Đột quỵ não hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Đây là “nỗi ám ảnh” của nhiều người, bởi chỉ cần nghe nhắc đến thôi cũng thấy sợ hãi vì những di chứng nặng nề mà căn bệnh này gây ra: khoảng 50% ca đột quỵ là tử vong, gần 90% người còn sống sau tai biến mạch máu não phải gánh chịu các di chứng có thể đeo bám đến suốt đời như: liệt vận động, suy giảm nhận thức, rối loạn ngôn ngữ,… Nguy hiểm hơn là đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về đột quỵ não.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ não có hai dạng chính
1.1 Nhồi máu não: chiếm tỷ lệ hơn 80% các ca đột quỵ não
Hay còn gọi là đột quỵ thể thiếu máu cục bộ. Đây là loại đột quỵ chiếm tỷ lệ cao (gần 80%) các trường hợp đột quỵ.
Nguyên nhân gây đột quỵ não thường do dòng máu lên não bị tắc do cục máu đông hình thành tại chỗ hoặc từ tim di chuyển lên não hay các mảng bám lòng mạch do xơ vữa động mạch hình thành. Khiến lòng mạch bị co hẹp, máu không lưu thông đủ để cung cấp cho các tế bào não, các tế bào não khi này không nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng sẽ bị tổn thương không hồi phục “tế bào não bị chết đi”.
Hoặc có thể do áp lực bơm máu do tim bị hạn chế do tim co bóp và bơm máu không đủ, khiến máu không cung cấp đủ lên não gây tổn thương các tế bào não.
Có một dạng bệnh lý được coi là “tiền đột quỵ” đó là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA). Cơn thiếu máu não thoáng qua thường chỉ diễn ra vài giây hoặc vài phút hoặc trong vòng 24 giờ, sau đó sẽ hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng về sau như đột quỵ. Tuy nhiên, khi cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra, người bệnh sẽ có nguy cơ rất cao bị đột quỵ thực sự trong tương lai nếu như không kiểm soát tốt nguyên nhân hoặc các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ thiếu máu não là do xơ vữa động mạnh. Thiếu máu não thoáng qua (TIA) cũng phần lớn là do mạch máu não bị co thắt.
1.2 Xuất huyết não: chiếm khoảng 20% các ca đột quỵ não
Mặc dù không thường gặp như đột quỵ nhồi máu não nhưng đột quỵ xuất huyết não lại có mức độ nguy hiểm cao hơn rất nhiều, tiên lượng tử vong cao.
Nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não là do: vỡ mạch máu, vỡ túi phình mạch máu. Mạch máu có chỗ bị yếu, máu lưu thông qua lâu ngày dễ bị phồng lên và vỡ.
Đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp vỡ túi phình mạch máu vì tiên lượng tử vong trong trường hợp này rất cao. Bởi túi phình thường chứa một lượng máu nhất đinh, khi vỡ máu sẽ chảy ra ồ ạt, tỷ lệ người bệnh được cấp cứu khi kịp đến bệnh viện là rất thấp.
Xuất huyết não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những thường gặp ở những đối tượng có các yếu tố nguy cơ sau: có bệnh sử về túi phình mạch máu não, có tiền căn gia đình bị xuất huyết dưới nhện (do vỡ túi phình mạch não), có các bệnh lý di truyền như hội chứng Marfan, thận đa nang, hội chứng Ehlers-Danlos type 4, dị dạng mạch máu não (có túi phình) từ bẩm sinh,….
Tuy nhiên, không phải cứ có túi phình là nó sẽ bị vỡ. Đối với các túi phình nhỏ, 50 – 80% không vỡ trong suốt cuộc đời. Do đó, không phải ai cũng cần chụp hình não để tầm soát túi phình. Vì lỡ chụp ra có túi phình nhỏ, rồi làm gì nữa, phần lớn sẽ không can thiệp. Nhưng lúc đó, người bệnh lại ăn không ngon ngủ không yên vì có túi phình.
2. Làm gì khi có nguy cơ đột quỵ?
Trước tiên, nếu gia đình có người thân từng đột quỵ, thân nhân cần phải khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ đã kể trên để có thể điều trị kịp thời.
Nếu bị tăng huyết áp, cần khám bệnh và sử dụng thuốc đều đặn theo toa của bác sĩ. Người bệnh cần tư vấn của bác sĩ điều trị để biết mức huyết áp cũng như cách tự theo dõi tại nhà. Tránh ăn mặn, năng vận động cũng có thể làm giảm một phần huyết áp.
Nếu bị cơn thiếu máu não thoáng qua, thân nhân của người bệnh cần biết các triệu chứng của bệnh (giống như bị đột quỵ) để có thể phát hiện bệnh kịp thời. Khi có triệu chứng gợi ý đột quỵ thì phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đơn vị can thiệp đột quỵ để được điều trị càng sớm càng tốt.
Nếu bị rung nhĩ (một dạng rối loạn nhịp tim), cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và cho thuốc phòng tránh có cục máu đông trong tim. Nếu cục máu đông hình thành trong tim thì nguy cơ bị tắc mạch máu rất cao (trong đó có mạch máu não).
Nếu bị rối loạn mỡ máu, cần năng vận động, tránh ăn mỡ dầu và các thức ăn chiên xào, ăn nhiều rau. Đối với chất đạm, có thể ăn cá, ít ăn thịt. Nếu các thay đổi trên không cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu, thì bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc.
Nếu bị đái tháo đường, đây là bệnh lý cần điều trị tổng hợp và lâu dài. Biến chứng thường gặp nhất của đái tháo đường là biến chứng mạch máu, thường gặp là nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết não.
Các biện pháp điều trị bao gồm, thay đổi lối sống theo hướng tăng cường vận động, sống lành mạnh, ăn uống hợp lý. Kết hợp với dùng thuốc. Mục tiêu là phải kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, kiểm soát lượng mỡ trong máu, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu.
Nếu bị bệnh lý ngưng thở lúc ngủ. Đây là tình trạng thường gặp ở người béo phì (người không béo phì cũng có thể gặp). Ban đêm khi ngủ, bệnh nhân thường ngáy rất to, xen kẽ những cơn ngừng thở. Bác sĩ chuyên khoa hô hấp sẽ thăm khám và điều trị những trường hợp ngưng thở lúc ngủ. Về cân nặng lúc sinh, không có cách nào khác là phải đảm bảo khám thai đúng lịch, dinh dưỡng cho bà mẹ đầy đủ, theo dõi thai kỳ và tiêm ngừa đầy đủ trong quá trình mang thai.
Ngoài ra, đột quỵ cũng có thể xuất phát từ các nguy cơ khác như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì, ít vận động, sử dụng thuốc ngừa thai uống, căng thẳng tâm lý. Đây là các yếu tố có thể giảm thiểu hoặc loại trừ hẳn. Việc loại trừ các yếu tố nguy cơ này cần có quyết tâm và thực hiện lâu dài.