Viêm phổi trẻ sơ sinh là tình trạng phổi của bé bị tổn thương do sự tấn công của các loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng,… Chúng sinh sôi, phát triển và tạo nên các ổ nhiễm khuẩn ở trong phổi trẻ. Vì sức đề kháng của các bé sơ sinh còn rất yếu nên mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn. Do đó, bố mẹ cần phải nắm vững những kiến thức về bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Menu xem nhanh:
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi trẻ sơ sinh
Không giống với bệnh viêm phổi ở trẻ lớn với các biểu hiện điển hình là ho nhiều, sốt cao, nghe lưng có thể thấy tiếng “rít”. Ở trẻ sơ sinh các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm phổi thường không rõ ràng nên khó nhận biết hơn. Đơn giản là bởi đường hô hấp của trẻ sơ sinh còn chưa phát triển đầy đủ.
Dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường như sau:
– Bé bú kém hoặc bỏ bú.
– Hạ thân nhiệt hoặc sốt trên 37,5 độ C.
– Khó thở hoặc thở nhanh trên 60 lần/ phút.
Khi trẻ sơ sinh xuất hiện những triệu chứng rõ rệt như sau thì bệnh viêm phổi có thể đã trở nặng:
– Trẻ sốt li bì, đáp ứng kém với các kích thích.
– Nôn nhiều, rút lõm lồng ngực, chướng bụng, tím tái,…
Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường tiến triển nhanh và nặng hơn so với trẻ lớn. Trên thực tế, có rất nhiều trẻ dù không bị sốt, không bị ho nhiều nhưng khi đến cơ sở y tế thăm khám thì bệnh đã biến chứng rất nặng.
Vì vậy, bố mẹ hoặc người thân phải theo dõi sát sao tình trạng của trẻ sơ sinh để phát hiện sớm bệnh viêm phổi. Khi bé mới xuất hiện những biểu hiện ban đầu như bỏ bú, sốt nhẹ, thở nhanh,… bố mẹ phải nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nặng.
2. Bệnh viêm phổi trẻ sơ sinh có nguy hiểm hay không?
Nếu trẻ sơ sinh bị viêm phổi mà được phát hiện sớm và kịp thời điều trị thì không có gì đáng phải lo ngại. Do đó, khi trẻ sơ sinh có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, bố mẹ phải nhanh chóng cho con đi khám càng sớm càng tốt. Bởi vì, nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Một số biến chứng nguy hiểm của căn bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh như sau:
2.1. Viêm màng não
Khi bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh chuyển nặng, các loại vi khuẩn sẽ tấn công mạnh nhưng cơ thể của con lại không đủ sức đề kháng để chống cự. Nếu để lâu, bệnh viêm phổi có thể để lại những di chứng không thể hồi phục như tổn thương não vĩnh viễn, rối loạn thần kinh, bị điếc, mù, giảm khả năng vận động,…
2.2. Nhiễm trùng máu
Các vi khuẩn có thể xâm nhập vào trong hệ tuần hoàn của trẻ sơ sinh gây nhiễm trùng máu và biến chứng sốc nhiễm trùng. Nếu con không được điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến tử vong.
2.3. Tràn mủ màng phổi
Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm khiến trẻ sơ sinh hô hấp khó khăn, bạch cầu trong máu tăng cao và bắt đầu có dấu hiệu kháng thuốc.
2.4. Tràn dịch màng tim, trụy tim
Khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi, con cũng có thể bị tràn dịch màng tim, nhiễm trùng máu do kháng thuốc, trụy tim, sốc thuốc…
2.5. Kháng thuốc kháng sinh
Nếu trẻ gặp phải biến chứng này sẽ vô cùng khó để điều trị. Bởi vì lúc này, bác sĩ sẽ phải phối hợp nhiều phương pháp khác nhau để điều trị, chi phí tốn kém hơn nhưng khả năng khỏi bệnh cũng thấp hơn.
2.6. Còi xương và kém phát triển
Trẻ biếng bú và bỏ bú sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, còi xương, suy giảm hệ miễn dịch.
3. Cách chăm sóc hiệu quả khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi
– Với những bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng và tăng cường khả năng miễn dịch. Với những trẻ trên 6 tháng tuổi, mẹ nên cho con ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa.
– Cho con nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, nằm ngửa ngồi hoặc nằm gối đầu cao một chút và thường xuyên thay đổi tư thế để giảm tình trạng ứ máu ở phổi.
– Giữ ấm cho trẻ đúng cách và không mặc quần áo chật cho con.
– Phòng ngủ của trẻ sơ sinh phải thoáng mát và đầy đủ ánh sáng. Tránh nơi khói bụi, ô nhiễm, khói thuốc và nơi có người bị bệnh,…
– Giữ vệ sinh sạch sẽ cho con, trước và sau khi chăm sóc bé phải rửa tay bằng xà phòng. Tất cả các đồ dùng và dụng cụ chăm sóc trẻ phải được rửa sạch, lau khô và vô trùng.
– Nên vệ sinh mũi hàng ngày cho trẻ sơ sinh bằng nước muối sinh lý để con thông thoáng đường thở và không bị sặc.
– Lau người bằng khăn ấm để hạ sốt cho con. Trong trường hợp con sốt trên 38,5 độ C, bố mẹ phải cho con uống thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Đưa con đi khám định kỳ và giữ sổ khám bệnh cẩn thận để bác sĩ theo dõi sát sao tình hình bệnh của bé.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ có cái nhìn tổng quan nhất về bệnh viêm phổi trẻ sơ sinh. Bố mẹ hãy đưa con đi khám ngay khi trẻ có dấu hiệu bất thường để bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho bé.