[Giải đáp] Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh phải làm sao?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh là bệnh lý thường gặp và là nỗi ám ảnh của nhiều bà mẹ. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày mà còn tác động trực tiếp đến sức khỏe sản phụ và sự phát triển của trẻ.

1. Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh là gì?

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh là tình trạng xuất hiện các vết rách hoặc vết nứt ở niêm mạc hậu môn. Sản phụ có thể nhìn thấy hầu hết các vết vứt ở vị trí đường giữa sau hậu môn hậu môn hoặc một mẩu da thừa gần vết nứt.

Các triệu chứng nhận biết nứt hậu môn sau sinh tương đối rõ ràng bao gồm:

– Cảm giác đau nhức và nóng rát bên trong ống hậu môn.

– Gây đau và xót mỗi lần đi đại tiện, thận chí là chảy một ít máu.

– Hậu môn ẩm ướt, ngứa, có mùi hôi; vết nứt phía ngoài hậu môn sưng tấy, chảy dịch vàng.

– Tiểu rắt, tiểu đau hoặc bí tiểu do hệ tiết niệu bị kích thích.

Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị sớm. Bởi nếu nứt kẽ hậu môn kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống mà có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sản phụ và sự phát triển của trẻ bú mẹ.

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh là nỗi "ám ảnh" của nhiều sản phụ

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh là nỗi “ám ảnh” của nhiều sản phụ.

2. Tại sao phụ nữ sau sinh dễ mắc nứt kẽ hậu môn?

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh là bệnh lý nhóm hậu môn – trực tràng khá phổ biến. Nguyên nhân do:

– Tình trạng táo bón kéo dài là nguyên nhân chính gây nứt kẽ hậu môn sau sinh. Phụ nữ sau sinh thường gặp phải chứng táo bón do chế độ ăn uống, sinh hoạt và thay đổi nội tiết tố gây nên. Tình trạng táo bón khiến phân khô và cứng khiến việc đại tiện gặp nhiều khó khăn. Sản phụ thường phải dùng sức rặn làm tăng áp lực ổ bụng – trực tràng khiến hậu môn bị co thắt đột ngột, niêm mạc hậu môn bị tổn thương. Từ đó làm xuất hiện các vết nứt, thậm chí là chảy máu khi đi đại tiện.

– Ngoài ra, trong quá trình mang thai, trọng lượng ổ bụng gia tăng gây áp lực lên vùng xương chậu. Từ đó làm tăng nguy cơ gây nứt kẽ hậu môn.

3. Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh có nguy hiểm không?

Nứt kẽ hậu môn sau sinh nếu không được điều trị có thể phát triển thành những biến chứng nguy hiểm:

Ảnh hưởng tâm sinh lý:

Nứt kẽ hậu môn sau sinh gây ra phiền toái trong sinh hoạt thường ngày, làm ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý của người mẹ. Bệnh gây đau rát, đau nhức, ngứa ngáy, đại tiện ra máu khiến các bà mẹ luôn cảm thấy chán nản, mệt mỏi, căng thẳng, stress, bất an…

Gây mất máu, thiếu máu:

Nứt kẽ hậu môn sẽ gây ra những vết thương hở gây chảy máu tươi, đặc biệt là trong và sau khi đại tiện. Tình trạng này nếu kéo dài, các vết nứt sẽ lớn hơn và gây chảy máu nhiều hơn. Các sản phụ sẽ có nguy cơ thiếu sắt và thiếu máu. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì các bà mẹ rất dễ gặp phải các triệu chứng: cơ thể mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, da xanh xao, tụt huyết áp, ngất xỉu…

Nứt kẽ hậu môn mạn tính:

Đa số các trường hợp nứt kẽ hậu môn sẽ tự lành sau khoảng 4-6 tuần nếu tình trạng táo bón được cải thiện. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn 8 tuần, nứt kẽ hậu môn sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính rất khó chữa trị.

Nhiễm trùng hậu môn:

Hậu môn là nơi tập trung rất nhiều vi khuẩn. Nứt kẽ hậu môn khiến hậu môn thường xuyên bị ẩm ướt và chảy máu. Từ đó tạo điều cho các vi khuẩn có hại xâm nhập và tấn công vào các vết nứt gây viêm, nhiễm trùng. Nguy hiểm hơn, vi khuẩn có thể ngược dòng tấn công gây viêm đường ruột, viêm trực tràng, suy thận, nhiễm trùng máu…

Nhiễm trùng máu:

Các tĩnh mạch hậu môn bị vỡ gây hiện tượng chảy máu. Từ đó, vi khuẩn có thể xâm nhập vào các tĩnh mạch gây nhiễm trùng máu. Biến chứng này có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ nếu không phát hiện và điều trị sớm.

