Xét nghiệm CEA là xét nghiệm được sử dụng nhằm hỗ trợ chẩn đoán một số căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ về CEA – một chỉ số tầm soát ung thư đại trực tràng mang lại nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán, tiên lượng bệnh. Hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết dưới đây.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về CEA – một chỉ số tầm soát ung thư đại trực tràng quan trọng
1.1. Chỉ số tầm soát ung thư đại trực tràng CEA là gì?
CEA (tiếng Anh là Carcinoembryonic antigen) là một kháng nguyên trong huyết thanh chỉ điểm cho các khối u ở đường tiêu hóa. Loại protein này cũng thường xuất hiện ở trong mô thai nhi. Tuy nhiên đến khi trẻ ra đời, nồng độ protein này rất thấp hoặc biến mất. Do đó, nếu người lớn có nồng độ CEA bất thường thì khả năng cao đó là dấu hiệu của ung thư.
Xét nghiệm định lượng CEA là xét nghiệm tầm soát và giúp bác sĩ theo dõi điều trị một số căn bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Những khối u ở đường tiêu hóa, kể cả khối u ác tính ung thư lẫn khối u lành tính đều có thể gây nên sự tăng nồng độ CEA. Bên cạnh đó, các bệnh ung thư khác gây tăng CEA có thể kể đến như: ung thư dạ dày, vú, buồng trứng, ung thư phổi, tuyến tụy, nhiễm trùng, tuyến giáp, người hút thuốc lá, viêm tụy, xơ gan, viêm ruột, hoặc một số khối u lành tính khác,…
1.2. Ý nghĩa của chỉ số tầm soát ung thư đại trực tràng CEA
Xét nghiệm CEA giúp mang đến nhiều ý nghĩa trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Cụ thể như sau:
Giúp tiên lượng và xác định được giai đoạn ung thư
Xét nghiệm lần đầu ở người có khối u nhỏ hoặc ung thư vào giai đoạn đầu sẽ có nồng độ CEA ở mức bình thường hoặc tăng nhẹ. Còn người có khối u lớn hoặc bị ung thư giai đoạn muộn, đặc biệt khi khối u đã di căn tới toàn cơ thể thì nồng độ CEA sẽ tăng mạnh. Chỉ số CEA kết hợp với các loại xét nghiệm khác sẽ giúp bác sĩ đánh giá được giai đoạn của ung thư.
Giúp theo dõi đáp ứng điều trị
Nếu bệnh nhân sau khi điều trị, thấy lượng CEA trong máu tăng nhẹ rồi giảm dần về mức bình thường trong khoảng 4 – 6 tuần thì được xem là điều trị thành công. Tuy nhiên, nếu nồng độ CEA tăng đều ít nhất trong 2 tháng thì đây có thể là dấu hiệu của việc bệnh có khả năng sẽ tái phát lại.
Xét nghiệm di căn
Nếu định lượng CEA trong dịch cơ thể khác ngoài máu tăng lên thì chứng tỏ ung thư đã xâm lấn sang tới các khu vực lân cận hoặc di căn xa ra ngoài vùng khác của cơ thể. Ví dụ, nếu CEA thấy trong dịch màng phổi thì có nghĩa là ung thư đã di căn đến hệ hô hấp.
2. Tham khảo cách đọc chỉ số CEA
Xét nghiệm CEA có thể được thực hiện trên mẫu huyết tương hoặc dịch cơ thể, chỉ số CEA bình thường sẽ ở các mức như sau:
CEA huyết tương
– Ở người bình thường không hút thuốc lá thì giá trị CEA huyết tương bình thường khoảng 0 – 3.4 ng/mL.
– Ở người hút thuốc lá thì giá trị CEA bình thường là < 5 ng/ml.
– Ở người mắc các bệnh lành tính thì giá trị CEA huyết tương là < 10 ng/ml.
CEA trong dịch cơ thể
Trong các dịch chọc dò ở người mạnh khỏe, không bị ung thư thì giá trị CEA gần như sẽ bằng với giá trị CEA bình thường ở trong huyết tương. Cụ thể:
– Ở người không mắc ung thư, nồng độ CEA dịch màng bụng có giá trị là < 4,6 ng/mL (giá trị cắt <5,0 ng/ml).
– Ở người không mắc ung thư, nồng độ CEA dịch não tủy có giá trị là 1,53±0,38 ng/ml.
– Ở người không mắc ung thư, nồng độ CEA cắt dịch màng phổi có giá trị là 2,4 ng/ml.
Như vậy bình thường, nồng độ CEA ở trong huyết tương và dịch cơ thể sẽ rơi vào khoảng 0 – 5 ng/ml. Những bệnh nhân bị ung thư có tăng CEA vượt mức bình thường sẽ rơi vào khoảng 50 – 70% trường hợp, còn tùy thuộc vào loại ung thư và vị trí ung thư khác nhau.
Ở một số bệnh nhân ung thư, chỉ số CEA tăng cao đột biến, đặc biệt là ung thư trực tràng và đại trực tràng. Do đó, xét nghiệm này thường dùng trong chẩn đoán, theo dõi điều trị bệnh. CEA cũng thường tăng nhưng không quá cao với người bị ung thư vú, buồng trứng, ung thư tuyến tụy hoặc ung thư phổi.
Như vậy, dựa trên kết quả xét nghiệm CEA cao thì chưa thể đánh giá chính xác bệnh lý mà bạn đang gặp phải. Do đó, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định cho bệnh nhân thực hiện cùng với các phương pháp thăm khám chuyên sâu khác để đảm bảo có kết quả đúng nhất.
Để thực hiện xét nghiệm CEA chính xác, bạn cũng cần đăng ký tại các cơ sở uy tín với trang thiết bị hiện đại. Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI là một trong những cơ sở y tế được nhiều người dân tin chọn. TCI ứng dụng hệ thống xét nghiệm tự động bằng robot, đạt chuẩn ISO 15189:2012 cùng đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật dày dặn kinh nghiệm,… sẽ mang đến kết quả chính xác và nhanh chóng cho người bệnh. Ngoài ra, tại đây cũng triển khai đa dạng các gói khám sức khỏe và tầm soát ung thư, trong đó có ung thư đại trực tràng phù hợp với mọi nhu cầu của người dân.
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về chỉ số CEA thường gặp trong tầm soát ung thư đại trực tràng.Hãy bảo vệ sức khỏe của mình càng sớm càng tốt bằng cách chú ý đi thăm khám định kỳ nhé!