Dấu hiệu của loét dạ dày rất dễ để nhận biết nhưng những nguy hiểm đến từ bệnh lý này không phải là điều bất cứ người bệnh nào cũng nhận ra. Loét dạ dày không điều trị đúng cách có thể tiến triển thành các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao.
Menu xem nhanh:
1. Các tác nhân gây loét dạ dày
Loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến. Ước tính từ 5-10% dân số trên thế giới có viêm loét dạ dày trong suốt cuộc đời. Bệnh loét dạ dày xuất hiện nhiều nhất ở những người bị viêm dạ dày không điều trị hoặc bệnh nhân đau dạ dày mãn tính.
Người bệnh thường được chẩn đoán loét dạ dày với 3 nhóm nguyên nhân chính:
1.1 Nhiễm vi khuẩn HP
Đây được cho là nguyên nhân chính của bệnh lý viêm loét dạ dày. Vi khuẩn HP tại niêm mạc tiết ra một số enzyme, chất độc làm kích hoạt hệ thống miễn dịch. Những yếu tố này kết hợp cùng với nhau khiến cho cơ chế bảo vệ của dạ dày trở nên dễ bị tổn thương hơn bởi các dịch tiêu hóa như axit dạ dày.
1.2 Lạm dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
NSAID là nhóm thuốc không cần kê đơn, dễ dàng mua được với mục đích giảm đau nhanh. Một số thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt có các hoạt chất làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin. Đây là một hoạt chất trung gian có chức năng bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột. Việc sử dụng những thuốc này trong thời gian dài cũng là một nguyên nhân dẫn đến loét dạ dày.
1.3 Các nguyên nhân khác
Một số thói quen xuất phát từ lối sống, chế độ sinh hoạt không khoa học cũng có thể khiến bệnh viêm loét dạ dày khởi phát hoặc trầm trọng hơn.
Việc sử dụng thường xuyên sử dụng các chất kích thích, đồ uống có cồn, ăn khuya, bỏ bữa hay bị stress, căng thẳng kéo dài… cũng có thể làm đảo lộn hoạt động co bóp, bài tiết axit trong dịch vị dạ dày, khiến cho cơ quan này dễ gặp tình trạng tổn thương và viêm loét.
2. Bạn có đang bị loét dạ dày? – Nhận biết triệu chứng
Trên thực tế, dấu hiệu của loét dạ dày không cố định. Nó phụ thuộc vào mức độ bệnh, vị trí loét và tuổi của bệnh nhân. Đặc biêt, ở bệnh nhân cao tuổi thường có ít hoặc không có triệu chứng.
2.1 Đau bụng vùng thượng vị là dấu hiệu của loét dạ dày
Điển hình của loét dạ dày là các cơn đau vùng trên rốn (thượng vị). Đôi khi, đau có thể lan lên vùng ngực trái hoặc lan ra sau lưng. Mức độ đau có thể từ âm ỉ đến đến dữ dội.
Ở giai đoạn viêm dạ dày tiến triển thành loét, người bệnh dễ cảm thấy đau thường xuyên, dù no hay đói. Đau tăng vào ban đêm do dịch vị axit tiết ra nhiều, làm tổn thương các ổ viêm. Cơn đau sẽ giảm sau khi sử dụng thuốc trung hòa axit.
2.2 Ợ hơi, ợ chua kèm cảm giác nóng rát
Đây là triệu chứng hay xuất hiện đồng thời với đau thượng vị. Ở thời kỳ đầu của bệnh, phần lớn các bệnh nhân đều có triệu chứng này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hoạt động tiêu hóa thức ăn ở dạ dày bị rối loạn. Thức ăn đi vào dạ dày trở nên khó tiêu hóa và bị lên men. Khi ợ hơi, ợ chua, người bệnh cảm thấy nóng rát ở ngực kèm cảm giác chua, đắng trong miệng.
2.3 Chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn là dấu hiệu của loét dạ dày mà bạn cần lưu ý
Thức ăn tồn đọng lên men cùng với chứng ợ hơi, ợ chua liên tục tạo nên kích thích trào ngược dịch vị. Người bệnh cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, thậm chí nôn ra dịch nhầy có dính máu.
Trường hợp bệnh nhân bị nôn nhiều sẽ khiến cơ thể mất nước và mất khả năng cân bằng điện giải. Hệ quả khác có thể kể đến như: phù nề, thiếu máu và sút cân.