Hoại tử hậu môn:

Nứt kẽ hậu môn kéo dài có thể làm hình thành các ổ áp xe chứa mủ. Khi ổ áp xe phát triển lớn, vỡ ra gây chảy mủ, nhiễm trùng và mang theo mầm bệnh. Từ đó làm tăng nguy hoại tử hậu môn.

Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ:

Nứt kẽ hậu môn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm sinh lý của sản phụ ảnh. Từ đó tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của trẻ đang bú mẹ.

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ bú mẹ

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ bú mẹ

4. Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh phải làm sao?

Điều trị nứt kẽ hậu môn cho phụ nữ sau sinh không phải là một điều dễ dàng. Bởi nếu áp dụng cách điều trị không phù hợp sẽ làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Vậy nứt kẽ hậu môn sau sinh phải làm sao?

4.1. Xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học

Việc làm đầu tiên khi bị nứt kẽ hậu môn sau sinh là thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để khắc phục tình trạng táo bón, ngăn ngừa biến chứng. Các bà mẹ cần:

– Uống nhiều nước: các bà mẹ nên uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ làm mềm phân và giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

– Bổ sung nhóm thực phẩm giàu chất xơ (rau xanh, củ quả, hoa hỏa tươi…) để giúp làm mềm phân và thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa.

– Bổ sung các thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, gan, gạo lứt, các loại hạt nhiều dầu… để cung cấp thêm sắt cho cơ thể, cải thiện tình trạng thiếu máu do đi ngoài ra máu.

– Bổ sung nhóm thực phẩm nhuận tràng như khoai lang, rau mồng tơi, rau lang, mè đen, bí đỏ…. Bởi các thực phẩm này sẽ kích thích sự hoạt động của hệ tiêu hóa, giúp quá trình đại tiện diễn ra dễ dàng hơn. Từ đó sẽ khắc phục được tình trạng táo bón và cải thiện các triệu chứng nứt hậu môn.

– Giữ vệ sinh hậu môn sạch sẽ; vệ sinh bằng nước muối ấm hoặc nước chè xanh pha loãng để hỗ trợ diệt khuẩn và giảm đau; lau khô hậu môn bằng khăn bông mềm để hạn chế các thương tổn nặng hơn.

– Vận động, đi lại ít nhất 30-50 phút mỗi ngày để giảm áp lực lên các cơ và dây thần kinh hậu môn.

– Tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày đúng giờ, hạn chế rặn nhiều.

4.2. Điều trị nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh bằng thuốc

Điều trị không phẫu thuật được xem là cách chữa trị căn bản, chỉ định cho các trường hợp nứt kẽ hậu môn cấp tính. Mục đích là nhằm loại bỏ các tác nhân gây bệnh, tăng cường máu đến các niêm mạc bị tổn thương để vết thương nhanh lành lại.

Các loại thuốc có thể được chỉ định là nhóm thuốc làm mềm phân (giảm táo bón, cải thiện vấn đề đại tiên), thuốc giảm đau (giảm các cơn đau rát); thuốc kháng sinh (giảm viêm, nhiễm trùng và chảy dịch ở hậu môn). Ngoài ra, các dạng thuốc mỡ thoa tại chỗ cũng sẽ được sử dụng. Chúng có tác dụng làm giãn cơ vòng trong, tăng tưới máu vùng nứt.

Lưu ý: thông tin về các loại thuốc điều trị trong bài chỉ mang tính tham khảo. Bên cạnh đó điều trị nội khoa có thể khiến các bà mẹ gặp phải các tác dụng phụ như đau đầu, bốc hỏa đỏ mặt, tụt huyết áp…và ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ. Do đó, sản phụ tuyệt đối không được tự ý sử dụng mà cần thăm khám và tham khảo ý kiến tư vấn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa.

Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi điều trị nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh bằng thuốc Tây y

Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi điều trị nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh bằng thuốc.

4.3. Phẫu thuật chữa nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh

Khi áp dụng các phương pháp điều trị trên không hiệu quả và có xu hướng diễn tiến sang mạn tính, sản phụ sẽ được chỉ định làm phẫu thuật.

Thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ một phần bên cơ vòng trong ống hậu môn để giúp giảm đau, giãn cơ và nhanh lành vết mổ. Các bà mẹ nằm viện 1 ngày để theo dõi sức khỏe và có thể ra viện vào hôm sau. Cơn đau tại vết mổ sẽ giảm sau vài ngày và lành lại hoàn toàn vài tuần sau đó. Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn có tỷ lệ thành công lên tới 90%.

Nhìn chung tùy vào từng đối tượng người bệnh mà bác sĩ sẽ khuyến cáo cách điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Nứt kẽ hậu môn ở phụ nữ sau sinh làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ. Do đó, nếu bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, các bà mẹ cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt và thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để giúp bệnh nhanh khỏi, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital