Đặt ống JJ niệu quản là chỉ định cần thiết trong nhiều phẫu thuật đường tiết niệu.Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các thông tin liên quan đến chỉ định này. Hãy cùng tìm hiểu đầy đủ hơn về chỉ định đặt ống JJ niệu quản trong bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Ống JJ niệu quản là gì? Có tác dụng gì?
1.1. Đặt ống JJ niệu quản là gì?
Ống JJ hay còn biết đến với nhiều tên gọi khác như sonde JJ, thông JJ. Đây là một ống rỗng bằng nhựa dẻo được thiết kế đặc biệt để luồn vào niệu quản. Niệu quản là ống tự nhiên dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
Thông JJ giúp chuyển lưu nước tiểu từ thận xuống bàng quang: giải áp nước tiểu tồn đọng ở thận, niệu quản và bàng quang do nhiều nguyên nhân; giảm nguy cơ nhiễm trùng do tồn đọng nước tiểu; nong niệu quản đặt thông JJ để điều trị hẹp niệu quản. Có nhiều kiểu thông JJ.
– Chiều dài của thông 26 – 28cm.
– Kích cỡ 6, 7, 8 – 14: đường kính 1,8mm, 2mm, 2,3mm.
1.2. Đặt ống JJ niệu quản có tác dụng gì?
– Ống JJ khi được đặt vào niệu quản sẽ đảm bảo dòng tiểu có thể chảy từ thận xuống đến bàng quang ngay cả khi ống dẫn tiểu có bị tắc nghẽn do bất kỳ nguyên nhân nào. Bằng cách này, thận vẫn tiếp tục hoạt động và không bị tổn thương do tắc nghẽn, đồng thời tránh được những cơn đau quặn thận do dòng nước tiểu không được lưu thông tốt.
– Sonde JJ còn có tác dụng bảo vệ niệu quản, giúp làm lành vết thương ở niệu quản ngay cả khi đã bị thương tổn. Nếu không đặt ống JJ khi niệu quản bị tổn thương vì một lý do nào đó thì khi vết thương lành, niệu quản có thể bị chít hẹp. Lúc này việc đặt sonde nhằm dự phòng hẹp niệu quản sẽ giúp niệu quản phục hồi lại chức năng và hoạt động bình thường về sau.
– Trong một số trường hợp, đặt ống JJ còn giúp làm rộng niệu quản hẹp. Việc này rất quan trọng khi cần thực hiện đưa dụng cụ qua lòng niệu quản hẹp hoặc khi thao tác lấy sỏi. Đặt sonde giúp tiếp cận vào niệu quản sau này có tỷ lệ thành công cao hơn.
2. Khi nào cần đặt ống JJ niệu quản?
Đặt ống JJ niệu quản được áp dụng trong các phẫu thuật sau:
– Lấy sỏi thận
– Lấy sỏi niệu quản: Nội soi sau phúc mạc, mổ mở,..
– Nong niệu quản hẹp, tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng,…
– Tạo hình bể thận – niệu quản do hẹp, ….
– Cắm niệu quản vào bàng quang: Phình giãn niệu quản, ghép thận,..
Tùy tình trạng lâm sàng theo từng người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện loại ống thông nào.
3. Một số biểu hiện khó chịu có thể gặp ở người bệnh đặt thông JJ
– Đau buốt vùng hông lưng hay phía trên đùi, đau tăng khi đi tiểu.
– Kích thích bàng quang: cảm giác rát buốt khi tiểu gần xong hoặc đau tức vùng trên xương mu, tiểu nhiều lần, nước tiểu có lẫn máu, cảm giác cộm và căng bàng quang. Cố gắng để tiểu hết và uống đủ nước để cho nước tiểu bớt hồng.
– Có thể gặp chảy máu, thường không nghiêm trọng và không kéo dài.
Các triệu chứng khó chịu này chỉ kéo dài trong vài ngày và sẽ giảm dần, do đó bệnh nhân và người nhà không cần quá lo lắng. Trong quá trình đặt ống JJ niệu quản cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.
4. Thời gian lưu ống JJ trong cơ thể bao lâu?
Thời gian lưu ống JJ trong cơ thể sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố sau:
– Dựa theo mục đích khi đặt sonde: Bác sĩ có thể hẹn người bệnh đến rút ống JJ sau 2 tuần, 4 tuần, 3 tháng, 6 tháng hoặc cũng có trường hợp kéo dài tới 15 – 18 tháng đối với bệnh nhân ung thư. Nếu lâu hơn khoảng thời gian 15-18 tháng thì phải thay sonde.
– Dựa theo chất liệu của sonde: Ống JJ có thành phần là nhựa dẻo nên không thể để sonde quá lâu trong cơ thể để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Cụ thể với các trường hợp đặt ngắn hạn sẽ rút sau 2-4 tuần. Với ống JJ có phủ Silicon thì có thể giữ tới 3 tháng.
Người bệnh cần tái khám đúng hẹn để bác sĩ khám và rút sonde JJ.
5. Lưu ý khi chăm sóc người đặt ống thông JJ niệu quản
Thông thường thông JJ được đặt trong niệu quản từ 2 tuần – 1 tháng hoặc 1 năm.
Tùy tình trạng bệnh lý, nếu ung thư hoặc hẹp niệu quản có thể đặt thông JJ trong thời gian dài (thông JJ phải dùng loại chất liệu silicon) và bác sĩ sẽ hẹn người bệnh mỗi năm thay thông JJ mới.
Đặc biệt bệnh nhân cần phải tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ. Với trường hợp, người bệnh đặt ống JJ quá lâu không tái khám và thay ống đúng hẹn có nguy cơ gặp biến chứng như:
– Tạo sỏi xung quanh thông hoặc dọc theo thông JJ
– Nhiễm trùng
– Tắc niệu quản.
– Suy thận.
Để phòng tránh tốt các biến chứng nguy hiểm khi đặt ống JJ niệu quản kể trên, người bệnh cần thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:
– Uống nhiều nước hàng ngày trên 2 lít/ ngày.
– Vận động nhẹ không khiêng vác nặng.
– Tránh các vận động quá sức.
– Hoạt động thể dục thể thao nhẹ nhàng.
Như vậy, đối với người bệnh phải thực hiện đặt ống JJ niệu quản cần hiểu đúng các thông tin liên quan đến chỉ định này để chủ động hơn trong việc điều trị bệnh cũng như chăm sóc bản thân tốt nhất.