Tầm soát ung thư cổ tử cung ngày càng được chị em phụ nữ tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, các chị em đã thực sự hiểu rõ ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm ung thư cổ tử cung thông qua việc lấy máu trong kết quả chẩn đoán hay chưa. Vậy hãy theo dõi bài viết để hiểu hơn về các chỉ số xét nghiệm này nhé!
Menu xem nhanh:
1. Có nên xét nghiệm máu để sàng lọc ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm máu là phương pháp giúp bác sĩ phát hiện ra dấu ấn ung thư, trong máu có chứa các protein đặc biệt do tế bào ung thư sản sinh ra hoặc do các hormone, nên khi xét nghiệm máu các chỉ số xét nghiệm ung thư này cao hơn một chút. Khi xét nghiệm máu, các bác sĩ có thể phát hiện ra một số chất chỉ điểm như AFP, PSA, CEA… để phát hiện ung thư, tuy nhiên những chất chỉ điểm này không đặc hiệu và không thể hoàn toàn chứng minh bệnh. Vì vậy, các bác sĩ sẽ chỉ định cần phải xét nghiệm chuyên sâu hơn để khẳng định.
Ngoài ra, xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư còn được dùng để theo dõi điều trị tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trước khi tiến hành điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm. Nhưng cần lưu ý rằng giá trị của các chỉ số ung thư không phải tuyệt đối và nó chưa thể khẳng định chắc chắn bạn có mắc bệnh ung thư hay không. Tuy nhiên nếu xét nghiệm thấy các chỉ số ung thư này tăng cao, bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để chỉ định bệnh nhân thực hiện thêm các biện pháp chẩn đoán chuyên sâu khác. Chính vì vậy, cần khẳng định rằng, xét nghiệm máu nói chung và chỉ số xét nghiệm ung thư cổ tử cung thông qua đường máu nói riêng không thể hiện được 100% bản chất ung thư mà chỉ giúp xác định những dấu ấn ung thư giúp cho các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán.
2. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm ung thư cổ tử cung trong xét nghiệm máu
Trong các chỉ số xét nghiệm máu, có 4 chỉ số xét nghiệm ung thư cổ tử cung sau thường được sử dụng để xác định dấu ấn ung thư cổ tử cung.
2.1. Chỉ số CEA
Xét nghiệm CEA là xét nghiệm viết tắt từ Carcinoembryonic antigen, một protein được tìm thấy trong mô của một bào thai phát triển trong tử cung.
Bệnh nhân làm xét nghiệm CEA có thể dùng với 3 mục tiêu như sau:
– Sàng lọc ung thư.
– Theo dõi hiệu quả điều trị.
– Theo dõi di căn tái phát.
Người bình thường sẽ có nồng độ CEA giới hạn từ 0 – 2.5mcg trong 1 lít máu (mcg/L). Tuy nhiên, với những người hút thuốc lá thường xuyên, nồng độ CEA có thể tăng giới hạn bình thường đến 5 mcg/L. Chỉ số CEA cũng là một trong những chỉ số xét nghiệm ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, chỉ số này tăng cao trong máu có thể bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản, ung thư vú và một số căn bệnh ung thư khác.
2.2. Chỉ số CA 125
CA 125 là một trong những chỉ số xét nghiệm dấu ấn ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng, là một loại protein hiện diện với nồng độ cao trong máu khi có các tế bào u. Đặc biệt khi có sự hiện diện của các tế bào ung thư buồng trứng thì nồng độ CA 125 có nồng độ cao hơn. CA 125 tăng cao cũng có thể xuất hiện trong trong ung thư tử cung, ung thư phổi, ung thư vú và các ung thư đường tiêu hóa.
2.3. Chỉ số SCC (SCCA)
SCCA hoặc SCC hay còn được gọi là Squamous Cell Carcinoma Antigen, là kháng nguyên ung thư biểu mô tế bào vảy, lấy từ mô ung thư biểu mô tế bào vảy cổ tử cung. Một người khỏe mạnh tham chiếu đối với xét nghiệm SCC là <3.0 ng/ml. Với những bệnh nhân có ung thư biểu mô tế bào vảy như ung thư cổ tử cung thì chỉ số này sẽ tăng lên rất nhiều.
SCCA được ghi nhận là dấu ấn để theo dõi ung thư cổ tử cung giúp theo dõi và xác định trước khi điều trị ở bệnh nhân có nguy cơ cao. Nồng độ huyết thanh SCCA có liên quan đến giai đoạn của khối u, kích thước khối u, tồn lưu khối u sau khi điều trị, bệnh tái phát hoặc tiến triển, và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân với ung thư cổ tử cung.
2.4. Chỉ số CYFRA 21-1
CYFRA 21-1 là một chất chỉ điểm ung thư trong máu được dùng chủ yếu để chẩn đoán ung thư phổi. Ngoài ung thư phổi, định lượng CYFRA 21-1 còn có thể dùng để chẩn đoán một số loại ung thư khác như ung thư dạ dày, ung thư cổ tử cung, ung thư vú,… Chỉ số CYFRA 21-1 trong người bình thường là 0 – 3.3 ng/ml. CYFRA 21-1 tăng cao trong ung thư thực quản, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi không tế bào nhỏ, ung thư vú, tuyến tụy.
