Trẻ viêm amidan là tình trạng rất phổ biến. Bệnh tuy không nghiêm trọng nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ gây nhiều biến chứng đáng tiếc. Do đó, các bậc phụ huynh cần hiểu rõ về bệnh viêm amidan ở trẻ.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu amidan và bệnh viêm amidan
1.1. Amidan và vai trò của amidan
Amidan là các tổ chức lympho, nằm ở bên trong họng. Các tổ chức này xếp thành một vòng trònm bao quanh họng, còn được gọi là vòng Waldeyer. Tuỳ vào vị trí mà amidan có các tên gọi khác nhau, bao gồm:
– Amidan khẩu cái: Đây là amidan lớn nhất, cũng là amidan dễ bị viêm nhất, nằm ở hai bên thành họng;
– Amidan lưỡi;
– Amidan vòm;
– Amidan vòi;
Đối với cơ thể của trẻ, amidan có vai trò rất lớn. Thông qua hoạt động miễn dịch ngay tại chỗ, các tổ chức amidan giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công và xâm nhập của vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác. Bên cạnh đó, amidan còn có thể sản sinh ra các kháng thể tự nhiên có khả năng chống lại sự nhiễm trùng.
1.2. Thế nào là viêm amidan?
Nếu tình trạng viêm tái diễn nhiều lần sẽ làm cho khả năng chống chọi virus và vi khuẩn của amidan bị suy yếu. Khi đó, chính các ổ viêm xay ra ở các amidan sẽ trở thành nguồn cơn khởi phát, gây ra các đợt viêm họng ở trẻ.
Tuỳ vào đặc điểm và triệu chứng, viêm amidan được chia thành các thể như sau:
– Viêm amidan cấp tính: Là tình trạng trẻ viêm amidan do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Bệnh diễn ra đột ngột, tiến triển nhanh với mức độ khá nghiêm trọng. Khi đó, amidan sẽ sưng đỏ khiến trẻ có cảm giác đau rát, khó chịu trong họng.
– Viêm amidan mạn tính: Là tình trạng amidan bị viêm nhiễm dai dẳng, tái diễn nhiều lần khiến amidan của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng. Nguyên nhân là do các hố amidan bị tích tụ vi khuẩn lâu ngày hoặc do bé sống trong môi trường bị ô. Bệnh tuy không phát sinh các triệu chứng mệt mỏi, sốt, sưng hạch bạch huyết… nhưng có nguy cơ gây phì đại amidan hoặc hình thành sỏi amidan ở trẻ.
2. Biểu hiện của trẻ viêm amidan là gì?
Viêm amidan ở trẻ thường do nhiều loại vi khuẩn, virus gây nên. Tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh mà trẻ sẽ có những biểu hiện đặc trưng khác nhau.
2.1. Biểu hiện của trẻ viêm amidan cấp tính
Trẻ bị viêm amidan thể cấp tính thường có những biểu hiện như:
– Amidan sưng to và đau nhức;
– Đau cổ họng, khó nhai nuốt;
– Hôi miệng;
– Sốt, mệt mỏi;
– Đau nhức toàn thân, đặc biệt là tai;
– Sưng hạch bạch huyết;
– Khàn giọng, mất tiếng;
– Mẹ có thể nhìn thấy amidan của trẻ có thể xuất hiện mủ trắng hoặc vàng;
– Trẻ chảy nhiều nước dãi, chán ăn và thường xuyên quấy khóc.
2.2. Biểu hiện trẻ viêm amidan mạn tính
Một số biểu hiện của trẻ bị viêm amidan mạn tính bao gồm:
– Tình trạng hôi miệng kéo dài;
– Đau họng, khàn tiếng, mất giọng;
– Trẻ khó nuốt hoặc hay ho khan do thấy vướng ở cổ họng;
– Trẻ thấy khó thở hoặc ngủ ngáy do amidan bị tăng kích thước;
3. Giải đáp một số thắc mắc về trẻ viêm amidan
Tình trạng viêm amidan ở trẻ rất phổ biến nhưng không phải cha mẹ nào cũng hiểu rõ. Sau đây là một số thắc mắc thường được các cha mẹ chia sẻ.
