Sỏi bàng quang nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể kéo theo nhiều nguy cơ biến chứng. Vậy những biến chứng sỏi bàng quang này nguy hiểm thế nào? Hay cùng tìm hiểu trong bài viết đây để có cách phòng ngừa và khắc phục bệnh sớm.
Menu xem nhanh:
1. Tổng quan về bệnh lý sỏi bàng quang
1.1 Sỏi bàng quang là gì?
Bàng quang được coi là “bể chứa” nước tiểu sau khi nước tiểu từ thận bài tiết xuống niệu quản, bộ phận này nằm ở vùng hạ vị, có khả năng đàn hồi, cấu tạo bởi các cơ trơn . Đây cũng là cơ quan có tiết diện khá lớn trong hệ tiết niệu, do đó nước tiểu sẽ được “giữ” trong nước tiểu trong thời gian ngắn, trước khi thoát ra ngoài qua ống niệu đạo.
Sỏi bàng quang hình thành khi các chất cặn và khoáng chất trong nước tiểu liên kết thành tinh thể cứng và chặn dòng nước tiểu, đặc biệt khi người bệnh thường xuyên nhịn tiểu khiến nước tiểu ứ đọng trong cơ thể quá lâu hoặc sử dụng thuốc điều trị bệnh lâu dài. Bên cạnh đó, sỏi có thể xuất hiện khi sỏi thận, sỏi niệu quản rơi xuống bàng quang, hay còn gọi là sỏi thận bàng quang.
Sỏi bàng quang là tình trạng thường gặp ở nam giới hơn so với nữ giới, đặc biệt là nam giới tuổi trung niên. Đặc biệt dễ mắc phải với các bệnh nhân có bệnh lý nền tiết niệu như: túi thừa, viêm nhiễm bàng quang, cổ bàng quang chít hẹp, u xơ tiền liệt tuyến, viêm tiền liệt tuyến, có dị vật bàng quang… Sỏi bàng quang rất đa dạng về kích thước, số lượng. Sỏi có thể có 1 viên hoặc nhiều viên, kích thước có thể từ 2mm đến kích thước lớn nhất lên tới 30mm.
1.2 Triệu chứng của bệnh sỏi bàng quang
Bệnh sỏi bàng quang khi sỏi nhỏ không gây nhiều triệu chứng khiến người bệnh thường chủ quan và bỏ qua. Tuy nhiên, nếu để kéo dài, sỏi sẽ có những triệu chứng dễ nhận dạng
– Bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ngắt quàng, đi tiểu nhiều lần. Đi tiểu ra máu nhạt.
– Nước tiểu đục, thẫm, màu đậm hơn bình thường và có mùi hôi khó chịu.
– Đau bụng dưới, đau dương vật ở nam giới
– Sốt không rõ nguyên nhân
Những triệu chứng của sỏi bàng quang thường ngắt quãng ở giai đoạn đầu và nặng dần lên khi sỏi phát triển với kích thước lớn. Do đó, ngay khi phát hiện một trong số các dấu hiệu bất thường trên, người bệnh nên thăm khám và chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời, tránh bị biến chứng sỏi bàng quang.
1.3 Phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi bàng quang
Khám ban đầu hay khám lâm sàng là cách để bác sĩ xác định chính xác tình trạng bệnh của bệnh nhân với: vị trí, kích thước, tính chất, số lượng… Đồng thời, với nhiều trường hợp điều trị tán sỏi, bệnh nhân có thể được chỉ định kiểm tra bụng dưới, kiểm tra trực tràng để xác định có đủ điều kiện thực hiện điều trị hay không. Một số xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán bệnh bao gồm:
– Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra tình trạng máu, khoáng chất và vi khuẩn.
– Soi bàng quang: Xác định chính xác tình trạng sỏi
– Chụp CT: Phát hiện sỏi nhỏ, tránh để sót sỏi.
