Các phương pháp điều trị viêm amidan phù hợp cho người bệnh

Tham vấn bác sĩ

Điều trị viêm amidan cần căn cứ trên nguyên nhân, tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và dự phòng biến chứng. Chính vì thế, không nên đồng nhất phương pháp điều trị viêm amidan với mọi cá nhân. Cùng TCI khám phá những thông tin về việc điều trị và phòng viêm amidan qua bài viết dưới đây để có cách xử trí phù hợp trước bệnh lý này.

1. Khi nào cần điều trị với bệnh viêm amidan?

Viêm amidan là một trong những bệnh lý tai mũi họng thường gặp nhất trong đời sống. Đây là tình trạng viêm nhiễm khu vực amidan (2 khối bạch huyết nằm hai bên cổ họng) do vi khuẩn, virus xâm nhập, với triệu chứng cơ bản là sưng, đỏ, phù nề amidan cùng các biểu hiện đau nhức vùng họng, ho, sốt, hơi thở có mùi… Tùy theo từng cá nhân mà các triệu chứng của viêm amidan có thể rõ ràng hơn, hoặc có thể ít hơn.

Về vấn đề điều trị bệnh, các bác sĩ tai mũi họng TCI cho biết: amidan được vì như hàng rào bảo vệ sức khỏe hô hấp và cơ thể trước các tác nhân có hại. Việc amidan bị viêm nhiễm thường ảnh hưởng đến sức khỏe và gây những bất tiện nhất định trong đời sống.

Bên cạnh đó, viêm amidan khi không được giải quyết triệt để, có thể khiến bệnh dễ dàng tái phát khó điều trị. Bệnh cũng gây viêm tấy, áp xe quanh khu vực amidan và hầu họng, có thể ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của chúng ta. Viêm nhiễm từ amidan dễ dàng lan rộng, gây viêm viêm mũi xoang, viêm họng, viêm VA, viêm thanh quản,… nhiều biến chứng. Đặc biệt, bệnh lý này được cảnh báo nguy cơ viêm cầu thận, viêm màng tim,… khi nguyên nhân bệnh do các vi khuẩn liên cầu nhóm beta gây nên. Do đó, điều trị bệnh viêm amidan ngay từ sớm là điều cần thiết để phục hồi nhanh, tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe lâu dài của bản thân.

cách điều trị viêm amidan

Viêm amidan là bệnh lý quen thuộc cần sớm điều trị để tránh biến chứng

2. Điều trị viêm amidan

Viêm amidan mang những triệu chứng điển hình của các bệnh viêm nhiễm tai mũi họng. Do đó, việc thăm khám và kiểm tra, xác định đúng bệnh là điều cơ bản cần thiết trong điều trị. Rất nhiều trường hợp người bệnh tự ý chẩn đoán và uống thuốc theo thói quen khi điều trị bệnh viêm amidan đã để lại hệ quả xấu mà chúng ta cần lưu ý. Bên cạnh đó, viêm amidan có các cấp độ khác nhau. Việc điều trị bệnh vì thế càng cần sự giúp đỡ của các bác sĩ giúp phân loại bệnh và có chỉ định điều trị phù hợp.

2.1. Điều trị viêm amidan theo nguyên nhân

Viêm amidan được hình thành dựa trên các nhóm tác nhân vi khuẩn và virus:
– Virus: cúm, sởi,…
– Vi khuẩn: các chủng ái khí, yếm khí, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, liên cầu Beta tan huyết nhóm A,…

Với các tác nhân khác nhau, việc điều trị bệnh viêm amidan cũng vì thế mà có những thay đổi nhất định, như việc dùng thuốc gì, thời gian sử dụng thuốc kéo dài bao lâu,…

Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố thuận lợi gây viêm amidan như: thời tiết trở lạnh, ô nhiễm không khí, môi trường ở nhiều bụi, vệ sinh kém, sức đề kháng cơ thể thấp, cơ địa dễ dị ứng, các bệnh viêm nhiễm ở họng miệng biến chứng,… Do đó, việc điều trị bệnh viêm amidan cũng cấn kết hợp phòng tránh những vấn đề này, điều trị đúng bệnh lý nguyên nhân để hiệu quả được đảm bảo và nhanh chóng.

2.2. Điều trị viêm amidan theo triệu chứng, cấp độ

Viêm amidan hiện đang được phân thành 2 dạng: cấp tính và mạn tính.

2.2.1. Viêm amidan cấp tính

Đây là tình trạng viêm amidan mà các triệu chứng bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày hoặc ít hơn. Tình trạng viêm amidan cấp tính có thể được cải thiện với các biện pháp điều trị nội khoa, chữa theo triệu chứng, nâng cao thể trạng, dùng kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn hoặc đe dọa biến chứng, đồng thời kết hợp điều trị nguyên nhân bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp viêm amidan cấp tính liên tục và không đáp ứng điều trị nội khoa, thì việc phẫu thuật có thể là phương pháp cần thiết cho người bệnh.

phương pháp điều trị viêm amidan

Thăm khám cẩn trọng để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp

2.2.2. Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính được xác định khi tình trạng viêm amidan thường xuyên, tái phát nhiều lần và kéo dài hơn tình trạng cấp tính. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể mà tình trạng viêm amidan mạn tính được xếp vào thể quá phát hay thể xơ teo. Xếp loại amidan quá phát đang được đánh giá với các mức độ như sau:

– A1 (A+): amidan to tròn, cuống gọn, chiều ngang amidan nhỏ hơn hoặc bằng ¼ khoảng cách giữa chân hai trụ trước amidan.
– A2 (A++): amidan to, tròn, cuống gọn, chiều ngang amidan nhỏ hơn hoặc bằng ⅓ khoảng cách giữa hai chân trụ trước amidan.
– A3 (A+++): amidan to, tròn, cuống gọn, chiều ngang maidan nhỏ hơn hoặc bằng ½ khoảng cách giữa hai trụ trước amidan.

Với thể amidan mạn tính hoặc tái phát, tùy cấp độ amidan quá phát hoặc xơ teo mà chỉ định điều trị cũng được cân nhắc phù hợp với người bệnh. Trong đó, các trường hợp cần phẫu thuật loại bỏ amidan viêm mạn tính khá phổ biến trong y khoa.

2.3. Các hình thức điều trị với bệnh viêm amidan

2.3.1. Nội khoa

Việc điều trị nội khoa thường sử dụng với các trường hợp viêm amidan cấp tính mới phát hiện hoặc được đánh giá có khả năng đáp ứng điều trị. Khi này, việc sử dụng thuốc điều trị, vệ sinh đúng cách kết hợp nghỉ ngơi và dinh dưỡng phù hợp là các giải pháp được bác sĩ chú ý:

– Giảm đau, hạ sốt (theo từng trường hợp bệnh)
– Kháng sinh: Thường chỉ định nhóm beta lactam với viêm amidan do nhiễm khuẩn, với thể dị ứng thì dùng nhóm macrolid.
– Thuốc nhỏ mũi
– Súc miệng theo chỉ định với dung dịch kiềm ấm
– Nghỉ ngơi phù hợp
– Ăn uống nhẹ nhàng
– Uống nhiều nước
– Các biện pháp nâng đỡ cơ thể: vi lượng, dinh dưỡng, canxi,…

2.3.2. Phẫu thuật amidan

Dù hiện nay, phương pháp cắt amidan được sử dụng khá phổ biến nhưng cần có chỉ định chặt chẽ từ bác sĩ để quyết định hình thức điều trị này.

Chỉ định cắt amidan khi:
– Amidan viêm nhiễm tái phát nhiều lần, thường là từ 5 lần trở lên mỗi năm
– Người bệnh có biến chứng từ viêm amidan (như viêm tấy, áp xe amidan, viêm mũi xoang,…. hoặc các biến chứng nặng).
– Viêm amidan ảnh hưởng đến đường thở (hội chứng Pickwick sleep), khó nói hoặc nuốt

thực hiện điều trị viêm amidan

Một cảnh phẫu thuật amidan tại TCI

Chống chỉ định tuyệt đối cắt amidan với:
– Người có hội chứng chảy máu: ưa chảy máu, rối loạn đông máu
– Bệnh nội khoa như huyết áp, tim, thận, suy gan giai đoạn mất bù,…

Chống chỉ định tương đối cắt amidan với:
– Người đang viêm, nhiễm khuẩn, virus cấp tính
– Đang điều trị biến chứng viêm amidan
– Bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm gan, lao,… chưa ổn định.
– Nữ giới thời kỳ kinh nguyệt, đang mang thai hoặc đang cho con bú
– Trẻ quá nhỏ hoặc người quá lớn tuổi

Với những trường hợp đang dùng thuốc nội tiết, giảm đau, đang tiêm chủng, đang trong khu bệnh dịch truyền nhiễm, cũng cần thận trọng trước khi chỉ định phẫu thuật cắt amidan cho các đối tượng này.

Nhận định:

Nhìn chung, việc điều trị viêm amidan cần được các bác sĩ cân nhắc, lựa chọn trên cơ sở khoa học rõ ràng sau quá trình thăm khám để đưa ra phương pháp phù hợp cho người bệnh. Bệnh cũng để lại những biến chứng khó lường nếu không được điều trị phù hợp. Do đó, khi có những biểu hiện nghi ngờ, cần sớm đến các cơ sở tai mũi họng để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh lâu, khó điều trị và khó kiểm soát biến chứng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital