Việc đi đại, tiểu tiện là những hành vi sinh lý thông thường và có thể thực hiện bất cứ khi nào có nhu cầu. Tuy nhiên, với sản phụ sau đẻ thường, vấn đề này đôi khi gặp khá nhiều khó khăn. Vậy sản phụ đẻ thường sau bao lâu thì đi vệ sinh được? Những vấn đề mà các mẹ thường gặp phải khi đi đại, tiểu tiện là gì?
Menu xem nhanh:
1. Đẻ thường, khi nào mẹ đi vệ sinh được? Tại sao không nên đi vệ sinh ngay?
Sau đẻ thường, một trong những vấn đề sản phụ nên quan tâm chính là việc đi đại, tiểu tiện. Bởi lẽ, không chỉ là nhu cầu sinh lý thông thường, việc này còn cho biết sức khỏe của sản phụ diễn biến, phục hồi như thế nào sau sinh.
1.1. Sản phụ đẻ thường sau bao lâu thì đi vệ sinh được?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, từ 2 đến 8 giờ sau sinh thường, các mẹ cần phải đi tiểu tiện ít nhất một lần. Đối với đại tiện, các mẹ có thể giải quyết nhu cầu trong thời gian 2 đến 3 ngày sau khi sinh nở.
Do tầng sinh môn chưa hoàn toàn ổn định, phục hồi, nhiều trường hợp còn phải thực hiện rạch tầng sinh môn khi đẻ thường để giúp bé có thể ra ngoài dễ dàng hơn, nên việc đi vệ sinh cũng gặp không ít khó khăn.
1.2. Tại sao không nên đi vệ sinh ngay sau khi sinh thường?
Sau đẻ thường, phần đáy chậu, tầng sinh môn vẫn đang bị tổn thương. Bởi vậy, ngay sau khi vượt cạn thành công, sản phụ không nên đi vệ sinh để tránh làm viêm nhiễm, tổn thương vết rạch tầng sinh môn hay tác động khiến cho vùng đáy chậu bị nhiễm trùng, nhất là việc đi đại tiện.
Trong khoảng từ 1 đến 2 giờ sau sinh là thời điểm dễ xảy ra tình trạng băng huyết. Do vậy, việc sản phụ muốn đi vệ sinh, tiểu tiện ngay trong thời điểm này là rất nguy hiểm. Để hạn chế tình trạng các mẹ có nhu cầu đi vệ sinh ngay khi vừa kết thúc ca vượt cạn, bác sĩ Sản khoa thường dặn dò các mẹ không nên ăn uống trong thời gian 4 tiếng trước khi sinh. Như vậy, hệ tiêu hóa sẽ sạch hơn, quá trình sinh nở, rặn đẻ cũng thuận lợi hơn, không bị són tiểu sau sinh.
2. Khó tiểu sau sinh, vấn đề thường gặp ở sản phụ sinh thường
Có nhiều sản phụ gặp tình trạng khó tiểu sau sinh. Thông thường, tình trạng này không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của các mẹ, chỉ khiến vùng bụng dưới khó chịu, căng tức. Chị em có cảm giác buồn tiểu, nhưng lại không thể đi tiểu bình thường.
Khó tiểu thường diễn ra trong khoảng 3 đến 4 giờ đầu sau khi kết thúc ca vượt cạn đẻ thường, được chẩn đoán là một dấu hiệu rối loạn đường tiết niệu. Nếu sau 8h, sản phụ vẫn không thể đi tiểu tiện, sẽ được chẩn đoán gặp tình trạng bí tiểu. Lúc này, các bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra lượng nước tiểu trong bàng quang bằng phương pháp siêu âm ổ bụng. Nếu sản phụ tiểu ít, tiểu són, bác sĩ sẽ đặt ống thông tiểu và tiến hành đo lượng nước tiểu được rút khỏi bàng quang. Lượng nước tiểu quá 150ml nghĩa là sản phụ bị bí tiểu.
2.1. Đẻ thường sau bao lâu thì đi vệ sinh được? Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu khó sau sinh thường
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tiểu ở sản phụ đẻ thường gồm có:
– Trong quá trình đẩy thai nhi ra ngoài, bàng quang, niệu đạo của người phụ nữ bị đầu của em bé đè lên. Bàng quang lúc này sẽ căng giãn ra, khiến nước tiểu bị ứ đọng, sản phụ khó có thể tiểu tiện bình thường.
– Sản phụ sinh khó, thời gian vượt cạn kéo dài. Thai nhi chèn ép lên bàng quang của mẹ quá lâu, dẫn đến khó tiểu sau sinh.
– Sản phụ thực hiện rạch tầng sinh môn, sợ cảm giác đau khi tầng sinh môn chưa phục hồi nên không dám đi tiểu tiện. Lâu dần, bàng quang khó co lại, nước tiểu tích tụ nhiều gây bí tiểu.
– Sản phụ bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian mang thai. Vậy nên sau sinh, ống dẫn tiểu bị phù nề, sưng huyết, gây ra tình trạng bí tiểu.
2.2. Biến chứng của tình trạng bí tiểu sau đẻ thường
Được nhận định là vấn đề không quá nguy hiểm đối với sản phụ sau sinh, nhưng tình trạng bí tiểu vẫn có thể dẫn tới một vài ảnh hưởng nhất định như:
– Làm tổn thương, mất cảm giác dây thần kinh tại bàng quang.
– Độ co của bàng quang bị ảnh hưởng.
– Viêm thận, viêm bàng quang do phù thũng.
– Suy thận, chức năng thận sụt giảm.