2.4 Giấc ngủ bị gián đoạn
Cũng chính do các nguyên nhân như đau bụng, đầy hơi, buồn nôn khiến cho người bệnh không thể ngủ sâu, dễ bị tỉnh giấc, thậm chí mất ngủ vào ban đêm.
2.5 Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon
Đối với người bị loét dạ dày, thức ăn đưa vào cơ thể thường được tiêu hóa chậm hơn bình thường. Thức ăn tồn đọng lâu trong dạ dày tạo cảm giác đầy bụng, ấm ách. Do đó người bệnh thường xuyên cảm thấy chán ăn, không có nhu cầu ăn nhiều. Về lâu dài, bệnh nhân sẽ mất cảm giác ngon miệng, dẫn đến bỏ bữa.
2.6 Rối loạn tiêu hóa
Một dấu hiệu của loét dạ dày nữa là rối loạn tiêu hóa. Các vết loét ở dạ dày khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn gặp khó khăn, thậm chí là đình trệ. Điều này gây ra tình trạng táo bón hay tiêu chảy ở một số bệnh nhân, nếu kéo dài sẽ khiến người bệnh bị sút cân.
3. Những biến chứng nguy hiểm từ viêm loét dạ dày khiến bạn không thể chủ quan
3.1 Biến chứng hẹp môn vị
Các vết loét dạ dày lâu ngày không được chữa trị sẽ trở nên chai xơ, khiến thành môn vị bị biến dạng. Không gian lòng ruột phía dưới dạ dày cũng bị thu hẹp, thậm chí tắc nghẽn hoàn toàn. Hẹp môn vị khiến cho thức ăn đi vào cơ thể bị ứ đọng tại dạ dày, ảnh hưởng nghiêm trong đến quá trình tiêu hóa.
3.2 Thủng ổ loét dạ dày
Vết loét chỉ xảy ra ở phần niêm mạc ở giai đoạn đầu. Sau đó, loét sẽ ăn sâu đến phần cơ và thanh mạc dạ dày. Lúc này, dạ dày có thể xuất hiện lỗ thủng do vết loét tiến triển.
Dịch dạ dày qua lỗ thủng chảy vào bên trong có thể gây viêm nhiễm nhiều cơ quan nội tạng trong ổ bụng. Người bệnh dễ bị nhiễm trùng, nhiễm độc, thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
3.3 Chảy máu đường tiêu hóa
Bệnh nhân đi ngoài phân đen và nôn ra máu là hai dấu hiệu điển hình của xuất huyết tiêu hóa. Do ổ loét nằm trên đường lưu thông của mạch máu lớn, lâu dần sẽ làm vỡ mạch máu và gây chảy máu. Chảy máu đường tiêu hóa có thể đi kèm các triệu chứng ngoài như chóng mặt, đau đầu, choáng váng.
3.4 Dấu hiệu ung thư hóa
Đây là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm loét dạ dày. Bệnh nhân có các triệu chứng như đau thượng vị, vẫn đau kể cả khi đã dùng thuốc, đau không theo chu kỳ. Người bệnh gầy, sút cân rất nhanh, ăn không ngon và đắng miệng.
Trường hợp vết loét lan rộng và các tế bào ung thư đã di căn, người bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày.
Bốn biến chứng kể trên của bệnh loét dạ dày đều rất nghiêm trọng. Người bệnh có thể cần can thiệp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) bất cứ lúc nào. Bệnh nhân cần hiểu được mức độ nguy hiểm của các biến chứng này để không dễ dàng chủ quan đối với các dấu hiệu của loét dạ dày.
4. Điều trị loét dạ dày
Loét dạ dày là bệnh lý đang ngày càng có xu hướng tăng cao và trẻ hóa. Điều này được lý giải do sự chủ quan, thiếu khoa học trong sinh hoạt và làm việc. Tùy vào mức độ bệnh, nhu cầu của bệnh nhân, các bác sĩ, chuyên gia y tế sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Thông thường, bệnh nhân sẽ được tư vấn dùng thuốc đối với các tình trạng viêm loét ở mức độ nhẹ và vừa. Đối với loét dạ dày tiến triển nặng thành các biến chứng nguy hiểm, điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) có thể được chỉ định.
Kết hợp chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh cũng có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của loét dạ dày và phòng ngừa khả năng bệnh lý trở nên nghiêm trọng.
Như đã đề cập, các dấu hiệu của loét dạ dày không khó để nhận thấy. Trong trường hợp nghi ngờ các triệu chứng của loét dạ dày, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chữa trị kịp thời.