Điều trị viêm dạ dày tá tràng cần lưu ý những gì?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Viêm dạ dày tá tràng là bệnh lý tiêu hóa thường gặp, đặc trưng bởi những cơn đau vùng thượng vị. Ở giai đoạn đầu, viêm dạ dày tá tràng có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn viêm loét mãn tính, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Dưới đây là những lưu ý người bệnh cần lưu tâm để đảm bảo điều trị viêm dạ dày tá tràng đem lại hiệu quả.

1. Viêm dạ dày tá tràng xảy ra do đâu?

1.1 Do nhiễm khuẩn HP dạ dày

Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là một trong những tác nhân chính gây viêm dạ dày – tá tràng. Loại vi khuẩn này xâm nhập và trú ngụ tại niêm mạc dạ dày, tiết ra enzyme và các độc tố làm suy giảm chức năng bảo vệ niêm mạc. Lúc này, tại niêm mạc dễ dàng hình thành những tổn thương gây viêm.

Vi khuẩn HP lây truyền từ người sang người qua đường miệng – miệng, phân miệng, đường khác (nội soi)…

1.2 Lạm dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm

Sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc không chứa steroid (NSAIDs) có thể làm khởi phát hoặc trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh dạ dày – tá tràng. Đây là nhóm thuốc tan kém trong môi trường acid nên khi tích tụ đến một lượng nhất định sẽ trực tiếp kích thích gây viêm, loét hoặc chảy máu tại dạ dày. Thuốc cũng gây ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp prostaglandin – hoạt chất trung gian có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột.

1.3 Các yếu tố nguy cơ khác

– Thường xuyên hút thuốc lá: Nicotine trong thuốc lá đã được chứng minh có khả năng kích thích và phá huỷ nhiều bộ phận của cơ thể. Đối với dạ dày, nicotine kích thích sản sinh cortisol – tác nhân gây viêm dạ dày tá tràng. Đồng thời làm cho cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị suy yếu, tăng nguy cơ viêm loét.

– Uống nhiều rượu bia và các đồ uống có cồn có thể phá hủy lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Mặt khác, các loại đồ uống này còn làm tăng tiết acid dịch vị, tạo thành những tổn thương viêm loét. Người bệnh có thể gặp các triệu chứng ợ hơi, ợ chua, trào ngược, nóng rát…

– Stress: Các nghiên cứu cũng chỉ ra căng thẳng thần kinh có thể ảnh hưởng đến tất cả các phần của hệ thống tiêu hoá. Khi bị stress, lưu lượng máu không được đẩy đến dạ dày, ảnh hưởng đến cơ bóp tiêu hóa và giảm tiết cần thiết để tiêu hoá thức ăn. Tình trạng này xảy ra liên tục sẽ gây viêm dạ dày tá tràng. 

– Ăn uống, sinh hoạt không khoa học bào gồm: thức khuya, bỏ bữa, ăn uống không đúng giờ, ăn quá nhiều hay lười vận động… cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng viêm dạ dày tá tràng cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

2. Hệ quả của viêm dạ dày tá tràng

Viêm dạ dày tá tràng nếu không được điều trị sẽ tiến triển thành mạn tính, gây khó khăn trong điều trị. Nghiêm trọng hơn, bệnh cũng có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

2.1 Loét dạ dày tá tràng

Tình trạng viêm khi diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn tới loét. Người bị viêm loét dạ dày tá tràng thường cảm thấy đau, nóng rát vùng thượng vị… Các vết loét dạ dày tá tràng thường xảy ra tại dạ dày chiếm 60%, ở tá tràng chiếm 95% và 25% tại bờ cong nhỏ dạ dày.

2.2 Xuất huyết tiêu hóa trên

Nguyên nhân viêm dạ dày tá tràng chiếm 35 – 50% các trường hợp xuất huyết ống tiêu hoá. Bệnh nhân chảy máu đường tiêu hoá đặc trưng bởi các dấu hiệu như: nôn ra máu, đi ngoài phân đen. Trường hợp mất máu cấp có thể gây chóng mặt, giảm huyết áp, hạ thân nhiệt, ngất đi… Tình trạng mất nhiều máu có thể nguy hiểm đến tính mạng. 

2.3 Thủng dạ dày – tá tràng

Là một trong các bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nghiêm trọng, biểu hiện bởi các cơn đau bụng đột ngột và dữ dội, nôn, vã mồ hôi, bí trung đại tiện… Lúc này, người bệnh cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ tử vong.

