Để đạt thành công và hiệu quả cao, khi doanh nghiệp khám sức khỏe cho người lao động lưu ý những gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết phân tích dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Hiểu về pháp luật trước khi tổ chức khám tổng quát công ty
Trước hết, việc tầm soát định kỳ cho cán bộ nhân viên không phải tự phát hay tùy ý. Đây là trách nhiệm bắt buộc của doanh nghiệp với người lao động. Quá trình thực hiện phải tuân theo những quy định của pháp luật.
1.1. Khám sức khỏe cho người lao động lưu ý đảm bảo theo quy định
Nhiều điều luật, văn bản pháp luật Việt Nam đã hướng dẫn chi tiết mọi vấn đề xung quanh việc khám sức khỏe công ty. Quyền lợi được khám của người lao động và nhiệm vụ khám của người sử dụng lao động được đề cập tại:
– Luật lao động 2012, điều 152 về chăm sóc sức khỏe cho người lao động
– Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, điều 21
– Thông tư 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế
– Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về khám sức khỏe
Theo đó, doanh nghiệp phải tổ chức tầm soát cho cán bộ nhân viên định kỳ từ 1 – 2 lần/năm. Đặc biệt, với những người lao động cao tuổi, người chưa thành niên, người làm trong môi trường nặng nhọc, độc hại, người khuyết tật,… được khám ít nhất 6 tháng/lần.
Tổng hợp các nghề nghiệp, công việc độc hại, nguy hiểm được liệt kê trong thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội.
Thông tư 14/2013/TT-BYT
Riêng với thông tư 14 hướng dẫn chi tiết các bước, giúp doanh nghiệp đủ khả năng tổ chức khám định kỳ. Các nội dung bao gồm:
– Quy định
– Điều kiện của cơ sở y tế khám, chữa bệnh
– Hồ sơ khám sức khỏe
– Quy trình khám
– Thủ tục, nội dung, danh mục khám
– Trách nhiệm thực hiện
– Điều khoản thi hành
Như vậy, mọi nội dung cần thiết cho việc khám định kỳ người lao động đều được các điều luật quy định rõ ràng, cụ thể. Lãnh đạo cần tìm hiểu kỹ để đảm bảo thực hiện đúng – đủ – hiệu quả.
1.2. Xử phạt với doanh nghiệp trốn kiểm tra cho nhân viên thường niên
Trong Nghị định 28/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành vào ngày 01/03/2020 có quy định rõ về mức phạt với cá nhân và doanh nghiệp không khám tổng quát thường niên cho cán bộ nhân viên. Cụ thể:
Khoản 2 của điều 21 trong Nghị định 28
Người sử dụng lao động không tổ chức tầm soát định kỳ sẽ bị phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng/người lao động nhưng không quá 75 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp không tổ chức khám sẽ bị phạt gấp 02 lần so với mức phạt cá nhân, tức lên tới 150 triệu đồng.
Khoản 3 của điều 21 trong Nghị định 28
Người lao động trước khi chuyển sang làm nghề, công việc độc hại, nặng nhọc, hoặc trở lại công việc sau khi bình phục khỏi bệnh nghề nghiệp sẽ được khám sức khỏe. Người sử dụng lao động không tổ chức khám sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng/người lao động nhưng không quá 75 triệu đồng.
2. Doanh nghiệp chọn địa chỉ khám sức khỏe cho người lao động lưu ý gì?
Việc chọn cơ sở y tế đồng hành thực hiện tầm soát định kỳ là vô cùng quan trọng. Nó quyết định trực tiếp tới hiệu quả và thành công của buổi khám. Lãnh đạo cần chú ý một số vấn đề sau khi lựa chọn:
2.1. Uy tín của địa chỉ tầm soát
Không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện khám sức khỏe cho người lao động. Đối với những doanh nghiệp làm việc ở lĩnh vực đặc thù như thực phẩm, quân đội,… thì nơi khám lại càng cần được lựa chọn kỹ. Hiện nay có nhiều bệnh viện, phòng khám tư có cung cấp dịch vụ tầm soát định kỳ. Tuy nhiên doanh nghiệp nên hợp tác với những địa chỉ uy tín, rõ ràng, công khai hoạt động và dịch vụ.
