Ở Việt Nam, ung thư cổ tử cung là loại ung thư rất phổ biến ở nữ giới. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn được bệnh nhờ phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung.
Menu xem nhanh:
1. Ung thư cổ tử cung biểu hiện qua triệu chứng nào?
Ung thư cổ tử cung có thể gây chảy máu, tiết ra các dịch âm đạo không bình thường hoặc chảy máu sau khi quan hệ tình dục. Có thể có các nguyên nhân khác không phải ung thư gây ra các triệu chứng trên. Nhưng nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong số đó, hãy đến gặp bác sĩ.
Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu rất khó phát hiện vì một vài trường hợp không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào. Bởi vậy tốt nhất, bạn hãy định kỳ khám sàng lọc ung thư cổ tử cung.
2. Phương pháp tầm soát giúp phát hiện ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV là hai cách có thể giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
– Xét nghiệm Pap giúp tìm kiếm biểu hiện tiền ung thư, những thay đổi tế bào có thể trở thành ung thư cổ tử cung nếu không được điều trị.
– Xét nghiệm HPV giúp tìm loại virus có thể gây ra những thay đổi tế bào này.
Cả hai xét nghiệm đều phải được thực hiện tại bệnh viện, phòng khám dưới sự chỉ đạo của bác sĩ. Trong quá trình xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ bằng nhựa hoặc kim loại, được gọi là “mỏ vịt”, để mở rộng âm đạo của bạn. Việc này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra âm đạo và cổ tử cung, đồng thời lấy mẫu một vài tế bào, chất nhầy từ cổ tử cung và khu vực xung quanh. Các tế bào này sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm.
3. Bao giờ nên tầm soát ung thư cổ tử cung?
3.1. Độ tuổi từ 21 đến 29
Bạn nên bắt đầu làm xét nghiệm tầm soát ung thư từ khi 21 tuổi. Nếu kết quả xét nghiệm Pap bình thường, bạn có thể đợi thêm 3 năm nữa để làm xét nghiệm Pap tiếp theo.
3.2. Độ tuổi 30 đến 65
Hãy hỏi bác sĩ để nhận được sự tư vấn thích hợp trong số sau:
– Chỉ xét nghiệm Pap: Nếu kết quả bình thường, 3 năm nữa bạn mới cần làm tiếp xét nghiệm Pap.
– Chỉ xét nghiệm HPV: Nếu kết quả bình thường, 5 năm nữa bạn mới cần làm tiếp xét nghiệm HPV.
– Kết hợp xét nghiệm HPV và PAP: Nếu kết quả bình thường, 5 năm nữa bạn mới cần khám tầm soát ung thư tiếp.
3.3. Trên 65 tuổi
Bạn sẽ không cần phải khám tầm soát ung thư cổ tử cung nữa nếu thuộc một trong hai trường hợp:
– Các năm trước đã có kết quả bình thường khi xét nghiệm tầm soát.
– Bạn đã cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung vì các tình trạng không phải ung thư, ví dụ như u xơ tử cung.
4. Phải chuẩn bị thế nào trước ngày tầm soát ung thư cổ tử cung?
Bạn không nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung vào ngày có kinh nguyệt. Hai ngày trước khi đi xét nghiệm, bạn nên tránh làm các điều sau:
– Không thụt rửa âm đạo.
– Không sử dụng tampon.
– Không quan hệ tình dục.
– Không bôi kem hoặc thuốc vào trong âm đạo.
5. Kết quả tầm soát
Quá trình tầm soát ung thư cổ tử cung đến khi nhận được kết quả có thể mất khoảng 3 tuần. Nếu xét nghiệm phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ liên hệ và hướng dẫn cách theo dõi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả bất thường. Bạn nên biết rằng kết quả bất thường không có nghĩa bạn chắc chắn bị ung thư cổ tử cung.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy các tế bào không bình thường và có thể phát triển thành ung thư, bác sĩ sẽ thông báo nếu bạn cần điều trị. Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị sẽ ngăn ngừa ung thư cổ tử cung phát triển. Quan trọng là bạn nên gặp bác sĩ sớm nhất có thể để biết thêm về kết quả xét nghiệm của mình và được hướng dẫn các phương pháp điều trị cần thiết.
Nếu kết quả xét nghiệm bình thường thì khả năng bạn bị ung thư cổ tử cung trong vài năm tới là rất thấp. Bạn có thể đợi 3 – 5 năm để làm xét nghiệm tầm soát ung thư tiếp theo. Tuy nhiên trong thời gian đó, bạn vẫn nên đến bác sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe.