Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ là một trong những việc làm rất quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý trong suốt thai kỳ. Việc khám thai không chỉ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé mà còn đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời những bất thường xảy ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ bầu tìm hiểu về các mốc khám thai cần lưu ý để từ đó chăm sóc thai kỳ của mình được tốt nhất.
Menu xem nhanh:
1. Ý nghĩa của việc khám thai định kỳ đối với mẹ bầu?
Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần được chăm sóc sức khỏe thông qua việc khám thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé một cách tốt nhất. Thông qua việc khám thai theo định kỳ, bác sĩ Sản khoa sẽ nắm được tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi, từ đó tư vấn mẹ các phòng tránh và hạn chế những nguy cơ xấu có thể xảy ra trong suốt thai kỳ.
Việc mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai theo lịch hẹn của bác sĩ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ rủi ro của mẹ và thai nhi so với những mẹ bầu không thăm khám đều đặn. Bên cạnh đó, những đứa trẻ được sinh ra từ các mẹ bầu không khám thai đều đặn thường có tỷ lệ trọng lượng nhẹ hơn so với các mẹ bầu thường xuyên khám thai.
2. Những mốc khám thai định kỳ chuẩn mẹ bầu cần lưu ý
2.1 Các mốc khám thai định kỳ trong 3 tháng đầu
Ở 3 tháng đầu của thai kỳ thông thường mẹ bầu sẽ trải qua 3 lần khám khai:
– Mốc khám khám đầu tiên (khi trễ kinh 1 tuần): Đây là mốc khám quan trọng để bác sĩ có thể chẩn đoán và đánh giá xem mẹ có thực sự mang thai không và thai nhi đã làm tổ đúng vị trí hay chưa. Bên cạnh đó, ở lần khám này, ngoài việc siêu âm mẹ bầu cũng sẽ được thực hiện một số xét nghiệm quan trọng như: đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, xét nghiệm máu, nước tiểu…
Ngoài ra, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho mẹ một số vấn đề trong thai kỳ như:
+ Tư vấn cho mẹ về chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
+ Bổ sung thêm axit folic nhằm ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi.
+ Tư vấn thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước sinh mà mẹ có thể phải thực hiện trong thai kỳ đồng thời hẹn lịch cho lần khám tiếp theo.
– Ở lần khám thứ 2 (thai nhi tầm 8 tuần tuổi): Ở mốc khám thai này mẹ bầu vẫn tiến hành thực hiện các bước thăm khám thường quy như là: đo huyết áp, kiểm tra cân nặng, xét nghiệm nước tiểu và siêu âm để đánh giá sự phát triển toàn diện của thai nhi.
– Khám thai lần thứ 3 (thai nhi được 11-13 tuần tuổi): Đây là mốc khám thai định kỳ rất quan trọng nhằm giúp xác định một số dị tật bất thường ở thai nhi như: trẻ có nguy cơ bị hội chứng Down, Edwards, Patau, dị dạng chi, thoát vị cơ hoành… Đây cũng là mốc khám thai mà bác sĩ sẽ đưa ra ngày dự sinh chính xác.
2.2 Các mốc khám thai định kỳ trong 3 tháng giữa của thai kỳ
Ở 3 tháng giữa của thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý các mốc thăm khám như sau:
– Lần khám thứ 4 (thai nhi được 15 – 18 tuần tuổi): Lần khám này sẽ giúp bác sĩ kiểm tra, phát hiện các nguy cơ dị tật bẩm sinh (tim và não), đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi.
– Lần khám thứ 5 (tuần 20 – 22 thai kỳ): Đây là một trong những mốc khám thai cùng quan trọng trong thai kỳ mà mẹ bầu không nên bỏ qua. Bởi ở thời điểm này các dị tật bất thường về hình thái thai nhi như: trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng tay chân, cơ quan nội tạng… sẽ được phát hiện qua siêu âm. Từ kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp can thiệp sớm, kịp thời sớm nếu thai nhi có vấn đề bất thường.
– Khám thứ lần thứ 6 (Thực hiện từ 24-28 tuần): Ở lần khám thai này, mẹ bầu vẫn sẽ tiến hành kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu. Bên cạnh đó, mẹ sẽ làm thêm nghiệm pháp dung nạp đường huyết và tiêm phòng uốn ván. Siêu âm ở thời điểm này cũng sẽ giúp bác sĩ kiểm tra tim thai, vị trí nhau bám và lượng nước ối, hình thái thai nhi.
2.3 Khám thai định kỳ ở mốc tam cá nguyệt cuối cùng
– Ở lần khám thứ 7 (Thực hiện khi thai nhi được 30-32 tuần) : Mẹ bầu sẽ tiến hành siêu âm để phát hiện những dị tật muộn ở thai nhi như: bất thường về tim, bánh nhau, tình trạng thai nhi chậm phát triển trong tử cung… Bên cạnh đó bác sĩ cũng đánh giá được hình thái ngôi thai, tình trạng thai nhi chậm phát triển trong tử cung, tình trạng dây rốn, bánh nhau. Bên cạnh đó, cũng ở mốc khám thai này, mẹ bầu sẽ được tiêm phòng uốn ván mũi thứ 2.
– Mốc khám thứ 8 (Thực hiện khi thai nhi được 34-36 tuần): Trong lần khám này bác sĩ sẽ xác định vị trí ngôi thai, kiểm tra khung chậu và cổ tử cung của mẹ để có tiên lượng cho cuộc chuyển dạ sắp tới và tư vấn phương pháp sinh phù hợp, an toàn với mẹ bầu.
Bên cạnh đó, khi thăm khám ở mốc 36 tuần mẹ sẽ được tiến hành đo monitor, dự đoán cân nặng bé, tư vấn về chế độ dinh dưỡng kịp thời nếu trọng lượng của thai nhi chưa đạt chuẩn tại thời điểm tương ứng.
– Mốc khám thai thứ 9 (Thai nhi được 38 tuần): Ở lần khám thai này, bác sĩ đánh giá sự tăng trưởng của thai nhi, tình trạng dây rốn, bánh nhau, tim thai, ngôi thai… Mẹ bầu cũng sẽ được kiểm tra huyết áp, kiểm tra cổ tử cung, xét nghiệm nước tiểu… để nhận biết dấu hiệu sắp sinh từ đó có biện pháp chủ động cho cuộc chuyển dạ sắp tới.
– Mốc khám thứ 10 (Thai nhi được 40 – 42 tuần): Đây là mốc khám thai cuối cùng, bác sĩ sẽ đánh giá toàn diện về sức khỏe của mẹ và bé để xác định lựa chọn mẹ bầu nên sinh con bằng phương pháp nào an toàn đồng thời can thiệp hay tiếp tục chờ đợi sinh con tự nhiên.
Trên đây là những chia sẻ về các mốc khám thai trong suốt quá trình thai kỳ mẹ bầu nào cũng nên lưu lại. Khám thai định kỳ là việc làm hết sức cần thiết để có một thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác, mẹ bầu cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ bác sĩ Sản khoa, chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị máy móc hiện đại để thực hiện.