3. Các phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung chuyên sâu
Tuy nhiên, các chỉ số xét nghiệm dấu ấn ung thư cổ tử cung trong xét nghiệm máu tăng cao có thể đến từ rất nhiều nguyên nhân, vì vậy để chẩn đoán chính xác bạn có mắc ung thư hay không người bệnh cần làm kết hợp nhiều xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm, nội soi, sinh thiết… (tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà các bác sĩ sẽ có những yêu cầu khác nhau).
3.1. Xét nghiệm Pap Smear
Phương pháp phết tế bào cổ tử cung (Pap smear) là phương pháp tầm soát hàng đầu giúp phát hiện những biến đổi bất thường trong các tế bào nằm trong cổ tử cung. Sự xuất hiện của những tế bào các tế bào bất thường này là dấu hiệu điển hình tiền ung thư hoặc ở bệnh nhân ung thư giai đoạn khởi phát. Trong trường hợp, kết quả xét nghiệm Pap Smear phát hiện tế bào biến đổi bất thường, các bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm thêm để khẳng định và đưa ra phương án điều trị kịp thời trước khi các tế bào này phát triển thành ung thư.
3.2. Xét nghiệm HPV test
So với xét nghiệm Pap Smear, xét nghiệm HPV là xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung tiên tiến hơn, cho phép phát hiện các DNA của HPV sớm với độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Đặc biệt, 2 chủng virus HPV thường gây ung thư cổ tử cung là HPV16 và HPV18 có thể được xác định nhanh chóng. Hiện nay, xét nghiệm HPV cũng được các bác sĩ khuyến cáo để tầm soát ung thư cổ tử cung thay thế xét nghiệm Pap Smear do có độ chính xác và độ nhạy cao hơn.
Để thu thập mẫu xét nghiệm HPV, các bác sĩ cần lấy mẫu tế bào cổ tử cung trực tiếp, song không sử dụng dụng cụ mỏ vịt mà dùng que quấn gòn đặc biệt đưa vào cổ tử cung qua âm đạo.
3.3. Xét nghiệm Thinprep
Xét nghiệm Thinprep là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung được cải tiến đáng kể so với xét nghiệm Pap Smear. Xét nghiệm tế bào ung thư cổ tử cung Thinprep là xét nghiệm tiên tiến giúp chẩn đoán sớm và chính xác bệnh. Điểm khác biệt so với các phương pháp khác là mẫu tế bào cổ tử cung được thu thập sẽ được hòa với chất lỏng định hình trong một lọ Thinprep, sau đó được đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích bằng máy Thinprep làm tiêu bản hoàn toàn tự động.
3.4. Nội soi tử cung
Nội soi buồng tử cung là một kỹ thuật y khoa chuyên trong công tác chẩn đoán bệnh Sản – Phụ khoa, sử dụng ống nội soi tử cung để quan sát cấu trúc bên trong của tử cung. Ống nội soi sẽ được đưa vào cơ thể thông qua âm đạo vào đến tử cung và truyền tín hiệu hình ảnh về một màn hình để bác sĩ theo dõi. Từ những hình ảnh sau nội soi, các bác sĩ có thể dễ dàng hơn trong việc chẩn đoán bệnh.
3.5. Siêu âm tử cung buồng trứng
Siêu âm buồng trứng là một trong những kỹ thuật sử dụng đầu dò có phát sóng siêu âm để đưa sâu vào âm đạo. Thủ thuật này còn được nhiều người gọi với tên khác là siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo và chỉ được chỉ định cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Với kỹ thuật chuyên sâu này, bác sĩ có thể đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng của buồng trứng, tử cung và nhiều vùng khác. Phương pháp siêu âm buồng trứng mang đến kết quả chẩn đoán chính xác cao, điều này giúp cho các bác sĩ có thể chẩn đoán cũng như kịp thời đánh giá tình trạng của buồng trứng.
4. Các lưu ý trước khi đi xét nghiệm máu và tầm soát ung thư cổ tử cung
Để các chỉ số xét nghiệm dấu ấn ung thư cổ tử cung có kết quả chính xác, người bệnh cần tìm đến các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại. Đặc biệt tay nghề của bác sĩ rất quan trọng giúp chẩn đoán bệnh lý chính xác dựa trên các chỉ số xét nghiệm có được và đánh giá chính xác mức độ, tình trạng sức khỏe của từng người bệnh. Căn cứ vào đó để đưa ra biện pháp chữa trị kịp thời, hiệu quả.
Hệ thống y tế Thu Cúc – TCI từ lâu đã được biết đến là một cơ sở uy tín và có nhiều năm kinh nghiệm trong dịch vụ tầm soát sức khỏe nói chung và tầm soát ung thư cổ tử cung nói riêng với các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại và có nhiều thiết bị khám bệnh công nghệ cao. Đây là một địa chỉ đáng để các chị em quan tâm và tham khảo nếu có nhu cầu làm thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung nói riêng hoặc đăng ký các gói khám tầm soát sức khỏe nói chung.