Răng hàm nằm sâu bên trong cung hàm nhưng lại có tác dụng rất lớn trong việc giữ tính thẩm mỹ, hài hòa cho cả khuôn mặt. Do nằm ở vị trí sâu trong cùng nên răng hàm cũng thường xuyên gặp phải nhiều vấn đề răng miệng. Hậu quả tệ nhất là phải nhổ bỏ răng hàm. Quá trình nhổ có thể gây ra đau đớn nhưng cũng cần biết cách chăm sóc sau nhổ răng hàm để mau lành vết thương, sớm ăn uống bình thường trở lại và hạn chế các biến chứng không đáng có.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về răng hàm
Răng hàm hay còn gọi là răng cối là những răng mọc bên trong cùng của hàm. Trong tổng số 32 răng vĩnh viễn, răng hàm chiếm tới 20 chiếc. Bởi vậy, răng hàm có tác dụng rất lớn trong việc đảm bảo chức năng nhai. Bên cạnh đó, răng hàm kết hợp với các răng khác giúp bảo vệ xương hàm, đảm bảo phát âm đúng, chính xác. Như đã đề cập, răng hàm còn có tác dụng định hình và đảm bảo tính hài hòa, thẩm mỹ của toàn bộ khuôn mặt. Răng khôn (răng số 8) cũng là 1 răng hàm nhưng có thời gian mọc muộn hơn và thường có hiện tượng mọc lệch gây nguy hại đến răng bên cạnh. Răng này hầu như không có tác dụng trong ăn nhai. Các răng hàm vì lý do nào đó khi mất đi sẽ không bao giờ mọc lại mà cần các biện pháp phục hình. Việc để trống răng sẽ gây nên những hệ lụy nguy hiểm như tiêu xương hàm, hàm răng xô lệch.
Về cấu trúc thì răng hàm có 2 mặt bên, mặt ngoài, mặt trong và mặt nhai. Trong đó, mặt nhai của răng hàm có diện tích tiếp xúc lớn nhất, nên đây là răng rất quan trọng trong quá trình ăn nhai. Về cấu tạo của răng hàm tương tự như các răng khác: men răng, ngà răng và tủy răng.
2. Lý do có thể cần phải nhổ bỏ răng hàm
Răng là bộ phận cực kỳ bền bỉ nhưng vì nhiều lý do, răng này có thể bị vỡ, nứt,… cần phải nhổ bỏ. Các trường hợp có thể được chỉ định nhổ răng hàm có thể kể đến như:
– Sâu răng hàm: sâu răng có thể gặp ở mọi lứa tuổi và tất cả răng đều có nguy cơ bị sâu. Răng hàm không phải ngoại lệ. Thậm chí răng hàm còn có tỉ lệ sâu răng cao hơn do nằm ở vị trí sâu, dễ mắc vụn thức ăn, khó vệ sinh, vi khuẩn tích tụ phá hủy răng. Sâu răng nếu được phát hiện sớm có thể được điều trị bằng cách trám răng. Nếu để bệnh tiến triển nặng hơn thì có thể cần nhổ bỏ răng sâu và dùng các biện pháp khắc phục để bù răng mất như: cầu răng sứ và cấy răng Implant.
– Răng bị vỡ, nứt: các răng có thể bị nứt vỡ do va đập, tai nạn. Răng nứt vỡ có thể gây ra những cơn đau nhức, ê buốt cho răng. Khi không thể nẹp răng, phục hình thì cần nhổ bỏ để tránh nguy cơ xảy ra viêm nhiễm lan đến tủy răng.
– Nhổ bỏ răng khôn mọc lệch, mọc ngầm: răng số 8 là răng hàm lớn, không có nhiều tác dụng trong ăn nhai, dễ mọc lệch. Nhiều trường hợp răng mọc thẳng, không gây ra bất cứ cản trở nào. Nhưng trong trường hợp răng mọc lệch, ngầm, đâm vào răng bên cạnh thì cần được nhổ bỏ. Điều này giúp bảo tồn tối đa các răng khác. Hiện nay có phương pháp nhổ răng khôn bằng máy Piezotome hạn chế chảy máu và đau nhức cho bệnh nhân.
