kết hợp với các yếu tố sinh ung thư sẽ dễ dàng được đào thải khỏi ruột sớm, tránh tích tụ lâu làm tăng sinh các tế bào biểu mô bất thường.
– Hạn chế sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá làm tăng nguy cơ tái phát ung thư đại tràng.
– Nên luyện tập thể dục thể thao, tham khảo bác sĩ các bài tập hợp lý để rèn luyện tùy vào sức khỏe của bản thân để làm giảm nguy cơ tái phát ung thư đại trực tràng, tăng sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa.
– Điều quan trọng cuối cùng là cần kiểm tra đại trực tràng định kỳ theo chỉ định của bác sĩ điều trị bởi đây là cách tốt nhất để theo dõi ung thư, phòng tránh bệnh ung thư đại trực tràng tái phát, phát hiện sớm những bất thường để từ đó có phương hướng điều trị kịp thời, gia tăng hiệu quả điều trị khỏi bệnh.