Cách phòng tránh bệnh còi xương cho trẻ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Còi xương là vấn đề thường gặp ở trẻ, nếu không được phát hiện và xử trí sớm thì sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sự phát triển của bé trong tương lai. Tìm hiểu ngay cách phòng tránh bệnh còi xương cho trẻ hữu ích ngay sau đây.

1. Tổng quan về bệnh còi xương

Còi xương là tình trạng loạn dưỡng xương do thiếu hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 6 tháng tới 36 tháng.

Vitamin D là có khả năng tan trong chất béo, tồn tại trong thức ăn từ động vật như cá, trứng, sữa… Vitamin D đảm nhiệm vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển hệ xương của trẻ. Khi cơ thể trẻ bị thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và photpho khiến cơ thể phải huy động canxi trong xương để ổn định nồng độ canxi trong máu. Từ đó, dẫn tới tình trạng còi xương, chậm phát triển thể chất, khiến trẻ chậm lớn, chậm biết đi, xương có thể bị dị dạng, chân vòng kiềng…

Những khu vực như miền núi nhiều sương mù, ít ánh nắng mặt trời có tỷ lệ trẻ mắc bệnh cao hơn do khả năng tổng hợp vitamin D bị giảm sút. Trẻ em ở các khu vực khác cũng có nguy cơ mắc bệnh do nhiều yếu tố. Vì vậy các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong quá trình chăm sóc trẻ, nếu thấy trẻ có dấu hiệu chậm lớn thì nên đưa con đi khám để được bác sĩ xử trí kịp thời.

Còi xương là tình trạng loạn dưỡng xương do cơ thể trẻ bị thiếu vitamin D

Còi xương là tình trạng loạn dưỡng xương do cơ thể trẻ bị thiếu vitamin D

2. Nguyên nhân trẻ bị còi xương

Còi xương ở trẻ nhỏ thường là do thiếu Vitamin D hoặc canxi dẫn tới quá trình tạo xương bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể hình thành do khiếm khuyết di truyền hoặc liên quan đến một số vấn đề về sức khỏe khác. Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra tình trạng còi xương ở trẻ chủ yếu là do:

– Thiếu ánh sáng mặt trời: Do ảnh hưởng của yếu tố địa lý, khí hậu, lối sống… dẫn tới sự hạn chế về việc tiếp xúc da của trẻ với ánh nắng mặt trời. Trong ánh nắng mặt trời có tia UV giúp các tế bào da chuyển hóa tiền chất vitamin từ trạng thái không hoạt động thành trạng thái hoạt động. Do đó, những trẻ ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao bị còi xương.

– Thiếu vitamin D trong thai kỳ: Người mẹ bị thiếu canxi khiến lượng vitamin D dự trữ thu được qua nhau thai bị giảm đi, làm trẻ bị còi xương ngay khi còn ở trong thai kỳ.

– Do chế độ dinh dưỡng: Phần lớn trẻ không được nuôi dưỡng bằng mẹ sẽ có nguy cơ cao bị còi xương hơn do vitamin D có trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn, tỷ lệ canxi và phốt pho cũng thích hợp để xương của trẻ phát triển toàn diện.

– Tình trạng dinh dưỡng: Trẻ sinh non hoặc sinh ra nhẹ hơn 2500g dễ bị còi xương hơn do cơ thể không đủ dự trữ muối khoáng và vitamin D, đồng thời hệ thống men tham gia vào quá trình chuyển hóa Vitamin D còn yếu, không đảm nhiệm tốt chức năng chuyển hóa, khiến trẻ gặp vấn đề về xương khớp.

– Mắc bệnh lý: Trẻ mắc một số vấn đề về sức khỏe như tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, viêm gan… cũng có thể khiến khả năng hấp thụ vitamin D bị ảnh hưởng và mắc còi xương.

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không hợp lý có thể khiến trẻ bị còi xương

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt không hợp lý có thể khiến trẻ bị còi xương

3. Biểu hiện của bệnh còi xương

Cha mẹ có thể nhận biết trẻ có đang mắc phải tình trạng còi xương hay không thông qua một số dấu hiệu sau đây:

3.1. Biểu hiện ở hệ thần kinh

Đối với hệ thần kinh, trẻ còi xương thường gặp phải tình trạng:

– Ra mồ hôi nhiều

Khó ngủ

– Ngủ giật mình

– Rụng tóc gáy

– Thở rít

– Nôn, nấc khi ăn

– Khóc lặng

– Co giật

– Biết lẫy, biết bò chậm…

3.2. Các biểu hiện ở xương

Biểu hiện ở xương là dễ dàng nhận biết nhất, cha mẹ có thể lưu ý:

