Ung thư cổ tử cung có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện bệnh sớm. Nhưng nhiều phụ nữ vì lo lắng rằng việc tầm soát ung thư cổ tử cung có thể gây đau đớn nên họ còn ngần ngại đi khám. Vậy liệu rằng tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không? Cùng đi tìm lời giải cho câu hỏi này của chị em phụ nữ qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao cần tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là khối u ác tính nguyên phát ở cổ tử cung. Những tế bào này có thể phát triển thành các khối u hoặc xâm nhập vào mô xung quanh tử cung. Sau đó dần dần xâm lấn tới những cơ quan khác trong cơ thể.
Tại nước ta, mỗi năm hiện có khoảng 4.100 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và 2.400 phụ nữ tử vong vì bệnh này. Thậm chí, các chuyên gia nhận định, con số này có thể sẽ ngày càng gia tăng.
Nguy hiểm hơn, vào giai đoạn đầu, căn bệnh này hầu như không có triệu chứng. Vì thế việc tầm soát (sàng lọc) ung thư cổ tử cung chính là cách hiệu quả nhất để có thể phát hiện bệnh và điều trị sớm. Đây là phương pháp giúp phát hiện ra tế bào bất thường trước khi chúng kịp biến đổi thành tế bào ung thư.
Thực tế, rất nhiều trường hợp đã được điều trị hiệu quả nhờ tầm soát ung thư cổ tử cung sớm. Các chuyên gia cho rằng, nếu phát hiện kịp thời và sử dụng một số biện pháp điều trị, tùy thuộc vào từng giai đoạn thì khoảng 85 – 90% bệnh nhân ở giai đoạn đầu có cơ hội khỏi bệnh.
2. Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ung thư cổ tử cung cần cảnh giác
Ung thư cổ tử cung là căn bệnh nguy hiểm vì ở giai đoạn đầu, rất khó để chung ta nhận biết được. Bởi lúc này, các tế bào chỉ mới xuất hiện ở lớp bề mặt tử cung và chưa gây ra những triệu chứng rõ ràng nào. Do đó, nếu không đi tầm soát ung thư thì bạn sẽ không thể phát hiện ra bệnh.
Khi đã để ung thư cổ tử cung tới giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:
Tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường
Mặc dù ở giữa kỳ kinh, nhưng cơ thể bạn lại có hiện tượng xuất huyết âm đạo. Đây được coi là một biểu hiện bất thường. Nếu hiện tượng này có kèm theo các triệu chứng như đau bụng, đau lưng thì bạn nên thăm khám ngay.
Xuất hiện tình trạng tiết nhiều dịch âm đạo
Như chị em đã biết, dịch âm đạo thường có màu trắng trong và không có mùi. Nhưng nếu cảm thấy dịch tiết nhiều, có sự thay đổi màu sắc bất thường và có mùi lạ thì rất có thể bạn đang có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Cảm thấy đau vùng xương chậu và lưng
Khi đã ở giai đoạn muộn, người bệnh sẽ bị chuyển biến nặng hơn và gây ra những cơn đau lưng. Dần dần bạn sẽ cảm thấy đau chân và gây hiện tượng phù ở hai chân.
Tiểu tiện gặp vấn đề bất thường
Lúc này, người bệnh sẽ nhận thấy hiện tượng lẫn máu trong nước tiểu hoặc khi đi tiểu có cảm giác đau buốt, ngay cả khi hắt hơi, vận động cũng bị rò rỉ nước tiểu.
Rối loạn kỳ kinh nguyệt
Người bệnh lúc này sẽ có hiện tượng chậm kinh hoặc máu trong kỳ kinh nguyệt sẽ có màu đen sẫm và kéo dài.
3. Giải đáp: Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không và những vấn đề liên quan
3.1. Có những phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến nào?
Hiện nay, phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung thường được áp dụng phổ biến nhất đó là:
Phương pháp sàng lọc tế bào Pap smear
Xét nghiệm Pap smear còn được gọi là phương pháp phết tế bào cổ tử cung. Nhiệm vụ của phương pháp này là giúp phát hiện sớm những biến đổi tế bào ở cổ tử cung. Từ đó hỗ trợ bác sĩ đưa ra hướng điều trị theo dõi tiếp theo cho người bệnh. Kỹ thuật lấy mẫu diễn ra vô cùng đơn giản và được các bác sĩ thực hiện trong khi khám phụ khoa cùng với các dụng cụ chuyên biệt.
Xét nghiệm virus HPV
HPV là một loại virus lây truyền qua đường tình dục với khoảng 200 loại khác nhau. Trong đó, HPV 16 và HPV 18 là hai loại virus nguy hiểm nhất, nó gây nên 75 – 80% trường hợp ung thư cổ tử cung ở nữ giới.
Kỹ thuật lấy mẫu của phương pháp này cũng diễn ra vô cùng đơn giản, tương tự kỹ thuật lấy tế bào âm đạo ở cổ tử cung. Xét nghiệm HPV thường được khuyến cáo kết hợp với xét nghiệm Pap smear để mang tới kết quả có độ chính xác tối đa.
Phương pháp sàng lọc VIA
Toàn bộ quy trình này diễn ra trong thời rất ngắn. Đầu tiên bác sĩ sẽ nhẹ nhàng đưa mỏ vịt vào âm đạo của bạn để quan sát cổ tử cung. Sau đó nhỏ dung dịch Acid acetic (một loại acid có nồng độ thấp, không gây hại) lên và quan sát những thay đổi sau đó.
Ngoài ra, tùy vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một số phương pháp khác như soi cổ tử cung, soi tươi dịch âm đạo,… trong quá trình thăm khám.
3.2. Liệu việc tiến hành tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không?
Nhiều chị em lo sợ không biết rằng sàng lọc ung thư cổ tử cung có đau không? Tuy nhiên, với những kỹ thuật hiện đại ngày nay, bạn không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Bởi các bước thăm khám trong quá trình tầm soát ung thư đều không gây đau đớn. Do đó, chị em hãy giữ tâm lý thoải mái khi đi khám.
Bạn chỉ cần cân nhắc về việc lựa chọn một cơ sở y tế có uy tín, đảm bảo chất lượng để có được buổi thăm khám an toàn và đạt hiệu quả nhất. Một số tiêu chí để bạn quyết định được địa chỉ thăm khám tốt cho mình đó là: đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp,…
3.3. Sau khi giải đáp được việc Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không, bạn đã nắm được thời điểm nào nên tiến hành sàng lọc bệnh?
Theo các chuyên gia y tế, phụ nữ ở độ tuổi 30 đến 49 và đã có quan hệ tình dục đều nên tiến hành làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung. Nhưng trong trường hợp, bạn có những triệu chứng bất thường, hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Thời điểm tốt nhất để khám sàng lọc bệnh là 2 năm kể từ khi nữ giới quan hệ tình dục. Lưu ý, nên đi khám vào thời điểm 2 tuần sau ngày đầu tiên của kỳ kinh. Tùy vào mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về khoảng cách thời gian giữa mỗi lần tầm soát.
Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với nữ giới, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên. Do đó, chị em phụ nữ đừng quên tiến hành sàng lọc ung thư cổ tử cung sớm và định kỳ để bảo vệ sức khỏe cũng như hạnh phúc trong tương lai của mình nhé!