3.1. Vì sao trẻ thường xuyên bị viêm amidan?
Có thể nói viêm amidan là bệnh lý phổ biến, có thể xảy ra mọi ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em lại là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Lý giải cho điều này là do từ 4 – 10 tuổi là giai đoạn mà hoạt động miễn dịch của amidan diễn ra mạnh mẽ nhất và sau đó thì suy giảm rõ rệt. Hơn nữa, hệ thống miễn dịch ở trẻ em cũng yếu hơn nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
3.2. Những ảnh hưởng tới sức khoẻ khi trẻ viêm amidan kéo dài
Khi tình trạng viêm nhiễm ở amidan của trẻ diễn ra thường xuyên, kéo dài, sẽ khiến cho sức khoẻ của trẻ giảm sút. Cụ thể, trẻ sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng như:
– Áp xe quanh amidan;
– Nhiễm trùng vùng sau họng, áp xe cạnh họng;
– Viêm khớp, viêm cầu thận, viêm cơ tim…
Với những trẻ viêm amidan mạn tính thì khi amidan phì đại còn làm bít tắc đường thở. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp với các biểu hiện như khó thở, ngủ ngáy hoặc thậm chí là ngưng thở khi ngủ. Lâu dần, trẻ sẽ mắc phải tình trạng thiếu oxy, khiến các cơ quan khác cũng bị ảnh hưởng như thần kinh, sọ mặt, tim…
3.3. Khi nào mẹ nên tiến hành cắt amidan cho trẻ?
Có nhiều ý kiến cho rằng không nên cắt amidan, nhất là khi trẻ còn quá nhỏ và nếu muốn cắt cũng nên đợi đến khi trẻ lớn, sau 15 tuổi. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ý kiến này là không chính xác. Thực tế, có thể cắt bỏ amidan ở bất kỳ độ tuổi nào nếu cần thiết.
Nếu trẻ ở một trong các trường hợp sau thì mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ tiến hành cắt amidan:
– Amidan phì đại, gây bít tắc đường thở của trẻ;
– Trẻ có cơn ngừng thở khi ngủ hoặc có dấu hiệu rối loạn giấc ngủ;
– Viêm amidan gây biến chứng lên cơ quan tim, thận, khớp, phổi của trẻ;
– Trẻ gặp khó khăn khi ăn, nhai, nuốt;
– Vùng sọ mặt của trẻ bị phát triển bất thường;
– Viêm amidan ở trẻ tái phát trên 3 lần/năm;
– Quanh amidan của trẻ bị áp xe;
– Trẻ bị hôi miệng kéo dài dù đã được điều trị và loại trừ hết các nguyên nhân khác gây hôi miệng;
– Một bên amidan của trẻ bị quá phát, có nguy cơ ung thư;
4. Kết luận
Như đã chia sẻ, amidan là các tổ chức lympho, có vai trò như một cách cổng, bảo hệ hệ thống hô hấp và cơ thể trẻ khỏi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, khi sự tấn công của các virus hoặc vi khuẩn vượt ngoài tầm kiểm soát của amidan sẽ gây ra tình trạng viêm amidan.
Mặc dù có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể nhưng khi bị viêm thì hệ thống các amidan lại trở thành các ổ viêm, gây hại cho sức khoẻ nên cần phải cắt bỏ.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp các cha mẹ phần nào hiểu rõ và hiểu đúng về bệnh để có phương pháp chăm sóc trẻ phù hợp. Cha mẹ cũng đừng quên theo dõi sức khoẻ của trẻ để kịp thời phát hiện và điều trị khi có dấu hiệu trẻ viêm amidan nhé!