Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ. Bệnh chỉ nguy hiểm khi hiểu sai cách chữa trị và dẫn tới biến chứng. Phát ban ở trẻ nhỏ thường có những biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, nặng hơn sẽ là viêm não. Dưới đây là cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban đúng cách, bạn đọc nên tham khảo.
Menu xem nhanh:
1. Chăm sóc trẻ bị sốt phát ban đúng cách
Hạ sốt đúng cách cho trẻ: nếu trẻ sốt từ 38 độ C cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt loại paracetamol loại đơn chất với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 – 6 giờ một lần. Lau người cho trẻ bằng nước ấm khi cần, để tránh biến chứng sốt cao co giật ở trẻ.
Giảm ho, giảm đau họng cho trẻ: khi trẻ xuất hiện triệu chứng ho nên cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược gừng hấp mật ong, quất hấp,…
Nếu trẻ bị sổ mũi, khó thở cha mẹ có thể làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm.
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… Trẻ ăn uống quá khó khăn phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là những loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin cho cơ thể, cải thiện sức đề kháng.
Giữ vệ sinh da luôn sạch và khô thoáng: qua việc tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày, không nên kiêng gió, kiêng nước, kiêng ăn.
Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu và dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên, không nên để trẻ bị lạnh.
2. Khi nào trẻ bị sốt phát ban cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Khi trẻ có những dấu hiệu khiến bệnh trở nặng, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời hiệu quả.
Dấu hiệu trẻ bị sốt phát ban được chăm sóc tại nhà sẽ được hướng dẫn tái khám theo hẹn mỗi ngày hoặc 2 ngày một lần tùy theo tình trạng bệnh của trẻ. Phụ huynh cần cho trẻ đến khám lại ngay khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sau:
– Trẻ bị sốt cao không hạ sau khi đã phát ban.
– Thay đổi tri giác: lừ đừ, ngủ li bì, hôn mê.
– Trẻ bị co giật.
– Trẻ thở mệt, thở nhanh, khó thở.
3. Phương pháp phòng ngừa bệnh sốt phát ban cho trẻ
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị nghi ngờ đang mắc bệnh, cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban.
– Cách phòng ngừa tốt nhất là chủng ngừa: Sởi có thể chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Rubella được chích chung với quai bị và sởi bằng vắc-xin 3 trong 1 khi trẻ được 12 tháng – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4 tuổi – 6 tuổi.