Đứt dây chằng đầu gối là tổn thương thường gặp do chơi thể thao, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt. Có khoảng 50% những tổn thương dân chằng đầu gối có kèm theo các tổn thương khác như rách sụn chêm, bong sụn khớp…
Menu xem nhanh:
1. Nguyên nhân đứt dây chằng đầu gối
Dây chằng đầu gối là phần nối giữa xương đùi và xương chày, giúp cho khớp gối vững khi co duỗi trước sau. Chính vì vậy nếu chấn thương vào khớp gối theo hướng trước sau sẽ làm cho dây chằng chéo trước bị căng quá mức và bị đứt. Theo nghiên cứu, có khoảng 70% tổn thương dây chằng chéo trước do nguyên nhân chấn thương gián tiếp, trong khi khoảng 30% do chấn thương trực tiếp.
Đối với nam giới, việc đứt dây chằng đầu gối thường xảy ra khi chơi các môn thể thao vận động mạnh như đá bóng, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt. Phụ nữ càng dễ bị đứt dây chằng gối hơn nam giới, vì phụ nữ không có phản xạ tốt khi té ngã bất ngờ.
2. Dấu hiệu nhận biết khi bị đứt dây chằng đầu gối
Bệnh nhân có thể cảm nhận được tiếng “rắc” ngay khi chấn thương. Sau đó gối sưng đau và hạn chế vận động. Dù bệnh nhân có điều trị hay không thì tình trạng sưng đau dần cũng tự hết.
Bệnh nhân có cảm giác chân yếu khi đi lại. Khó khăn khi đứng trụ một chân bên gối lỏng. Khi chạy nhanh có cảm giác khó điều khiển chân, dễ vấp ngã. Khó khăn khi đi xuống dốc hoặc bước xuống cầu thang.
Đùi bên chấn thương nhỏ dần do teo cơ, do đó chân càng ngày càng yếu, nhất là khi cơ đùi teo nhiều.
Dây chằng đầu gối có vai trò quan trọng trong việc làm vững khớp gối. Khi tổn thương dây chằng này thì sự vững chắc của khớp gối bị ảnh hưởng, gối bị lỏng lẻo dẫn đến các hậu quả là: Giảm chức năng gối, đặc biệt trong các hoạt động đòi hỏi di chuyển nhanh, mạnh và đột ngột như chơi các môn thể thao cần di chuyển nhiều như: bóng đá, tennis, bóng chuyền,… Tổn thương thứ phát các thành phần khác của gối trong đó 2 thành phần dễ bị ảnh hưởng nhất là sụn chêm và sụn mặt khớp.
Tổn thương sụn chêm thường gặp là rách sụn chêm dẫn đến biểu hiện đau, kẹt khớp và tràn dịch khớp. Tổn thương sụn khớp dẫn đến hư khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp.
Nếu bị thoái hóa khớp gối thì việc thay khớp gối sẽ phức tạp và tốn kém rất nhiều so với điều trị đứt dây chằng đầu gối.
3. Điều trị đứt dây chằng đầu gối như thế nào?
Trước hết bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa: dùng thuốc và vật lý trị liệu để tăng cường sức vận động cho các cơ vùng khớp gối nhất là nhóm cơ gập, duỗi gối.
Điều này rất có ích cho người bệnh, giúp cho khớp gối đủ vững cho những hoạt động thường ngày. Nếu điều trị thuốc và vật lý trị liệu không đem lại hiệu quả, gối còn lỏng thì nên phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo đầu gối.
Hiện nay, hầu hết bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo đầu gối thường chọn kỹ thuật mổ nội soi. So với mổ hở mổ nội soi có nhiều ưu thế hơn là: thời gian phẫu thuật nhanh, bằng đường rạch da nhỏ, đưa dụng cụ và camera vào khớp gối để soi kiểm tra, người bệnh ít đau, vết mổ nhỏ, hồi phục nhanh, đặc biệt dây chằng mới được đặt đúng vị trí nên khớp gối gấp duỗi có cơ năng hoạt động bình thường, có thể chơi thể thao.