Rách giác mạc có thể nói là một dạng tổn thương khá phổ biến mà nhiều người gặp phải. Vậy rách giác mạc có sao không, có ảnh hưởng gì hay không, xử lý thế nào trong trường hợp bị rách giác mạc, cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu nguyên nhân tổn thương giác mạc
Giác mạc vốn là một thành phần của vỏ bọc nhãn cầu với nhiệm vụ chính là bảo vệ nhãn cầu, giác mạc chiếm khoảng ⅙ chu vi trước của nhãn cầu và là bộ phận tiếp nối với củng mạc. Giác mạc có cấu tạo bao gồm 5 lớp, trong đó, lớp hay chịu sự tổn thương lớn nhất là lớp ngoài cùng còn gọi là biểu mô.
Rách giác mạc được hiểu đơn giản là những trầy xước trên bề mặt biểu mô giác mạc, thường xuất phát từ nguyên nhân do dị vật làm tổn thương lớp giác mạc khiến cho thị lực bị giảm sút, đau nhức vô cùng khó chịu.
Các dị vật nhìn chung rất đa dạng, đó có thể chỉ là những vật có kích thước siêu nhỏ như là bụi, cát… đến những vật có kích thước lớn hơn như là thủy tinh hay côn trùng. Ở mọi lứa tuổi, nguy cơ giác mạc bị tổn thương đều như nhau.
Ngoài ra, kính áp tròng cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây rách giác mạc hiện nay. Thậm chí, do giác mạc rất mỏng nên trong một số trường hợp các thao tác dụi mắt cũng có thể gây tổn thương giác mạc.
2. Rách giác mạc có sao không?
Với thắc mắc rách giác mạc có sao không, mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc rất nhiều vào vết rách hoặc dị vật gây tổn thương. Trong các trường hợp rách giác mạc nông thì thường chỉ là tổn thương lớp biểu mô trên bề mặt giác mạc và sẽ không quá nguy hiểm. Hầu hết thì những vết trầy xước này sẽ lành lại chỉ sau vài ngày mà không ảnh hưởng đến thị lực. Tuy nhiên bệnh nhân cũng cần có chế độ chăm sóc mắt tốt cũng như nghỉ ngơi phù hợp để tránh tình trạng tổn thương biến chứng sang viêm loét giác mạc.
Ngược lại, với những vết rách giác mạc càng sâu thì tình trạng sẽ nguy hiểm hơn, có thể dẫn đến biến chứng nhiễm trùng, để lại sẹo cũng như các vấn đề khác. Thậm chí, nếu như không được sơ cứu và điều trị đúng biện pháp, bệnh nhân còn phải đối mặt với nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn. Do đó, trong trường hợp này thì bạn nên đến các cơ sở y tế để có thể xử lý kịp thời.
Khi dị vật bám vào bên trong giác mạc, người bệnh thường cảm thấy cộm ở bên trong mắt, khó mở mắt. Mắt cũng trở nên sung huyết, đau, nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ. Do đó, người bệnh phải đối mặt với rất nhiều triệu chứng nặng nề như: Đỏ mắt, chảy nước mắt, đau rát ở mắt…
3.Cách sơ cứu rách giác mạc thế nào?
Có thể nói, chấn thương rách giác mạc là một trong những dạng tổn thương nặng nề nhất của mắt. Do đó việc xử lý khâu giác mạc và điều trị ngay sau đó cần phải tích cực, chặt chẽ, bởi nếu như xử lý không tốt có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, nghiêm trọng nhất là nguy cơ mất thị lực hoàn toàn. Lúc này, sự hồi phục của mắt còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí vết rách, mức độ và nguyên nhân vết rách.
Trong trường hợp chưa thể đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, bạn cần thực hiện ngay các bước xử lý sau khi bị trầy xước giác mạc bao gồm:
– Rửa lại mắt bằng nước sạch
Xối nước sạch hoặc dung dịch nước muối sinh lý để rửa mắt. Bạn có thể dùng cốc rửa mắt hoặc cốc thủy tinh nhỏ, lưu ý khi rửa nên đặt rìa mép cốc vào xương hốc mắt.
– Nhấp nháy mắt nhiều lần
Nhấp nháy mắt nhiều lần trong nước sạch để làm trôi bụi bẩn ra ngoài. Trường hợp dị vật nếu như vẫn còn ở trong mắt, tuyệt đối bạn không nên gắp dị vật ra mà nên đợi đến khi thăm khám để được bác sĩ chuyên khoa xử lý.
– Kéo mi mắt trên và mi mắt dưới
Lông mi của mi mắt dưới có thể chải đi những dị vật nằm bên bề mặt dưới của mi mắt trên
Nếu như sau các bước sơ cứu trên, mắt của bạn đã đỡ cộm, đỡ đau thì bạn có thể tra thuốc sau đó băng kín mắt lại. Mục đích của việc sử dụng thuốc là để làm liền vết thương ở giác mạc cũng như làm cho thuốc không bị trôi đi. Nếu như chỉ bị xước nhẹ thì bạn chỉ cần băng mắt một đêm và sáng hôm sau sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, nếu như khi tra thuốc và băng mắt mà tình trạng vẫn không được cải thiện, mắt vẫn có hiện tượng khó mở ra, đau rát hay nước mắt chảy giàn giụa thì ngay lập tức bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám. Bởi khi đó, thương tổn không chỉ đơn giản là trầy xước giác mạc mà thậm chí còn là những chấn thương sâu, nghiêm trọng hơn. Lưu ý trước khi sử dụng thuốc thì bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo tối đa an toàn.
4. Một số lưu ý trong quá trình điều trị rách giác mạc
Trong quá trình điều trị rách giác mạc thì bạn cần lưu ý đến một số điểm như sau:
– Tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc của bác sĩ
– Không dụi mắt và không để mắt làm việc quá lâu
– Đến thăm khám lại với bác sĩ khi cảm thấy mắt bị đau nhiều hơn, kích ứng hơn hoặc tình trạng trợt biểu mô giác mạc ngày càng nặng thêm
– Đeo kính bảo hộ tại nơi làm việc, học tập
– Trong quá trình điều trị rách giác mạc thì tốt hơn hết bạn không nên mang kính áp tròng cho đến khi có chỉ định của bác sĩ
– Nên mang kính râm đi dưới trời nắng hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy nhạy cảm với ánh sáng
Hi vọng rằng những thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “Rách giác mạc có sao không”. Nếu như không được sơ cứu và điều trị kịp thời, bạn sẽ có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Do đó, tốt hơn hết, với bất cứ triệu chứng bất thường nào, bao gồm cả triệu chứng đau mắt trở lại thì bạn cũng cần đến gặp bác sĩ.