Đau mắt hột là một bệnh lý nhiễm khuẩn nhãn khoa phổ biến. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên toàn cầu, bệnh lý này xuất hiện ở khoảng 500 triệu cư dân. Không những thế, nó còn là một bệnh lý tương đối nguy hiểm, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất thị lực vĩnh viễn của ít nhất 2 triệu người. Vậy, bệnh lý nhãn khoa này nhận biết thế nào và điều trị ra sao? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu vấn đề này trong bài viết sau, bạn nhé!
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm, nguyên nhân, giai đoạn phát triển, phân loại
Đau mắt hột là bệnh lý nhiễm trùng mạn tính kết mạc và giác mạc, phát sinh do hoạt động của vi khuẩn Chlamydia Trachomatis. Được biết, Chlamydia Trachomatis là một nhóm vi khuẩn Gram âm có 2 acid nhân ADN và ARN. Hiện tại, đã xác định được tất cả 15 tuýp huyết thanh Chlamydia Trachomatis. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 4 tuýp: A, B, Ba, C có khả năng lây nhiễm từ mắt sang mắt.
Quá trình phát triển của bệnh lý nhãn khoa này bao gồm 5 giai đoạn:
– Giai đoạn 1 (viêm – nang): Mặt trong mí mắt xuất hiện nhiều nang/mụn nhỏ chứa tế bào lympho (một loại bạch cầu).
– Giai đoạn 2 (viêm – cường độ cao): Mí mắt đỏ, sưng, mưng mủ.
– Giai đoạn 3 (sẹo mí mắt): Mặt trong mí mắt xuất hiện sẹo và biến dạng trong nhiều trường hợp.
– Giai đoạn 4 (lông mi mọc ngược): Lông mi mọc ngược vào trong và chà sát lên giác mạc.
– Giai đoạn 5 (đục giác mạc): Giác mạc tổn thương và đục dần qua thời gian.
Tương ứng với 5 giai đoạn phát triển trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại bệnh lý này thành 5 thể là: Thể có hột (TF) (giai đoạn 1); thể viêm nặng (TI) (giai đoạn 2); thể có sẹo kết mạc (TS) (giai đoạn 3); thể có lông xiêu, lông quặm (TT) (giai đoạn 4); thể có đục giác mạc (CO) (giai đoạn 5).
2. Nhận biết đau mắt hột
Nhận biết đau mắt hột rất đơn giản. Theo đó, sự tồn tại của bệnh lý nhiễm khuẩn nhãn khoa này ở giai đoạn nhẹ có thể được phỏng đoán thông qua các dấu hiệu: Mí mắt ngứa, sưng, kích ứng; ghèn mắt chứa dịch/mủ; mắt đau, nhạy cảm với ánh sáng. Trường hợp bệnh lý này đã tiến triển đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể có: Nhú gai hình đa giác, màu hồng, ở giữa nhú gai là trục máu tỏa ra hệ thống mao mạch xung quanh. Đồng thời, mặt trong mí mắt của bệnh nhân xuất hiện sẹo, hình sao hoặc dạng lưới.
3. Biến chứng mà đau mắt hột gây ra
Như đã chia sẻ phía trên, đau mắt hột là một bệnh lý nhiễm khuẩn nhãn khoa nguy hiểm. Sở dĩ được đánh giá như vậy là bởi bệnh lý nhãn khoa này có 3 đặc điểm sau:
– Đặc điểm thứ nhất – lây nhiễm mạnh mẽ: Bệnh lý nhiễm khuẩn nhãn khoa này có thể dễ dàng lây nhiễm từ mắt sang mắt hoặc từ người sang người khi mắt không mắc bệnh dính dịch/mủ của mắt mắc bệnh hoặc người không mắc bệnh sử dụng chung đồ đạc vệ sinh cá nhân với người mắc bệnh.
– Đặc điểm thứ hai – để lại di chứng nặng nề cho bệnh nhân: Bệnh lý này không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể để lại nhiều di chứng, như sẹo mặt trong mí mắt, biến dạng mí mắt, lông xiêu, lông quặm, khô mắt, đục giác mạc, viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn.
– Đặc điểm thứ ba – chưa thể điều trị triệt để.
4. Xử trí bệnh đau mắt hột
Để hạn chế tối đa nguy cơ phải chung sống trọn đời với các di chứng, khi nghi ngờ bản thân bị đau mắt hột, bệnh nhân phải đến ngay cơ sở y tế uy tín gần nhất để được chuyên gia thăm khám và chỉ định phương pháp kiểm soát phù hợp.
4.1. Xử trí giai đoạn nhẹ
Sau thăm khám, nếu mới đau mắt hột giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2, bệnh nhân chỉ cần:
– Vệ sinh sạch sẽ hai mắt mỗi ngày bằng dung dịch vệ sinh được chuyên gia chỉ định. Chú ý: Khi hai mắt ngứa, tuyệt đối không gãi, dụi bằng tay hay bằng bất cứ thứ gì khác.
– Sử dụng kháng sinh đường uống: Kháng sinh đường uống được chỉ định trong hầu hết các trường hợp vừa và nhẹ là Azithromycin. Một loại kháng sinh khác phù hợp hơn sẽ được chỉ định thay thế Azithromycin nếu bệnh nhân dị ứng với thành phần của thuốc.
– Sử dụng kháng sinh đường bôi: Tetracyclin 1% hoặc Erythromycin với liều dùng 8 giờ/lần trong 6 tuần liên tục là kháng sinh đường bôi thường được chỉ định trong trường hợp này.
– Dùng thuốc nhỏ mắt: Được chỉ định trong suốt quá trình điều trị nhằm mục đích khử khuẩn.
Bên cạnh đó, để giảm đau, giảm sưng cũng như để kích thích lệ đạo hoạt động, sản xuất nước mắt rửa trôi dị vật không sạch sẽ khỏi mắt, bệnh nhân có thể chườm nóng.
4.2. Xử trí giai đoạn nặng
Về bản chất, xử trí đau mắt hột các giai đoạn 3, 4, 5 là xử trí các biến chứng bệnh. Bệnh nhân không thể kiểm soát bệnh lý nhiễm khuẩn nhãn khoa này như trên mà phải thực hiện một số biện pháp cải thiện biến chứng như sau:
– Phẫu thuật thẩm mỹ: Áp dụng cho các bệnh nhân bị biến dạng mí mắt.
– Đốt lông quặm: Áp dụng cho các bệnh nhân có lông mi mọc ngược do biến dạng mí mắt. Bằng cách loại bỏ lông mi mọc ngược, nguy cơ giác mạc bị chà sát và tổn thương được hạn chế.
– Ghép giác mạc: Áp dụng cho các bệnh nhân có giác mạc tổn thương không phục hồi vì sự chà sát của lông mi mọc ngược. Bằng cách ghép giác mạc, thị lực của bệnh nhân được bảo tồn.
Đau mắt hột tái phát rất dễ dàng. Chính vì vậy, bệnh nhân nên vệ sinh cẩn thận hai mắt thường xuyên cũng như sử dụng thuốc nhỏ, thuốc bôi trường kỳ theo hướng dẫn của chuyên gia.
Như vậy, bài viết trên đã chia sẻ toàn bộ thông tin về khái niệm, nguyên nhân, giai đoạn phát triển, phân loại, nhận biết, biến chứng và xử trí đau mắt hột. Hy vọng rằng với chúng, bạn có thể bảo vệ bản thân an toàn trước bệnh lý nhiễm khuẩn nhãn khoa này. Liên hệ ngay Thu Cúc TCI nếu còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết, bạn nhé!