– Nhổ răng để chỉnh nha: trong quá trình niềng răng, chỉnh nha, bác sĩ có thể chỉ định nhổ bỏ răng hàm để thuận tiện hơn trong quá trình kéo các răng mọc lệch về vị trí cung hàm.
3. Nhổ răng hàm có gây nguy hiểm không?
Tùy vào tình trạng răng miệng và sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Nhiều bệnh nhân lo ngại về ảnh hưởng của việc nhổ răng hàm đến sức khỏe hoặc chỉ đơn giản là sợ đau nên từ chối hoặc trì hoãn việc điều trị. Thực tế, nhổ răng nói chung và nhổ răng hàm nói chung là thủ thuật đơn giản. Hiện nay cũng có rất nhiều loại máy móc tham gia hỗ trợ quá trình nhổ răng, giúp giảm các cơn đau và tối ưu thời gian thực hiện.
Tuy nhiên, khác với các răng ở vị trí bên ngoài dễ thấy, răng hàm nằm ở vị trí sâu nhất nên việc nhổ răng hàm cũng đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn. Để đảm bảo an toàn khi nhổ răng hàm, đòi hỏi sự khéo léo và chuyên môn cao của các bác sĩ thực hiện. Cần biết răng hàm có thể có tới 4 chân, một số răng có chân cong và có xu hướng xoắn, việc nhổ bỏ những răng này đặc biệt khó khăn hơn. Răng số 8 mọc lệch, mọc ngầm cũng là 1 trường hợp đặc biệt cần lưu ý khi tiến hành nhổ răng hàm.
Để quá trình nhổ răng hàm diễn ra an toàn, cần yêu cầu:
– Bác sĩ có chuyên môn tốt, kỹ thuật chính xác, có kinh nghiệm
– Phòng khám, nhổ răng, thiết bị, dụng cụ nhổ răng đảm bảo vô trùng
Sau khi nhổ bỏ răng hàm, bác sĩ cần lưu ý cho người bệnh về những biến chứng có thể gặp và hướng dẫn cách chăm sóc tại nhà đơn giản nhất. Khi thấy có dấu hiệu bất thường cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để sớm xử lý.
4. Chăm sóc sau nhổ răng hàm giúp mau lành vết thương
Bệnh nhân có thể ghi nhớ những lưu ý dưới đây để chăm sóc sau nhổ răng hàm tốt hơn, đẩy nhanh quá trình lành vết thương:
– Nghỉ ngơi sau khi nhổ răng
– Thay gạc sau 30 phút – 1 giờ để lấy máu đông hình thành sau nhổ
– Tránh súc miệng
– Nếu đau có thể sử dụng thuốc giảm đau paracetamol hoặc chườm lạnh
– Không khạc nhổ, hút thuốc
– Tránh đồ ăn quá nóng hoặc lạnh, nên ăn đồ ăn lỏng, nguội
Lưu ý sau khi nhổ từ 3 đến 10 ngày:
– Súc miệng bằng nước muối làm sạch khoang miệng
– Đánh răng và vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng
– Chú ý tái khám nếu thấy có dấu hiệu bất thường
Việc nhổ bỏ răng hàm trong các trường hợp không thể phục hình răng sẽ giúp đảm bảo chức năng ăn nhai. Quá trình nhổ răng cần được thực hiện tại các cơ sở uy tín, đảm bảo vô trùng và sạch sẽ tránh nhiễm khuẩn. Hậu nhổ răng, cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ. Chú ý không được tự ý đắp lá, đắp thuốc nam vì có thể khiến bị viêm nhiễm, dẫn đến các bệnh lý răng miệng khác. Nha khoa Thu Cúc TCI luôn đồng hành cùng bạn chăm sóc và bảo vệ răng luôn chắc khỏe.