– Siêu âm: Xác định hình ảnh sỏi bằng sóng âm
– Chụp X-quang (KUB): Xác định sỏi trong hệ tiết niệu.
– Chụp cản quang đường tĩnh mạch: Chất cản quang được tiêm vào tĩnh mạch, đến hệ tiết niệu và đi xuống dưới. Chất cản quang này đi đến đâu, hình ảnh sẽ được thu lại bằng máy chụp X quang đến đó.
2. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi bàng quang
2.1 Viêm bàng quang – biến chứng sỏi bàng quang thường gặp
Việc sỏi liên tục cọ xát vào niêm mạc bàng quang gây ra chảy máu và nhiễm trùng, bàng quang bị tổn thương. Điều này dẫn đến người bệnh bị viêm nhiễm, bàng quang có mủ. Tình trạng này kéo dài dẫn tới viêm bàng quang mạn tính.
2.2 Viêm đường tiết niệu – biến chứng phổ biến
Nước tiểu ứ đọng quá lâu tại bàng quang tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi, nếu không can thiệp kịp thời dẫn tới tình trạng viêm đường tiết niệu. Viêm nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến chức năng của bàng quang, thận, niệu quản…
2.3 Viêm thận và suy thận – biến chứng sỏi bàng quang nguy hiểm
Sỏi chặn dòng nước tiểu tại bàng quang thoát ra ngoài dẫn tới tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu tại bàng quang. Tình trạng này kéo dài khiến nước tiểu tràn ngược lại niệu quản và thận gây viêm đường tiết niệu. Nếu nước tiểu quay ngược dòng về thận quá lâu sẽ dẫn tới tính trạng rối loạn, giãn đài bể thận… lâu dần trở thành viêm thận và suy thận. Thậm chí, người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường máu.
2.4 Bí tiểu, rò bàng quang, teo bàng quang – biến chứng khó chịu
Không chỉ gây nên những biến chứng nguy hiểm, sỏi bàng quang còn có thể dẫn tới nhiều nguy cơ bất tiện, khó khăn trong sinh hoạt và đời sống. Cụ thể, sỏi bàng quang gây nhiễm trùng ảnh hưởng tới cơ vòng. Bàng quang không điều khiển được nhóm cơ này khiến người bệnh đi tiểu khó tự chủ. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Tình trạng đi tiểu rối loạn kéo dài, nước tiểu khó thoát ra ngoài dễ dẫn tới nguy cơ rò bàng quang và teo bàng quang; đồng thời, chức năng của bàng quang có thể bị ảnh hưởng rất lớn.
3. Điều trị sỏi bàng quang sớm – thoát khỏi nguy cơ biến chứng
Điều trị nội khoa
Để thoát khỏi biến chứng sỏi bàng quang, người bệnh nên thăm khám để xác định tình trạng bệnh, đặc biệt là vị trí và kích thước của sỏi trước khi bắt đầu điều trị. Nếu sỏi còn nhỏ, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng thuốc. Thời gian sỏi đào thải ra ngoài cơ thể có thể từ 2-4 tháng tùy thuộc vào kích thước của sỏi.
Điều trị ngoại khoa
Đối với các viên sỏi lớn hơn, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện tán sỏi. Cụ thể, phương pháp được chỉ định phổ biến là Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Đây là kỹ thuật sử dụng ống nội soi luồn theo đường tiểu, từ niệu đạo đi ngược lên bàng quang, tiếp cận và tán vỡ viên sỏi. Phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội: không đau, không mổ, không ảnh hưởng chức năng. Sỏi được xử lí sạch sẽ mà không gặp phải biến chứng như các phương pháp truyền thống. Đồng thời, người bệnh hồi phục nhanh, chỉ sau 24h lưu viện là có thể về nhà.
Trường hợp, tán sỏi không còn hiệu quả, người bệnh có thể được chỉ định mổ mở lấy sỏi ra ngoài. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả tuy nhiên sẽ có ít nhiều đau đớn và nguy cơ biến chứng sau điều trị.