Hệ miễn dịch và sức đề kháng chưa hoàn thiện, trẻ sơ sinh có thể dễ dàng mắc nhiều bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp, trong đó có nấm miệng, hay đẹn miệng, tưa miệng. Nấm miệng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và quấy khóc. Vậy nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi? Những triệu chứng phát sinh do bệnh lý này bao lâu thì biến mất? Đọc câu trả lời của chuyên gia trong bài viết sau, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về nấm miệng/đẹn miệng/tưa miệng
Đẹn miệng là một loại nhiễm trùng do hoạt động của nấm Candida, xuất hiện vô cùng phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh các nước nhiệt đới như Việt Nam. Biểu hiện của đẹn miệng là những mảng trắng xuất hiện ở môi, má trong, lưỡi và vòm họng trẻ nhỏ. Những mảng này không thể vệ sinh dễ dàng. Trong một số trường hợp, thay vì trắng, các mảng này lại có màu đỏ. Ngoài những biểu hiện ấy, trẻ có thể còn biếng ăn và quấy khóc và gặp một số triệu chứng khác.
Được biết, Candida luôn tồn tại trên cơ thể người. Nhiều nghiên cứu y khoa đã kết luận, cứ 2 người thì có 1 người sống ổn với chúng. Điều đó cho thấy, nếu số lượng nấm Candida được duy trì ở mức cho phép thì chúng hoàn toàn vô hại. Có nhiều nguyên nhân khiến nấm Candida quá phát, gây nấm miệng ở trẻ sơ sinh. Trong đó, 3 nguyên nhân chủ chốt có thể kể đến là:
– Mẹ nhiễm nấm tại cơ quan sinh sản hoặc cơ quan tiêu hóa trong thai kỳ nhưng không được điều trị dứt điểm. Trẻ sơ sinh nhiễm nấm từ mẹ.
– Trẻ suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị kháng sinh dài ngày.
– Trẻ có khẩu phần ăn nhiều đường, ít chất béo: Thông thường, thời kỳ bú mẹ của trẻ được chia thành 2 giai đoạn – Sữa đầu và sữa cuối. Trong đó, sữa đầu giàu đường và sữa cuối giàu chất béo. Trẻ bú nhiều sữa đầu mà không bú đủ sữa cuối, có nguy cơ mắc nấm miệng cao hơn những trẻ còn lại.
2. Nấm miệng ở trẻ sơ sinh bao lâu thì khỏi?
Thời gian điều trị nấm miệng ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào giai đoạn phát triển bệnh. Theo đó, đẹn miệng có 2 giai đoạn phát triển: Giai đoạn nhẹ và giai đoạn nặng.
2.1. Giai đoạn nhẹ: Nấm miệng chỉ khu trú bên trong miệng
Triệu chứng của giai đoạn này là: Những mảng trắng bám chắc trên môi, má trong và lưỡi trẻ, khi mẹ cố gắng cạo chúng, trẻ có thể bị chảy máu; bé bị khô, nứt nẻ miệng,…
Nếu nấm miệng mới ở giai đoạn này, được điều trị tích cực, bé sẽ khỏi sau 5 – 7 ngày.
2.2. Giai đoạn nặng: Nấm miệng di chuyển đến các cơ quan khác
Ở giai đoạn này, nấm không chỉ khu trú tại miệng mà còn lan đến hầu họng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, cơ quan tiết niệu, cơ quan sinh sản và hậu môn,… khiến trẻ ngạt thở, đầy hơi, trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy,…
Điều trị nấm ở giai đoạn nặng cần thời gian là 1 tháng hoặc hơn.
3. Điều trị nấm miệng/đẹn miệng/tưa miệng
3.1. Điều trị cùng chuyên gia
Vì chân nấm Candida cắm sâu vào niêm mạc môi, má trong, lưỡi,… của trẻ nên nấm miệng không thể tự khỏi. Để khỏi nấm, bé cần được dùng thuốc điều trị chủ động, kết hợp chăm sóc tại nhà. Chính vì vậy, khi nghi ngờ trẻ bị nấm miệng, bố mẹ nên cho trẻ thăm khám với chuyên gia ngay.
Tại các cơ sở y tế, tùy tình trạng bệnh lý mà chuyên gia sẽ kê đơn cụ thể cho từng trẻ. Tuy nhiên, có 2 loại thuốc chuyên gia chỉ định trong hầu hết các trường hợp, bố mẹ có thể tham khảo là: Miconazole dạng gel và Nystatin dạng viên nén có thể nghiền nát hoặc dạng bột hòa tan trong nước.
2 loại thuốc này được sử dụng như sau: Bố mẹ quấn một miếng gạc mềm xung quanh ngón tay có kích thước phù hợp với miệng trẻ. Chú ý: Tay bố mẹ cần được vệ sinh cẩn thận sạch sẽ. Sau đó, bố mẹ nhúng gạc vào nước sôi để nguội cho đến khi gạc mềm. Tiếp theo, bố mẹ chấm gạc đã mềm vào Miconazole hoặc Nystatin. Cuối cùng, bố mẹ dùng gạc nhẹ nhàng vệ sinh miệng cho trẻ từ ngoài vào trong, từ hai bên má đến vòm họng và lưỡi.
Trong quá trình điều trị đẹn miệng, bố mẹ cần ghi nhớ và thực hiện một số điểm sau:
– Mỗi ngày chỉ vệ sinh miệng cho trẻ như trên tối đa 3 – 4 lần.
– Nên tiến hành khi trẻ đang đói để hạn chế tình trạng nôn trớ ở trẻ.
– Tiếp tục vệ sinh miệng cho trẻ với thuốc kháng nấm 2 ngày sau khi trẻ đã khỏi
– Nấm miệng có thể lây từ trẻ sang mẹ thông qua việc trẻ bú. Lúc này, để trẻ khỏi dứt điểm, mẹ cũng cần điều trị song song.
3.2. Một số lưu ý khác
Ngoài sử dụng thuốc điều trị đúng hướng dẫn của chuyên gia, để trẻ nhanh khỏi nấm, những điều sau bố mẹ nên và không nên làm:
3.2.1. Điều bố mẹ nên làm
Bố mẹ nên cho trẻ uống sữa mẹ thay vì sữa công thức. Bởi, sữa mẹ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ và an toàn nhất. Đồng thời, sữa mẹ còn chứa kháng sinh tự nhiên.
3.2.2. Điều bố mẹ không nên làm
– Không cố gắng cậy các mảng trắng trên môi, má trong, lưỡi và vòm họng trẻ. Làm vậy sẽ khiến miệng trẻ đau, rát, sưng, chảy máu.
– Không cho trẻ ăn nhiều đồ ngọt cũng như ăn nhiều đồ chua, cay, mặn. Bởi đường là môi trường phát triển lý tưởng của Candida. Còn đồ chua, cay, mặn dễ gây kích ứng niêm mạc miệng.
– Hạn chế hôn trẻ để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Như vậy, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi: Nấm miệng ở trẻ sơ sinh thì bao lâu khỏi. Phụ thuộc giai đoạn bệnh mà thời gian khỏi có thể là 1 tuần, 1 tháng hoặc hơn. Để rút ngắn thời gian điều trị nấm miệng, quan trọng là bố mẹ phải nhanh chóng tìm kiếm sự hỗ trợ y tế cho con, cũng như phải tuân thủ đúng chỉ định điều trị của chuyên gia. Hy vọng rằng, với những thông tin Thu Cúc TCI chia sẻ phía trên, bố mẹ sẽ giữ được cho con một sức khỏe ổn định vững bền.