2.3. Điều trị vấn đề bí tiểu sau sinh như thế nào?
Việc điều trị bí tiểu sau sinh sẽ cần được tiến hành càng sớm càng tốt để giúp sức khỏe, tinh thần của sản phụ nhanh chóng ổn định. Các bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định, hướng dẫn sản phụ thực hiện một số phương pháp sau:
– Uống nước, chườm ấm bụng để kích thích phản xạ của bàng quang.
– Sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, các loại thuốc hỗ trợ giãn cơ, các vitamin nhóm B để phòng ngừa viêm nhiễm, phù nề đường tiết niệu.
– Chăm sóc, vệ sinh và giữ gìn cẩn thận tầng sinh môn sau sinh thường.
– Trường hợp bí tiểu nặng, không có khả năng tiểu tiện, các bác sĩ sẽ tiến hành đặt ống thông tiểu cho sản phụ.
3. Sản phụ sau sinh khó đại tiện – nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe
Khoảng 2 đến 3 ngày sau sinh thường, sản phụ có thể đi đại tiện bình thường. Tuy nhiên, không phải với trường hợp nào việc này cũng có thể thực hiện dễ dàng. Tình trạng này còn được gọi là táo bón sau sinh.
3.1. Do đâu mà sản phụ bị táo bón?
Táo bón, khó đi đại tiện sau sinh có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau:
– Các cơn co thắt ruột giảm tần suất xuất hiện do tác động của hormone progesterone trong thai kỳ. Quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và chất lỏng được thúc đẩy mạnh mẽ, khiến cho quá trình xử lý chất thải trong đường ruột trở nên chậm hơn. Sau sinh, lượng chất thải này bị tồn đọng và khó đào thải ra ngoài.
– Trong quá trình chuyển dạ, hệ tiêu hóa của người phụ nữ hoạt động chậm lại. Cùng với tác động của thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, quá trình chuyển hóa, đẩy chất thải ra ngoài trở nên khó khăn hơn.
– Tử cung tăng kích thước trong suốt cả thai kỳ, khiến cho các cơ trong đường ruột, đường tiêu hóa của người phụ nữ bị giãn nở theo, mất khả năng co bóp. Lúc này, nhu động ruột hoạt động kém đi, giảm chuyển động, khiến cho tình trạng táo bón ngày càng trở nên nghiêm trọng.
– Sản phụ không có chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, ăn ít rau xanh và trái cây, dẫn đến táo bón nhiều ngày.
– Vết rạch tầng sinh môn gây đau đớn, cản trở quá trình đi đại tiện.
3.2. Biến chứng của tình trạng khó đi ngoài, táo bón sau sinh
Biến chứng nguy hại nhất của tình trạng táo bón sau sinh là bệnh trĩ. Trĩ có thể khiến chị em cảm thấy tự ti, cản trở sinh hoạt, cuộc sống hàng ngày.
3.3. Cải thiện tình trạng táo bón sau sinh như thế nào?
Để cải thiện tình trạng táo bón sau sinh, các bác sĩ chuyên khoa khuyên sản phụ nên thiết lập lại chế độ ăn uống, thực đơn hàng ngày, tăng cường bổ sung những thực phẩm nhuận tràng, nhiều nước để kích thích quá trình lưu thông máu, giúp nuôi dưỡng đại tràng và làm mềm chất thải.
– Bổ sung thêm chất xơ trong mỗi bữa ăn để kích thích hệ tiêu hóa, kích thích nhu động ruột làm mềm phân.
– Uống đủ nước, làm mềm phân và giúp thúc đẩy quá trình đào thải phân ra ngoài.
– Bổ sung một số vitamin như D, A, các loại canxi, kẽm, sắt,…
– Vận động thường xuyên để kích hoạt quá trình trao đổi chất, giảm nguy cơ phân, chất thải tích tụ ở đường ruột.
– Tập đi vệ sinh dần dần và thường xuyên hơn, không ngồi quá lâu để tránh tạo áp lực lên tĩnh mạch. Khi đi vệ sinh, chị em nên ngồi thẳng để hỗ trợ trực tràng, giúp chất thải được đẩy ra dễ dàng hơn.
Ngoài ra, chị em cũng nên kiểm tra sức khỏe sau sinh để phòng tránh những nguy cơ bệnh lý có thể xảy ra. Đặc biệt, kiểm tra vết rạch tầng sinh môn cũng là một trong những điều cần thực hiện nếu muốn nhanh chóng đi đại, tiểu tiện dễ dàng sau sinh thường.
Tại Thu Cúc TCI, thai phụ sinh thường được bác sĩ Sản khoa đầu ngành trực tiếp hỗ trợ đỡ đẻ, rạch tầng sinh môn trong quá trình sinh nở. Vết rạch được thực hiện rất mảnh, nhỏ và được khâu thẩm mỹ sau ca vượt cạn.
Trong thời gian lưu viện, sản phụ được chăm sóc vết khâu tầng sinh môn cẩn thận để tổn thương mau lành và tránh bị viêm nhiễm. Ngoài ra, Thu Cúc TCI cũng cung cấp dịch vụ chiếu tia Plasma, giúp vết rạch mau khô, mau lành để các mẹ có thể yên tâm hơn, không còn quá e dè, lo ngại khi đi vệ sinh.
Hy vọng những thông tin trên hữu ích với các mẹ chưa có kinh nghiệm khi sinh thường. Hãy thường xuyên theo dõi các vấn đề bất thường của cơ thể sau sinh để kịp thời có hướng xử lý, khắc phục, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.