– Thóp mềm, lâu liền

– Có bướu trán, bướu đỉnh

– Lâu mọc răng

– Răng dễ sâu và rụng

– Lồng ngực hình gà

– Ngực có chuỗi hạt sườn

– Chân tay vòng kiềng…

3.3. Biểu hiện toàn thân

Đối với trẻ mắc còi xương, toàn thân trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như:

– Chán ăn

– Da xanh thiếu máu

– Suy dinh dưỡng

– Lách to…

Trẻ bị còi xương thường có biểu hiện người gầy yếu, chân tay vòng kiềng, da dẻ xanh xao...

Trẻ bị còi xương thường có biểu hiện người gầy yếu, chân tay vòng kiềng, da dẻ xanh xao…

4. Tác hại của còi xương

– Hậu quả thường gặp nhất ở trẻ còi xương chính là xương của trẻ bị cong, dễ gãy khi có chấn thương.

– Một số trẻ có đầu to hơn so với thân mình, thóp chậm kín, răng chậm mọc… Trường hợp nặng có thể khiến xương sống bị vẹo, cong xương tay, chân, đôi khi còn khiến trẻ bị co giật.

– Tình trạng còi xương ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển thể chất, vận động của trẻ. Thậm chí, còi xương còn có thể ảnh hưởng tới sự sinh sản của trẻ khi trưởng thành do xương bị biến dạng.

– Nghiêm trọng nhất, còi xương có thể khiến trẻ có nguy cơ tử vong do mắc một số vấn đề về nhiễm khuẩn.

5. Phòng tránh bệnh còi xương

Còi xương ảnh hưởng lớn tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ về sau. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ trẻ chính là phòng ngừa mắc còi xương cho trẻ từ sớm. Theo các chuyên gia, để trẻ có thể phát triển toàn diện nhất, cha mẹ cần lưu ý:

– Trong thời gian thai kỳ, mẹ bầu nên bổ sung đủ vitamin và các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể thông qua thực phẩm, sữa, vitamin tổng hợp… theo khuyến cáo của bác sĩ với mức độ phù hợp với tình trạng của từng người.

– Khi mang thai, mẹ bầu nên làm việc khoa học, dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thoải mái về tinh thần để tránh sinh non.

– Trẻ sơ sinh cần được tắm nắng khoa học vào buổi sáng từ 9-9 giờ 30 phút khi trẻ được khoảng 2 tuần tuổi.

– Cho trẻ bú mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời, trong thời gian cho trẻ bú mẹ, mẹ cũng nên ăn uống với một chế độ khoa học, cân bằng dưỡng chất cần thiết để đảm bảo đủ vitamin và dinh dưỡng cho trẻ.

– Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã bước vào giai đoạn ăn dặm, mẹ cũng lưu ý cho trẻ ăn đủ các nhóm chất từ thực phẩm lành mạnh, đảm bảo an toàn và vệ sinh. Tăng cường bổ sung vitamin D, canxi cho trẻ từ sữa, dầu cá, trứng hoặc các loại rau đậu, đỗ…

– Để trẻ nghỉ ngơi đúng giờ, ngủ đủ giấc để cơ thể có thời gian tái tạo, phát triển giúp kích thích xương phát triển toàn diện hơn.

– Hướng dẫn trẻ tập luyện thể dục thể thao với cường độ phù hợp để tăng cường trao đổi chất, giúp trẻ khỏe mạnh hơn.

Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ theo khuyến cáo để tăng cường đề kháng cho trẻ, giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm.

– Đồng thời cha mẹ cũng cần lưu ý, thường xuyên đưa trẻ đi khám sức khỏe, khám dinh dưỡng định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu bất thường, giúp bác sĩ có thể xử trí kịp thời, hiệu quả hơn.

Cho trẻ ăn đủ chất, thường xuyên vận động thể thao... là cách phòng tránh bệnh còi xương cho trẻ hiệu quả

Cho trẻ ăn đủ chất, thường xuyên vận động thể thao… là cách phòng tránh bệnh còi xương cho trẻ hiệu quả

Trên đây là những cách phòng tránh bệnh còi xương cho trẻ cha mẹ nên lưu ý để chăm sóc và bảo vệ trẻ đúng cách. Khi thấy con trẻ có các dấu hiệu bất thường báo hiệu sự phát triển của con gặp vấn đề, có các bệnh lý về xương khớp thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay, giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ gặp các biến chứng nguy hại tới sức khỏe và tính mạng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital