Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là một tình huống cấp cứu trong y khoa, đặc trưng bởi tình trạng ngừng cung cấp máu đột ngột cho não. Đột quỵ não có nguy hiểm không, làm thế nào để nhận biết và phòng tránh, mời các bạn cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Đột quỵ não có gây nguy hiểm cho người bệnh không?
Đột quỵ não là tình trạng não bị ngừng cung cấp máu đột ngột do tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não, dẫn tới thiếu hụt oxy và dưỡng chất cần thiết cho các hoạt động của não bộ. Đây là tình trạng cấp tính vô cùng nguy hiểm.
Điều này trước hết xuất phát từ nhu cầu oxy của não bộ. Tuy có trọng lượng rất nhỏ nhưng não tiêu thụ đến 20% dưỡng khí của toàn cơ thể để duy trì hoạt động và điều khiển các cơ quan khác. Do đó não rất nhạy với tình trạng thiếu oxy. Cụ thể, chỉ cần 10 giây không được cung cấp đầy đủ máu, mô não đã bắt đầu rơi vào trạng thái rối loạn. Nếu thiếu oxy và dưỡng chất trong vòng 4 phút, các tế bào thần kinh sẽ bị hoại tử ngay mà không thể hồi phục.
Người bệnh có thể tử vong ngay lập tức, tỷ lệ lên tới 50% các trường hợp đột quỵ. Nếu được cấp cứu kịp, bệnh nhân cũng phải gánh chịu những di chứng nặng nề, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc, cuộc sống.
Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu theo số liệu năm 2019 thì đột quỵ đứng thứ 2 (chiếm 11%), chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ (16%). Như vậy đột quỵ đang trở thành gánh nặng lớn đối với toàn cầu.
2. Mức độ nguy hiểm của đột quỵ phụ thuộc vào những yếu tố nào?
2.1 Các dạng đột quỵ não theo nguyên nhân
Xét theo nguyên nhân, đột quỵ được chia thành 2 loại là đột quỵ thiếu máu não (nhồi máu não) và đột quỵ chảy máu não (xuất huyết não). Trong đó, xuất huyết huyết não là dạng đột quỵ do vỡ mạch máu não gây ra, dẫn đến tràn máu vào nhu mô não. Bệnh chỉ chiếm 20% các trường hợp đôt quỵ não nhưng lại nguy hiểm hơn so với với nhồi máu não.
2.2 Mức độ tiến triển của đột quỵ
Tổ chức y tế thế giới WHO định nghĩa tai biến mạch máu não là tổ hợp các biểu hiện các rối loạn về chức năng thần kinh (như hôn mê, liệt nửa người, nói đớ, nuốt sặc…) xuất hiện nhanh, đột ngột và thường tồn tại quá 24 giờ, không có chấn thương sọ não.
Dựa vào tiến triển của bệnh trong 2 đến 3 tuần đầu, đột quỵ não được chia thành 5 loại như sau:
– Khỏi hoàn toàn trước 24 giờ: Được gọi là thiếu máu não cục bộ thoáng qua hoặc đột quỵ nhẹ. Đây không phải đột quỵ thực sự nhưng được coi là yếu tố nguy hiểm vì những người gặp phải hiện tượng này có thể bị đột quỵ thực sự sau đó nếu không quan tâm điều trị và phòng ngừa.
– Khỏi hoàn toàn sau 24 giờ bị liệt: Còn gọi là thiếu máu não có hồi phục.
– Khỏi một phần và di chứng kéo dài: Bệnh nhân có thể hồi phục một phần nhưng để lại những di chứng về sau.
– Không hồi phục hoặc nặng lên liên tục: Tình trạng này rất nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong.
– Tử vong: Cấp độ nguy hiểm nhất.
2.3 Thời gian phát hiện và cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não
Theo các chuyên gia Nội thần kinh, thời điểm cấp cứu đột quỵ lý tưởng thường là 3 – 6 giờ đầu tính từ khi phát bệnh. Nếu bệnh nhân bị nhồi máu não được đưa đến bệnh viện và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối thì khả năng phục hồi sẽ rất khả quan. Nếu bỏ qua thời gian vàng này, người bệnh có nguy cơ tử vong hoặc tàn phế nặng. Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 2-3% bệnh nhân bị tai biến do thiếu máu não được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đúng thời điểm giờ vàng.
3. Làm thế nào để nhận biết đột quỵ, giảm thiểu nguy hiểm
3.1 Các dấu hiệu nhận biết
Đột quỵ não đôi khi xảy ra bất ngờ, không hề có triệu chứng, người bệnh đột nhiên ngất đi, chìm vào hôn mê sâu và tử vong. Nhưng đa phần các trường hợp có thể nhận biết bằng các dấu hiệu sau:
– Đột nhiên cảm thấy cơ thể mệt mỏi, không còn sức lực
– Tê cứng cả mặt hoặc một nửa mặt, cười méo
– Cử động một cách khó khăn, không phối hợp được các hoạt động hoặc không thể cử động chân tay, căng cứng, tê liệt một bên cơ thể, đặc biệt là không thể cùng lúc nâng hai cánh tay qua đầu
– Khó phát âm, nói ngọng, nói líu một cách bất thường, khó hoặc không thể thực hiện những câu đơn giản mà mình được yêu cầu nhắc lại
– Hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột
– Thị lực giảm nghiêm trọng, mắt mờ, không thể nhìn rõ những vật dù ở gần
– Đau đầu dữ dội, đột ngột, thậm chí người bệnh có thể thấy buồn nôn hoặc nôn
3.2 Cần làm gì khi gặp các dấu hiệu đột quỵ trên?
Nếu gặp đồng thời 2-3 triệu chứng trên, bạn cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thần kinh để được xử trí kịp thời, tránh những nguy hiểm tới tính mạng, hạn chế di chứng.
Như đã nói ở trên, nhiều trường hợp, các dấu hiệu của cơn đột quỵ có thể chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Khi gặp phải tình trạng này, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám ngay chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm, phòng tránh nguy cơ đột quỵ thực sự.
Tóm lại, đột quỵ não là tình trạng rất nguy hiểm, đòi hỏi sự khẩn trương từng phút từng giây mới có thể cứu sống người bệnh. Hãy lắng nghe cơ thể để nhận thấy những “tín hiệu” cảnh báo nhỏ nhất giúp cứu sống bạn hoặc những người xung quanh trong gang tấc. Để chăm sóc hệ thần kinh và phòng ngừa đột quỵ có thể xảy ra, bạn nên thực hiện lối sống khoa học và chủ động tầm soát sớm các yếu tố như nguy cơ đột quỵ như bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp theo định kỳ.