2.4 Hẹp môn vị

Biểu hiện chung bởi tình trạng lưu thông thức ăn, dịch dạ dày xuống tá tràng bị cản trở một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Điều này dẫn đến dạ dày bị giãn to, dịch và thức ăn ứ đọng gây rối loạn chuyển hóa nước, điện giải, toàn thân suy kiệt. Đây cũng là biến chứng nghiêm trọng cần điều trị bằng phẫu thuật mà người bệnh không nên chủ quan.

Người bệnh được chẩn đoán hẹp môn vị, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật

Người bệnh được chẩn đoán hẹp môn vị, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật

3. Điều trị viêm dạ dày tá tràng cần chú ý những gì?

3.1 Tuân thủ phác đồ điều trị viêm dạ dày tá tràng 

Một liệu trình điều trị y tế cho người mắc bệnh viêm dạ dày tá tràng có thể được kết hợp bởi nhiều loại thuốc, trong đó phổ biến bốn nhóm sau:

Thuốc diệt vi khuẩn Hp: rất quan trọng trong việc quản lý các bệnh lý tiêu hóa. Người bệnh được chẩn đoán dương tính với HP trong các trường hợp cụ thể sẽ được kê đơn kháng sinh để đối phó với loại vi khuẩn đường ruột này.

Thuốc trung hòa axit: hoạt động như một chất đệm cho acid dạ dày bằng cách làm tăng độ pH trong môi trường dạ dày để giảm lượng axit dư thừa.

Thuốc giảm tiết axit: là một biện pháp khác nhằm giảm bớt axit trong dạ dày. Loại thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế ức chế, ngăn bài tiết axit, dễ thấy ở hai loại thuốc thông dụng là: thuốc ức chế bơm proton và thuốc chẹn H2.

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: có tác dụng tạo chất nhầy bao phủ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ làm lành các ổ viêm loét và ngăn ngừa những tổn thương mới.

Đặc biệt, trong điều trị viêm dạ dày tá tràng, để đem lại hiệu quả, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế uy tín để được tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cũng tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc hay bỏ liều vì có thể dẫn đến điều trị thất bại và bệnh tái đi tái lại không thể chữa khỏi.

Điều trị viêm dạ dày tá tràng hiệu quả bẳng thuốc

Điều trị viêm dạ dày tá tràng hiệu quả bẳng thuốc

3.2 Chế độ dinh dưỡng cho người viêm dạ dày tá tràng

Những thực phẩm nên ăn:

– Sữa, trứng có tác dụng như chất đệm giúp trung hòa lượng axit trong dạ dày. 

– Thức ăn có chứa nhiều đạm dễ tiêu như các loại thịt nạc.

– Các loại rau củ họ cải chứa nhiều vitamin hỗ trợ làm liền các tổn thương tại dạ dày tá tràng.

– Thức ăn từ tinh bột dễ tiêu như: cơm, cháo, bánh mì…

– Các loại dầu chế biến từ các loại hạt như là dầu hướng dương, dầu vừng, dầu hạt cải, hoặc dầu đậu nành…

Những thực phẩm không nên ăn:

– Đồ ăn chế biến sẵn như mỳ tôm, xúc sích, thịt cá hộp…

– Các loại thức ăn cứng, dai, nhiều gân, sụn, xơ,…

– Thức ăn nhiều gia vị nồng, cay, chua như tỏi, ớt, dưa chua…

– Các loại quả nhiều axit như chanh, cóc, xoài xanh, sấu ….

– Đồ uống có gas, caffein như nước ngọt, cà phê…

– Hạn chế tối đa đồ uống có cồn như bia, rượu. 

3.3 Xây dựng lối sống lành mạnh giúp điều trị viêm dạ dày tá tràng 

Người bệnh nên tập thói quen ăn uống khoa học: ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa, không để bụng quá đói hoặc ăn quá no, ăn chậm, nhai kĩ, không nằm luôn hay vận động mạnh ngay sau khi ăn…

Dừng hoặc hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng viêm, giảm đau. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn các loại thuốc thích hợp, ít ảnh hưởng đến dạ dày hoặc sử dụng kết hợp với các loại thuốc hỗ trợ dạ dày…

Bệnh nhân cũng cần có ý thức chủ động thăm khám bác sĩ khi có triệu chứng bất thường tại hệ tiêu hóa, thậm chí khi có tình trạng viêm nhiễm: răng, tai – mũi – họng…

Duy trì vận động phù hợp, tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày để có sức khỏe tốt và tinh thần sảng khoái.

Nghỉ ngơi hợp lí, bồi dưỡng đời sống tinh thần phong phú, tránh căng thẳng, lo âu.

Điều trị viêm dạ dày tá tràng ở giai đoạn đầu rất dễ dàng và cho hiệu quả kết quả tích cực. Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan, khiến bệnh biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh và gây tốn kém trong điều trị sau này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital