Đau mắt hột là bệnh không thể chủ quan và có thể để lại biến chứng lâu dài. Nhiều người thắc mắc đau mắt hột có tự khỏi không và cách chữa bệnh này như nào? Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu ngay tại đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Bệnh đau mắt hột là bệnh gì?
Đau mắt hột là một dạng bệnh nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến mắt. Bệnh lây lan dễ dàng qua: tiếp xúc, chạm vào mắt, mí mắt, mũi hoặc cổ họng của người bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng lây qua người khác bằng cách dùng chung đồ với người bị nhiễm như khăn mặt.
Ban đầu người bệnh có cảm giác ngứa nhẹ, hơi kích ứng mí mắt và mắt. Sau một vài ngày, mí mắt có thể sưng lên và chảy mủ ra. Nguy hiểm hơn, bệnh đau mắt hột nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới mù lòa.
2. Đau mắt hột có tự khỏi không?
Đa số mọi người đều thắc mắc liệu: Đau mắt hột có tự khỏi không? Câu trả lời là có thể tự khỏi nhưng tùy tình trạng bệnh. Với tình trạng nặng hơn, bệnh đau mắt hột phải dùng thuốc kháng sinh. Điểm đáng ngại của bệnh đau mắt hột là dễ tái phát nhiều lần và để lại sẹo trên bề mặt mắt và mí trong.
Trường hợp mí mắt bị méo và quay vào trong được gọi là bị quặm. Khi đó, lớp niêm mạc có sẹo của mí mắt liên tục biến dạng. Điều này làm các sợi mi bị cọ xát, gây xước bề mặt giác mạc và để lại sẹo. Nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần sẽ làm lông mi mọc ngược, mí mắt biến dạng. Nguy hiểm hơn cả là dẫn đến thi lực giảm sút và gây mù lòa.
Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp bạn không phải lo lắng nhiều về các biến chứng để lại. Ngoài ra, các yếu tố như tình trạng sức khỏe, cách xử lý cũng quyết định đến việc đau mắt hột có tự khỏi không.
3. Triệu chứng và các giai đoạn ở bệnh đau mắt hột
Những triệu chứng và giai đoạn tiến triển ở bệnh đau mắt hột gồm 5 giai đoạn chính như sau:
3.1 Giai đoạn 1 – Viêm nang (viết tắt TF)
Ở giai đoạn đầu này, nhiễm trùng ban đầu xuất hiện từ 5 nang hột trở lên ở kết mạc mi trên. Các nang này có màu trắng, đôi khi là vàng hoặc xám, màu nhạt hơn kết mạc xung quanh.
3.2 Giai đoạn 2 – Viêm dữ dội (viết tắt TI)
Qua giai đoạn 2 này, thấy kết mạc mi mắt trên rất dễ bị kích ứng và nhiễm trùng. Sau đó, nó có thể trở nên dày hoặc sưng đỏ lên.
3.3 Giai đoạn 3 – Sẹo mí mắt (viết tắt TS)
Quá trình nhiễm trùng lặp đi lặp lại trong thời gian dài dẫn đến sẹo. Những đường, dải hoặc mảng màu trắng ở kết mạc mi chính là sẹo mí mắt.
3.4 Giai đoạn 4 – Lông mi quay vào trong (viết tắt TT)
Sự biến dạng của lớp lót bên trong có sẹo ở mí mắt khiến lông mi quặp vào trong. Tác động của nó làm cọ xát, trầy xước bề mặt bên ngoài trong suốt của mắt, gây lở loét hoặc viêm nhiễm mãn tính.
3.5 Giai đoạn 5 – Đục giác mạc (viết tắt CO)
Đục giác mạc là khi giác mạc bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm kết hợp với việc trầy xước từ lông mi quay vào trong. Nặng hơn việc này dẫn đến suy giảm thị lực và mù lòa.
Bên cạnh đó, những triệu chứng khác cũng có thể giúp người bệnh nhận biết bệnh đau mắt hột bao gồm:
– Thấy đau nhẹ, ngứa và hơi sưng mí mắt.
– Đôi khi chảy nước mắt có kèm chất nhầy hoặc mủ màu vàng hoặc xanh.
– Nhạy cảm hơn với các nguồn ánh sáng mạnh.
4. Đau mắt hột có nguy hiểm lắm không?
Tổ chức y tế thế giới WHO cho biết đau mắt hột là một vấn đề sức khỏe cộng đồng trên 42 quốc gia không riêng gì Việt Nam. Bệnh gây suy giảm thị lực cho khoảng 1,9 triệu người trên thế giới. Nguy hiểm nhất là đau mắt hột đang là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu hiện nay.
Đại dịch đau mắt hột diễn ra ở nhiều vùng như: Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, Châu Á, Trung Đông và Úc. Theo dữ liệu thế giới tháng 6 năm 2022, có tới 125 triệu người sống trong khu vực này bị đau mắt hột dẫn đến mù lòa.
5. Cách chữa đau mắt hột đơn giản
5.1 Dùng thuốc trong điều trị đau mắt hột
Đau mắt hột giai đoạn đầu có thể điều trị bằng một liều kháng sinh azithromycin duy nhất với liều 20mg/kg (tối đa 1g). Đây là phương pháp điều trị được chuyên gia khuyến nghị, với hiệu quả khá cao từ 78% đến 95%.
Bên cạnh dó, tetracyclin 1% (thuốc mỡ) có thể được chỉ định sử dụng bôi cho cả hai mắt mỗi ngày (tối đa 6 tuần). Các lựa chọn loại thuốc thay thế khác bao gồm:
– Thuốc Erythromycin 500mg x 2 lần/ngày trong vòng 14 ngày.
– Thuốc Doxycycline 100mg x 2 lần/ngày trong vòng 10 ngày.
Lưu ý, không dùng Doxycycline cho phụ nữ có thai, đang cho con bú hoặc trẻ em dưới 8 tuổi.
Những loại thuốc chi tiết kể trên chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn nên đi khám và sử dụng thuốc kê đơn của bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh di chứng về sau.
Đặc biệt không tự ý điều trị đau mắt hột tại nhà bằng bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng.
5.2 Điều trị ngoại khoa do di chứng của đau mắt hột để lại
Bệnh nhân thường khó chịu khi phần bờ dưới mi mắt quay ngược vào trong, khiến lông mi dưới và da chạm vào giác mạc. Lâu ngày, bệnh này có thể gây đục giác mạc và nặng nhất là mù loà. Với phương pháp xoay mí mắt, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt một phần bên ngoài của mí mắt bị sẹo và khâu lại. Nhờ vậy sẽ giúp cho mi dịch ra xa hơn, tránh được lông mi, da mi chạm vào giác mạc.
5.3 Phương pháp ghép giác mạc
Phương pháp ghép giác mạc là phương pháp dùng cho những trường hợp bị nặng. Nói cách khác đây cũng là một phương pháp dùng điều trị khi giác mạc bị mờ và thị lực suy giảm trầm trọng.
Do sự phức tạp của phẫu thuật này nên yêu cầu chăm sóc hậu phẫu thường xuyên và kỹ lưỡng. Mục đích là để ngăn ngừa tình trạng thải ghép, nhiễm trùng.
6. Khi nào người bệnh đau mắt hột cần đi bác sĩ?
– Bất kỳ ai gặp tình trạng ngứa, kích ứng, chảy nước mắt, chảy dịch mủ… cần đi khám bác sĩ sớm.
– Nếu bạn sống hoặc vừa mới trở về từ vùng dịch bệnh đau mắt hột thấy nghi ngờ nhiễm bệnh cũng cần sớm đến khám với bác sĩ chuyên khoa mắt.
– Khi đến bệnh viện, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm dịch mắt để tìm vi khuẩn Chlamydia. Nếu kết quả dương tính tức là bạn bị nhiễm bệnh đau mắt hột.
Trên đây là lời giải đáp của Thu Cúc TCI cho câu hỏi: “đau mắt hột có tự khỏi không và cách chữa”. Nếu thấy mắt bạn có các dấu hiệu kể trên hãy đi khám sớm để phát hiện đau mắt hột kịp thời nhé.