Chửa ngoài tử cung thoái triển là một trong những dạng mang thai ngoài tử cung cần theo dõi và tái khám theo thời gian quy định. Vậy tình trạng thai ngoài tử cung thoái triển này liệu có bị vỡ không, cần làm gì nếu như khối thai ngoài bị vỡ, cùng tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết chi tiết dưới đây nhé.
Menu xem nhanh:
1. Hiện tượng thai ngoài tử cung ở dạng thoái triển và những điều cần biết
1.1. Chửa ngoài tử cung thoái triển nghĩa là gì?
Hiện tượng thai ngoài tử cung là việc phôi thai phát triển và làm tổ tại những vị trí ở bên ngoài buồng tử cung như: ổ bụng, ống dẫn trứng, buồng trứng,…Tất cả các phôi thai ở bên ngoài tử cung đều không thể phát triển và lớn lên bình thường. Do đó, trong nhiều trường hợp chị em phụ nữ sẽ gặp tình trạng thai thoái triển.
Chửa ngoài tử cung thể thoái triển là tình trạng thai đã ngừng phát triển trong cơ thể. Có hai trường hợp xảy ra đối với bệnh lý này đó là: thai thoái triển ở giai đoạn sớm và thai thoái triển ở giai đoạn muộn. Nếu ở giai đoạn sớm, lúc này phôi thai vẫn còn bé và sẽ có cơ chế tự đào thải ra ngoài qua đường âm đạo. Nếu ở giai đoạn muộn, lúc này khối thai đã khá lớn, nếu không được xử lý sớm thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng vỡ thai, gây xuất huyết ổ bụng, có thể đe dọa tới tính mạng của chị em phụ nữ.
1.2. Chửa ngoài tử cung thoái triển có những biểu hiện như thế nào?
Khi phụ nữ gặp phải tình trạng chửa ngoài tử cung thì ban đầu sẽ có xuất hiện những dấu hiệu như khi có thai tự nhiên, đó là: chậm kinh, thử que thử thai lên 2 vạch, đau tức ngực, đau lưng, mệt mỏi, buồn nôn,…Tuy nhiên, đối với việc thai ngoài tử cung dạng thoái triển, biểu hiện cụ thể sẽ phụ thuộc vào giai đoạn sớm hay muộn.
1.2.1. Thai ngoài tử cung dạng thoái triển ở giai đoạn sớm
Trên hết, cần khẳng định rằng hiện tượng thai ngoài tử cung thoái triển ở giai đoạn sớm sẽ là điều may mắn đối với chị em phụ nữ. Lúc này, không cần thiết phải can thiệp các biện pháp điều trị, mà phôi thai lúc này sẽ tự động đào thải ra bên ngoài. Việc này đồng nghĩa với việc sức khỏe của mẹ được đảm bảo, không phải chịu sự tác động của thuốc nội khoa hay một ca mổ. Trong trường hợp thai thoái triển giai đoạn sớm thường sẽ có những biểu hiện như sau:
– Các triệu chứng ốm nghén kể trên sẽ thuyên giảm và có dấu hiệu biến mất. Mẹ không có biểu hiện mệt mỏi, đau tức ngực, đau lưng hay nhạy cảm với các mùi nữa.
– Nồng độ beta HCG trong máu giảm dần ở những lần xét nghiệm máu.
– Có dấu hiệu chảy máu âm đạo tương tự như khi tới chu kỳ kinh nguyệt. Lúc này là lúc thai đã bắt đầu đào thải ra khỏi cơ thể.
– Đi kèm với hiện tượng chảy máu âm đạo là triệu chứng đau bụng âm ỉ tương tự như khi tới tháng.
1.2.2. Thai ngoài tử cung dạng thoái triển ở giai đoạn muộn
Trong trường hợp thai thoái triển nhưng ở giai đoạn muộn, khối thai đã khá to và sẽ có khả năng bị vỡ ra bất cứ lúc nào. Thời gia khối chửa bị vỡ sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: áp lực từ bên ngoài, kích thước thai nhi, sự vận động của mẹ,…Nếu trong trường hợp thai đã bị vỡ, mẹ sẽ thấy những triệu chứng như: đau bụng dữ dội, da tái lại, xanh xao, mất máu nhiều, thậm chí là ngất xỉu. Trong trường hợp này, cần phải có phương án cấp cứu ngay lập tức nếu không chúng sẽ đe dọa tới tính mạng cũng như gây ra một số biến chứng nguy hiểm như: xuất huyết vùng ổ bụng, nhiễm trùng,…
2. Cần phải làm gì để điều trị thai ngoài tử cung dạng thoái triển
2.1. Phương pháp điều trị đối với thai ngoài tử cung thoái triển ở giai đoạn sớm
Như đã nói ở trên, nếu như ở giai đoạn sớm, phôi thai còn rất nhỏ và ngừng phát triển, sẽ có hai trường hợp xảy ra đó là: cơ thể tự đào thải hoặc can thiệp sử dụng thuốc. Nếu như khối chửa tự đào thải ra bên ngoài thì mẹ chỉ cần nghỉ ngơi, theo dõi và đi khám lại định kỳ sau thời gian quy định. Nếu như khối chửa không tự đào thải được ra bên ngoài thì sẽ cần có sự can thiệp của các loại thuốc, giúp thai tự tiêu và đẩy ra ngoài nhanh hơn. Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng biện pháp điều trị phẫu thuật dạng nội soi.
2.2. Phương pháp điều trị đối với thai thoái triển ở giai đoạn muộn
Lúc này, khối thai đã bị vỡ ra và không có cách xử lý nào khác ngoài việc mổ cấp cứu gấp để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có thể bảo toàn buồng trứng và ống dẫn trứng cho bệnh nhân nếu có thể. Tuy nhiên, nếu như khối thai có kích thước lớn, gây chảy máu nặng nề thì chị em phụ nữ sẽ cần phải chấp nhận việc sẽ phải loại bỏ các bộ phận liên quan để tránh khả năng xảy ra tình trạng hoại tử.
3. Phải làm sao để phòng tránh thai ngoài tử cung hiệu quả?
Theo đó, hiện tượng thai ngoài tử cung hiện nay chiếm tỉ lệ đáng kể. Cứ 1000 phụ nữu mang thai thì sẽ có khoảng 6 trường hợp bị thai ngoài tử cung. Do đó, để phòng tránh tình trạng bị thai ngoài tử cung, chị em phụ nữ nên lưu ý một số điều như sau:
– Chuẩn bị một sức khỏe thật tốt trước khi có ý định mang thai. Theo các bác sĩ chuyên khoa, một sức khỏe tốt sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc đậu thai thuận lợi, thành công.
– Chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình bằng cách quan hệ tình dục lành mạnh, tôn trọng quan hệ 1:1.
– Đi thăm khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng tới 1 năm 1 lần. Nếu có phát hiện thấy những bệnh lý phụ khoa nguy hiểm, thì cần có biện pháp điều trị và xử lý dứt điểm, tránh gây ảnh hưởng đến quá trình mang thai.
– Nếu bị chửa ngoài tử cung thì nên lập tức đi tới bệnh viện để được thăm khám và điều trị, tránh trường hợp khối chửa bị vỡ gây đe dọa tính mạng bản thân.
– Sau khi đã điều trị thai ngoài tử cung xong, nên tái khám theo lịch của bác sĩ đưa ra.
– Không nên vội vã có thai lại ngay mà nên chờ cho cơ thể hồi phục, ổn định từ khoảng ít nhất 3 tháng.
– Chủ động đi khám bác sĩ trước khi có ý định mang thai trở lại.
Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp chị em hiểu rõ hơn về dạng chửa ngoài tử cung thể thoái triển. Liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ thêm các thông tin khác nhé.