Ù tai mất ngủ có thể là biểu hiện của bệnh tâm lý, tâm thần cơ năng nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý ác tính. Vậy khi gặp chứng bệnh này, sức khỏe của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng ra sao và cần làm gì để cải thiện, cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Ù tai, mất ngủ là hiện tượng gì?
Ù tai, mất ngủ là tình trạng người bệnh cảm nhận thấy trong tai mình có tiếng kêu lạ như tiếng huýt sáo, tiếng ve kêu, tiếng gió thổi khiến họ không thể ngủ được.
Hiện tượng ù tai có thể xuất hiện ở một bên hay cả hai bên tai, diễn ra liên tục hoặc chỉ trong từng thời điểm nhất định. Chứng ù tai thường được cảm nhận rõ nhất về ban đêm hay những lúc yên tĩnh. Đôi khi, ù tai còn đi kèm với một loạt cảm giác khó chịu như nghe kém, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Hậu quả xảy ra đó là khiến người bệnh bị mất ngủ, khó ngủ, gây suy nhược cơ thể nghiêm trọng.
Ù tai kèm theo mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, thức giấc vào nửa đêm và sáng sớm, mệt mỏi khi thức dậy… đều là những dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ. Ù tai và mất ngủ có sự liên quan nhất định với nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy, mức độ ù tai càng nhiều thì người bệnh sẽ càng có nguy cơ cao bị mất ngủ hoặc khó ngủ.
2. Chứng ù tai mất ngủ ảnh hưởng tới sức khỏe ra sao?
Người bệnh bị ù tai và mất ngủ thường có những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng về giấc ngủ hoặc tình trạng ù tai đang diễn ra, đặc biệt là khi ở một mình trong phòng yên tĩnh. Điều này khiến sức khỏe và giấc ngủ của họ bị suy giảm một cách nhanh chóng.
Nhiều người còn có thể phát triển thành các hành vi né tránh như tránh xa âm thanh, càng làm gia tăng các suy nghĩ tiêu cực và rối loạn cảm xúc. Vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ tiêu cực này có thể đe dọa đến sự cân bằng nội môi, khiến tình trạng ù tai và chứng rối loạn giấc ngủ trở nên trầm trọng hơn. Các nghiên cứu cho thấy, những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực làm kích thích hệ thần kinh tự chủ, nếu kéo dài sẽ có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.
Chứng mất ngủ diễn ra trong thời gian dài còn là tiền đề cho hàng loạt bệnh lý nguy hiểm khác gây ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh như:
– Làm teo não, gia tăng nguy cơ đột quỵ.
– Làm gia tăng nguy cơ mắc béo phì.
– Da xấu đi nhanh chóng hay khiến tình trạng viêm da cơ địa, viêm da kích ứng và vảy nến trở nên nghiêm trọng hơn.
– Suy giảm sinh lý với các biểu hiện rõ rệt như giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm…
– Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú và ung thư đại tràng.
3. Nguyên nhân gây ù tai, khó ngủ ở người bệnh
Ù tai, mất ngủ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất đó là:
– Do tuổi tác: Bệnh ù tai thường xuất hiện những người trên 60 tuổi. Nguyên nhân là do khi lớn tuổi, cơ thể bị lão hóa nhanh chóng và làm ảnh hưởng tới cơ quan thính giác.
– Do môi trường: Âm thanh quá lớn, quá đột đột ngột hoặc âm thanh không to nhưng kéo dài cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng ù tai ở người bệnh.
– Do chấn thương: Ù tai, mất ngủ có thể xảy ra do chấn thương tại vùng đầu, mặt, cổ, rách màng nhĩ, chấn thương vỡ xương đá…
– Do nhiễm độc thuốc: Một số loại thuốc mà người bệnh sử dụng có thể gây độc cho tai, làm tổn thương tế bào thính giác như streptomycin, aspirin, gentamycin…
– Do bệnh về hệ thống mạch máu: Điển hình như tăng huyết áp, phình động mạch khi dùng nhiều chất kích thích như rượu, bia, cà phê thuốc lá…
4. Cần làm gì để cải thiện tình trạng ù tai, mất ngủ?
Không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, giấc ngủ còn ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng chứng ù tai. Chính vì vậy, ngoài việc tìm ra các phương pháp để có một giấc ngủ ngon hơn thì điều trị nhằm giảm triệu chứng rối loạn giấc ngủ cũng là điều vô cùng cần thiết. Một số lời khuyên đó là:
4.1 Cải thiện chứng ù tai mất ngủ nhờ thăm khám bác sĩ chuyên khoa
Khi gặp tình trạng ù tai, khó ngủ, ngủ không ngon giấc kéo dài, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan và cần đi khám sớm để hạn chế tối đa nguy cơ gây hại tới sức khỏe. Đặc biệt, cần đến khám chuyên khoa Nội thần kinh nhằm xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần phải tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để xác định bất kỳ biến chứng nào có thể cần điều trị, đồng thời giúp kiểm soát các vấn đề như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm và các rối loạn thần kinh khác. Dựa trên cơ sở đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị kịp thời, bởi đa số các trường hợp giải quyết được chứng mất ngủ sẽ giúp làm giảm triệu chứng ù tai đáng kể.
4.2 Thay đổi thói quen tốt để cải thiện tình trạng ù tai mất ngủ
– Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị hoặc ngoáy tai vì điều này có thể khiến cho tai bị tổn thương, làm cho chứng ù tai, mất ngủ thêm nghiêm trọng.
– Sử dụng âm thanh ở mức độ vừa phải khi nghe nhạc, xem tivi, nghe radio… Không nên để âm lượng quá lớn vì sẽ ảnh hưởng không tốt tới thần kinh thính giác.
– Người đang mắc bệnh này nên bỏ thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu, bia, cà phê. Nguyên nhân là do chất nicotin có trong thuốc lá và caffeine trong các chất kích thích sẽ làm rối loạn sự co giãn mạch máu. Từ đó thay đổi tốc độ luồng máu chạy qua động mạch và tĩnh mạch, khiến cho tình trạng ù tai, khó ngủ nặng thêm.
– Rèn luyện thói quen thể dục, thể thao đều đặn mỗi ngày. Tùy vào sức của mình mà người bệnh nên chọn phương pháp tập luyện thích hợp để giúp máu lưu thông tốt hơn, giảm triệu chứng ù tai và cải thiện giấc ngủ hiệu quả.
Chứng ù tai mất ngủ không gây quá nhiều hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe nếu không do một số bệnh lý ác tính. Tuy nhiên, nó vẫn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống người bệnh. Vì vậy, cần chú ý theo dõi sức khỏe và xây dựng thói quen sống lành mạnh, khoa học để có được giấc ngủ ngon và hạn chế tối đa nguy cơ mắc chứng ù tai, mất ngủ.