2.2. Năng lực khám chữa
Khi chọn nơi kiểm tra sức khỏe, dù là cá nhân hay doanh nghiệp cũng luôn hướng tới địa chỉ quy tụ đội ngũ y bác sĩ hàng đầu. Những lương y không chỉ có chuyên môn cao, còn cần có bề dày kinh nghiệm thăm khám cùng sự nhiệt tình tư vấn, chia sẻ. Các lãnh đạo cần chú ý những yêu cầu tối thiểu về nhân sự theo thông tư 14.
Người thực hiện
– Người thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh (KBCB) theo quy định của Luật KBCB phù hợp với chuyên khoa mà người đó đảm nhiệm
– Người thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng nhưng pháp luật không quy định thì phải có chứng chỉ hành nghề KBCB thì phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp
Người kết luận
– Bác sỹ có chứng chỉ hành nghề KBCB và có thời gian KBCB ít nhất là 54 (năm mươi tư) tháng
– Được người đủ thẩm quyền của cơ sở KSK phân công thực hiện việc kết luận sức khỏe, ký giấy tờ khám,…. Việc phân công thể hiện bằng văn bản và có đóng dấu hợp pháp của cơ sở KBCB
Đối với cơ sở KSK cho lao động người nước ngoài cần bổ sung thêm:
– Người thực hiện khám lâm sàng, người kết luận bắt buộc phải là bác sỹ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sỹ y khoa trở lên
– Có phiên dịch viên khi người được KSK và người KSK không cùng thành thạo một thứ tiếng. Phiên dịch viên phải có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch trong KBCB theo quy định của Luật KBCB
2.3. Cơ sở vật chất
Một cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại sẽ đem lại hiệu quả khám chữa cao. Nhưng đi kèm đó giá cả cũng sẽ khác nhau. Tùy theo nhu cầu của mỗi công ty sẽ chọn bệnh viện phù hợp nhưng tối thiểu cần đảm bảo:
– Có phòng khám lâm sàng, cận lâm sàng từng chuyên khoa theo quy định của Bộ Y tế phù hợp với nội dung KSK
– Có đủ cơ sở vật chất và thiết bị y tế thiết yếu theo quy định tại phụ lục 4 ban hành kèm theo thông tư 14
2.4. Khoảng cách địa lý
Với những doanh nghiệp đặt tại các thành phố lớn sẽ rất tiện lợi bởi sự đa dạng và tiện lợi khi chọn nơi khám. Nhưng với doanh nghiệp ở tỉnh xa thì lại khó khăn. Họ ít lựa chọn, phát sinh chi phí đi lại, ăn ở, hiệu quả khám bị ảnh hưởng. Để giải quyết vấn đề này, nhiều bệnh viện đã cung cấp dịch vụ khám tận nơi. Lãnh đạo hãy tham khảo và quyết định.
2.5. Chi phí
Giá cả là vấn đề của bất cứ công ty nào khi tổ chức tầm soát. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn với các mức giá khác nhau. Chi phí sẽ phụ thuộc vào gói khám, dịch vụ đi kèm, số lượng nhân viên,… Tùy thuộc vào tài chính, đặc thù công việc, yêu cầu riêng mà mỗi công ty sẽ có những chọn lựa riêng phù hợp với mình. Để đảm bảo chất lượng khám, lãnh đạo cũng lưu ý không nên chọn nơi quá rẻ hay không rõ ràng chi phí.
Với những lưu ý trên, hy vọng những chủ doanh nghiệp đã phần nào hiểu rõ những khía cạnh khác của việc khám định kỳ cho cán bộ nhân viên. Từ đó mọi người có quyết định đúng đắn, hợp lý, chuẩn pháp luật.