Vào thời điểm mùa đông ở miền Bắc nước ta, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị mắc bệnh viêm tiểu phế quản tăng cao nguyên nhân là thời tiết hanh khô, nhiệt độ thấp nên trẻ nhỏ dễ bị nhiễm lạnh, virus xâm nhập vào cơ thể. Cha mẹ phải đặc biệt quan tâm tình trạng viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh bởi tỷ lệ nhập viện điều trị bệnh này là khá cao.
Menu xem nhanh:
1. Tại sao trẻ sơ sinh dễ bị viêm tiểu phế quản?
Viêm tiểu phế quản là tình trạng viêm cấp tính của các phế quản nhỏ và trung bình thường bắt gặp chủ yếu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bệnh viêm tiểu phế quản thường khiến cho đường dẫn khí nhỏ (hay còn gọi là tiểu phế quản) của phổi bị viêm nhiễm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus tấn công vào tiểu phế quản dẫn đến viêm nhiễm.
Nếu trẻ không được phát hiện và điều trị sớm, lâu dần tiểu phế quản bị sưng lên và viêm tấy, lòng phế quản tăng tiết chất nhầy và gây khó khăn trong việc lưu thông không khí trong phổi.
Virus hợp bào RSV chính là thủ phạm chính gây nên viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra một số virus khác cũng là tác nhân gây bệnh như: virus cúm hay bệnh cảm lạnh.
Cơ chế lây nhiễm của virus RSV rất giống với COVID-19, đó là chúng có thể gây lây bệnh từ người sang người thông qua tiếp xúc từ các giọt bắn hô hấp giữa trẻ lành và trẻ bệnh trong khi giao tiếp, sinh hoạt hoặc dùng chung đồ vật chứa virus.
2. Những đối tượng trẻ nhỏ nào có nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản cao?
Phổi và hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên những trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc viêm phế quản cao nhất, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp là do trẻ mắc các bệnh lý làm tăng nguy cơ mắc viêm tiểu phế quản như:
-Trẻ sơ sinh bị suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi.
– Trẻ bị bệnh suy hô hấp.
– Trẻ bị mắc các bệnh mạn tính như: bệnh tim, cao áp phổi, loạn sản phế quản phổi.
– Trẻ ở trong tập thể đông người mà có người bị nhiễm bệnh: nhà trẻ, khu vui chơi, công viên…
– Trẻ sống ở môi trường có khói thuốc là hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc lá gián tiếp từ người khác.
– Trẻ nhỏ trong vòng 6 tháng đầu trẻ hoàn toàn không được bú sữa mẹ.
3. Những biểu hiện và triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ?
– Trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản sẽ có dấu hiệu đặc trưng như: trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi, ho, khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, viêm tai giữa.
– Với những trường hợp trẻ sơ sinh bị viêm tiểu phế quản do sinh non, bị bệnh phổi hoặc tim, bé bỏ bú,… thì cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện hay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám nếu trẻ có các dấu hiệu sau: nhịp thở nhanh, khi hút vào xương lõm xuống, trở chậm phản ứng, lờ đờ, chậm chạp.
– Ở những trẻ gặp biến chứng nặng sẽ bao gồm các triệu chứng: da và môi trở nên xanh hoặc tím tái dần đi, suy hô hấp, mất nước… nguy hiểm hơn là trẻ bị ngưng tim, ngưng thở.
– Ở những trường hợp nặng, viêm tiểu phế quản sẽ gây suy hô hấp ở trẻ, trẻ sẽ phải đặt ống nội khí quản để trợ thở.
– Đặc biệt với những trường hợp trẻ có các bệnh lý nền, hệ miễn dịch suy yếu thì cha mẹ cần phải theo dõi sát sao nhằm kiểm soát bệnh từ sớm và điều trị kịp thời.
4. Phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ như thế nào hiệu quả?
Virus chính là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh. Chính vì vậy để ngăn chặn mầm bệnh cha mẹ cần tuân thủ các biện pháp như sau:
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài hoặc tiếp xúc nơi công cộng.
– Nếu trẻ bị mắc bệnh, cha mẹ cần lưu ý cách ly trẻ tại nhà một thời gian đến khi khỏi bệnh để tránh lây sang trẻ khác.
– Nếu trẻ ho, hắt hơi cần lưu ý che miệng, mũi bằng khăn giấy và sau đó vứt rác tại nơi đúng quy định.
– Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay có cồn để sát khuẩn ngay sau đó hoặc khi chăm sóc trẻ.
– Lau dọn, khử trùng bề mặt cũng như các vật dụng trong nhà mà mọi người sử dụng chung thường xuyên.
– Cho trẻ sử dụng đồ cá nhân riêng biệt như cốc nước, khăn lau mặt… để tránh lây nhiễm với người khác;
– Nếu sinh sống ở gần những người có dấu hiệu của bệnh viêm tiểu phế quản như bị sốt, cảm lạnh,… thì cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc và đeo khẩu trang.
– Mẹ cần cho con bú đủ trong vòng 6 tháng đầu đời để giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt và nâng cao khả năng phòng bệnh.
– Hiện nay chưa có vắc xin tiêm phòng RSV, do đó để phòng bệnh thì những trẻ nhỏ trên 6 tháng tuổi kể cả người lớn đều có thể tiêm phòng cúm hàng năm để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh mà các bậc phụ huynh cần nắm rõ để có những phương án điều đúng cách và phù hợp. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm viêm tiểu phế quản hoặc có dấu hiệu của bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát sao trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả.