Khám tai định kỳ đầy đủ vào đúng lịch là một trong những yếu tố quan trọng giúp mẹ có thai kỳ khỏe mạnh và được đón bé bình an. Trong bài viết này Thu Cúc TCI sẽ cung cấp cho mẹ bầu đầy đủ thông tin về lịch khám cho bà bầu và những lưu ý quan trọng xoay quanh chủ đề này. Cùng tìm hiểu nhé!
Menu xem nhanh:
1. Tại sao bà bầu cần khám thai đúng lịch?
Mẹ bầu tuân thủ lịch khám thai định kỳ giúp mẹ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên, phát hiện sớm những bất thường trong thai kỳ nếu có và được hỗ trợ can thiệp kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng xấu có thể xảy ra đối với mẹ và thai nhi.
Bên cạnh đó, trong các lần khám thai khác nhau ở các mốc khác nhau, bác sĩ cũng sẽ có những thảo luận riêng với mẹ về chế độ dinh dưỡng, ăn uống, hoạt động thể chất,… để phù hợp với tình trạng thai kỳ của mẹ
Trong trường hợp mẹ không khám thai hoặc không tuân thủ các mốc khám thai định kỳ, nếu thai kỳ không thuận lợi, mẹ có thể rơi vào nhóm thai kỳ có nguy cơ cao, nguy cơ gặp những biến chứng nguy hiểm sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mẹ và thai nhi đều bị đe dọa.
Nếu mẹ hoặc bé thuộc một trong các yếu tố dưới đây thì mẹ cần đặc biệt quan tâm tới thai kỳ và lịch khám cho bà bầu để đảm bảo sức khỏe thuận lợi trong suốt quá trình mang thai.
– Về phía mẹ: mẹ có yếu tố gia đình đặc biệt, mẹ mang thai và sinh con trước quá sớm trước 17 tuổi hoặc quá trễ sau 35 tuổi, mẹ mang thai lần đầu, mẹ tiền sử khó có thai, mẹ mắc các bệnh lý trước mang thai không được kiểm soát tốt (tăng huyết áp, tim mạch, bệnh về thận,…), mẹ có chiều cao, thể trạng, hoặc yếu tố cơ địa khiến mẹ dễ mắc một số bệnh lý, mẹ bị rối loạn chuyển hóa (thừa cân, béo phì).
– Về phía thai nhi: đa thai, thai nhi của các vấn đề về nhau thai, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược,…
2. Chi tiết lịch khám cho bà bầu
Ở mỗi giai đoạn trong thời kỳ mang thai đều có những xét nghiệm sàng lọc và tầm soát quan trọng giúp chỉ ra những nguy cơ và bệnh lý thai kỳ. Mẹ cần đi khám đầy đủ để có kế hoạch quản lý thai cho từng thời điểm, nhận biết sớm các nguy cơ và được can thiệp điều trị kịp thời.
Lịch khám cho bà bầu gồm 10 mốc quan trọng.
2.1. Mốc đầu tiên – khi thai 8 tuần tuổi
Đây là mốc đầu tiên và cũng là mốc quan trọng xác định thai nhi đã làm tổ ổn định trong tử cung của mẹ hay chưa, thai nhi đã có nhịp tim thai đảm bảo có sự sống hay chưa. Đồng thời trong lần khám thai này mẹ cũng sẽ được thực hiện khám sức khỏe tổng quát đầy đủ và được bác sĩ tư vấn chi tiết về chế độ dinh dưỡng, ăn uống, vận động, nghỉ ngơi trong thai kỳ.
2.2. Mốc thứ 2 – khi thai 12 đến 15 tuần tuổi
Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ thực hiện xét nghiệm Double test và siêu âm kiểm tra những bất thường có thể gặp như: Thai vô sọ, thoát vị rốn, bàng quang lớn…
Đặc biệt, ở tuần thứ 12 của thai kỳ, mẹ sẽ thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy để đánh giá thai nhi có nguy cơ bị bệnh Down hay có bất thường gì về nhiễm sắc thể hay không.
Thời điểm thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy rất quan trọng, vì thế mẹ không được bỏ lỡ lần khám thai này để có kết quả kiểm tra chính xác nhất.
2.3. Mốc thứ 3 – khi thai 16 đến 18 tuần tuổi
Ở lần khám thai thứ 3 bác sĩ sẽ tiếp tục giúp mẹ thực hiện các kiểm tra thường quy như: kiểm tra cân nặng, huyết áp, siêu âm,… Bên cạnh đó, nếu ở mốc 12 tuần mẹ chưa thực hiện xét nghiệm Double test, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ thực hiện xét nghiệm Triple test. Xét nghiệm này giúp sàng lọc các bệnh như Double Test nhưng có độ nhạy thấp hơn.
2.4. Mốc thứ 4 – khi thai 22 đến 24 tuần tuổi
Tuần 22 của thai kỳ, các đặc điểm về hình dáng của bé đã trở nên rõ ràng hơn, ở tuần thai này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm hình thái thai nhi giúp phát hiện sớm các dị tật như sứt môi hở hàm ếch, các bất thường ở não, tim, cơ quan nội tạng, tứ chi,…
2.5. Mốc thứ 5 – khi thai 25 đến 29 tuần tuổi
Trong lần khám thai này mẹ cần thực hiện tầm soát tháo đường thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống để kịp thời phát hiện đái tháo đường thai kỳ và can thiệp sớm, hạn chế biến chứng thai to, đa ối, làm tăng tỷ lệ sảy thai, lưu thai, sinh non, nhiễm trùng,…
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mẹ được thực hiện tiêm vắc xin uốn ván để tạo kháng thể cho mẹ và bé trong lúc sinh (chỉ định tiêm sẽ tùy thuộc vào tình trạng của mẹ).
2.6. Mốc thứ 6 – khi thai 30 đến 32 tuần tuổi
Khi đi khám thai ở mốc thứ 6, mẹ sẽ tiếp tục được thực hiện siêu âm hình thái để phát hiện những dị tật bẩm sinh muộn ở thai nhi như: dị tật bẩm sinh tắc ruột, dị tật giãn não thất, nhiễm trùng bào thai, kiểm tra dị tật tim thai, ước tính kích thước thai nhi,….
2.7. Mốc thứ 7 – khi thai 36 đến 37 tuần tuổi
Ở tuần khám thai này mẹ sẽ cần thực hiện khám và xét nghiệm khá nhiều để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn sắp tới. Ngoài khám thường quy với bác sĩ Sản, mẹ sẽ được khám với bác sĩ gây tê, gây mê; mẹ sẽ được thực hiện xét nghiệm tìm vi khuẩn Streptococcus B, theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitor sản khoa, điện tâm đồ, HIV test,….
Ngoài ra, mẹ cũng sẽ được bác sĩ siêu âm ước lượng về cân nặng của thai nhi, kiểm tra dây rốn, nước ối, ngôi thai, mức độ canxi hóa,.. và đưa ra cho mẹ lời khuyên về chế độ chăm sóc thai kỳ phù hợp trong thời gian tới.
2.8. Mốc thứ 8, 9, 10 – khi thai 37,38,39 tuần tuổi
Từ tuần 37 trở đi là thời gian mẹ chuẩn bị tinh thần cho cuộc vượt cạn, mẹ nên đi siêu âm mỗi tuần một lần để kiểm tra về huyết áp, trọng lượng thai nhi, nhau thai, dây rốn,.. đặc biệt là thực hiện theo dõi nhịp tim thai và cơn co tử cung bằng monitor sản khoa để nắm bắt tình trạng sức khỏe bé, xử trí kịp thời trong trường hợp cần thiết.
3. Những lưu ý cho bà bầu khi đi khám thai
Để mẹ có tâm lấy thoải mái nhất khi đi khám thai và quá trình khám thai diễn ra thuận lợi, suôn sẻ dưới đây là một vài lưu ý dành cho mẹ.
– Việc khám thai đúng lịch là rất quan trọng, mẹ nên ghi chú lại những mốc khám thai quan trọng và lịch hẹn khám thai riêng của bác sĩ để đi khám đúng lịch và nắm bắt rõ nhất tình trạng sức khỏe trong thai kỳ.
– Trong tam cá nguyệt thứ nhất, khi đi khám thai mẹ thường sẽ được yêu cầu uống nhiều nước và không đi tiểu trước khi siêu âm. Mục đích là giúp cho bàng quang đầy và luôn căng để đẩy tử cung lên cao hơn, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát thai nhi hơn khi thực hiện siêu âm.
– Trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ, lúc này thai nhi đã phát triển lớn hơn vì thế trước khi đi siêu âm mẹ lại cần đi tiểu để làm trống bằng quang, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát thai nhi hơn.
– Vấn đề ăn uống trước khi đi khám thai cũng là một trong những yếu tố mà mẹ cần quan tâm. Mẹ không nên sử dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá,rượu bia, nước ngọt,.. Nếu lần khám này mẹ phải kiểm tra đường huyết thì mẹ cần nhịn ăn tối thiểu 8 tiếng để không làm ảnh hưởng tới tính chính xác của kết quả xét nghiệm. Nếu lần khám thai này mẹ đo tim thai hoặc siêu âm 4D thì mẹ cần ăn no.
– Khi khám thai mẹ nhớ mang theo đầy đủ hồ sơ khám và kết quả xét nghiệm của những lần trước để bác sĩ tiện theo dõi sức khỏe của mẹ và bé qua các lần khám thai và đưa ra phương án theo dõi thai phù hợp
– Mẹ nên ưu tiên trang phục thoải mái, đi giày bệt êm chân để dễ dàng tháo ra mang vào và đảm bảo an toàn khi di chuyển.
Trên đây là những thông tin cơ bản về lịch khám cho bà bầu và những lưu ý quan trọng. Hi vọng rằng bài viết đã giúp bạn nắm được lịch khám thai như thế nào và tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ. Nếu có câu hỏi nào về thai sản hay có nhu cầu tìm hiểu về dịch vụ thai sản trọn gói tại TCI, bạn có thể liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.