Polyp túi mật là bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến. Song bệnh lại có xu hướng phát triển âm thầm và thường chỉ được tình cờ phát hiện khi có polyp túi mật trên siêu âm thông qua kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thăm khám các bệnh lý khác ở ổ bụng.
Menu xem nhanh:
1. Polyp túi mật và cách phát hiện bệnh
1.1. Polyp túi mật là gì?
Polyp túi mật là tình trạng phát triển bất thường của các tế bào u nhú nhô ra từ lớp niêm mạc bên trong thành túi mật. Polyp thường tồn tại ở dạng lành tính hoặc ác tính. Nhưng đa phần polyp túi mật đều lành tính. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp polyp có nguy cơ tiến triển thành ung thư dù tỷ lệ này là rất thấp.
Đa số các trường hợp bệnh đều không có biểu hiện rõ rệt nên thường được tình cờ phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám vì các lý do khác. Một số ít trường hợp là có dấu hiệu nhận biết có polyp ở túi mật nhưng cũng không rõ ràng và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như: Đau tức dưới sườn phải hoặc đau vùng trên rốn, đau quặn giống như sỏi mật, buồn nôn hoặc nôn ói, chậm tiêu nhất là khi ăn đồ nhiều dầu mỡ.
1.2. Các cách chẩn đoán bệnh
Các phương pháp giúp chẩn đoán polyp túi mật thường được áp dụng bao gồm:
– Siêu âm ổ bụng: Siêu âm nhằm xác định vị trí, kích thước và hình dạng polyp. Tuy nhiên chưa thể xác định polyp là lành tính hay ác tính nếu chỉ dựa vào kỹ thuật này.
– Chụp cắt lớp vi tính: Chụp cắt lớp vi tính túi mật có bơm thuốc cản quang có thể xác định polyp là lành hay ác tính với tỷ lệ chính xác lên đến 90%.
– Các xét nghiệm sinh hóa liên quan nhằm đánh giá chức năng gan mật, chức năng thận, test virus viêm gan,…
Trong đó, siêu âm được coi là phương pháp phát hiện bệnh phổ biến và được áp dụng rộng rãi nhất nhờ tính an toàn, tỷ lệ chính xác cao cùng chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, siêu âm cũng được áp dụng trong điều trị bảo tồn với người bệnh polyp túi mật nhằm theo dõi và kiểm soát sự phát triển của polyp.
2. Hình ảnh polyp túi mật trên siêu âm
Như đã nói ở trên, người bệnh polyp túi mật thường không thể hiện các triệu chứng hay dấu hiệu cụ thể. Đa số chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm túi mật thông qua khám định kỳ hoặc khám bệnh khác.
Trước khi tiến hành siêu âm, người bệnh thường được căn dặn nhịn ăn uống khoảng 8 tiếng để hình ảnh polyp túi mật được hiển thị tốt nhất. Vì nếu ăn no trước khi siêu âm, bác sĩ rất khó để quan sát tình trạng của polyp bởi lúc này túi mật phải co nhỏ lại do đã tiết dịch mật phục vụ quá trình tiêu hóa.
Hình ảnh polyp túi mật hiển thị trên siêu âm phần lớn là hình tăng âm (gần 95%), không có bóng cản (điều này giúp phân biệt với hình ảnh của sỏi túi mật là hình tăng âm, có bóng cản). Hình ảnh tăng âm này bám trên bề mặt niêm mạc của túi mật và không di chuyển khi thay đổi tư thế.
Siêu âm polyp túi mật có tỷ lệ chẩn đoán bệnh chính xác lên đến trên 90% cùng tính thuận tiện, an toàn và chi phí hợp lý. Tuy nhiên siêu âm lại không thể xác định được bản chất của polyp là lành tính hay ác tính, vì thế bác sĩ cần kết hợp thêm các chẩn đoán khác mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.
Ứng dụng của siêu âm trong điều trị bệnh
Siêu âm là không chỉ giúp chẩn đoán bệnh chính xác mà còn được ứng dụng trong điều trị bảo tồn các trường hợp polyp túi mật được xác định là lành tính, kích thước nhỏ nhờ theo dõi sự tiến triển bệnh qua việc đánh giá tình trạng của polyp như sau:
– Kích thước của polyp: Polyp lớn hơn 10mm, đặc biệt các polyp lớn hơn 15mm có khả năng tiến triển thành ung thư lên tới 46 – 70%.
– Hình dạng của polyp: Polyp có hình dáng xù xì, phần chân lan rộng không nhìn thấy cuống cũng tồn tại nguy cơ ác tính.
– Số lượng polyp: Polyp tăng nhanh về cả số lượng và kích thước trong thời gian ngắn.
3. Cách điều trị polyp túi mật
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị điều trị polyp túi mật và polyp cũng không thể tự biến mất. Căn cứ vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định điều trị như sau:
3.1. Tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý
Chế độ ăn uống có thể quyết định tới khả năng phát triển của polyp, vì thế để đảm bảo bệnh không diễn biến phức tạp, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý.
– Người bị polyp túi mật cần tránh thực phẩm nhiều chất béo (đồ chiên rán, đồ ăn nhanh,..) nên thay thế bằng các “chất béo tốt” có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu hạt cải, dầu hướng dương, bơ, lạc, đậu,…
– Tăng cường ăn thêm các loại rau xanh, củ quả nhiều chất xơ tốt cho sức khỏe, có lợi cho tiêu hóa.
– Người bệnh nên kiêng ăn da của các loại gia cầm như gà, vịt, ngan và nội tạng động vật. Bởi các loại thực phẩm này chứa hàm lượng cholesterol cao sẽ dễ khiến kích thước polyp tăng và kèm theo các triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.
3.2. Siêu âm túi mật định kỳ
Siêu âm polyp túi mật theo định kỳ sẽ giúp kiểm soát kích thước cũng như theo dõi tiến trình phát triển của polyp.
– Nếu polyp có kích thước nhỏ hơn 0.6cm sẽ tuân thủ định kỳ tái khám sức khỏe từ 6-9 tháng/lần.
– Nếu polyp có kích thước lớn hơn từ 0.6cm trở lên sẽ tuân thủ định kỳ tái khám khoảng 3 tháng/lần.
3.3. Phẫu thuật cắt túi mật
Với các trường hợp polyp nghi ngờ ác tính hoặc có nguy cơ tiến triển thành ác tính, bác sĩ sẽ đánh giá và gợi ý người bệnh nên xem xét tới việc cắt bỏ túi mật để tránh những rủi ro về sau.
Khi polyp túi mật lớn hơn 10mm, hoặc kích thước polyp tăng nhanh với số lượng nhiều trong thời gian ngắn, chân polyp lan rộng không thấy cuống, polyp phát triển thành từng cụm (đa polyp) cũng nên được can thiệp phẫu thuật để kịp thời xử lý dứt điểm.
Hiện nay phẫu thuật nội soi cắt túi mật rất được ưa chuộng trong điều trị polyp túi mật. Vì phương pháp này ít xâm lấn nên ít đau, hầu như không để lại sẹo sau mổ và thời gian phục hồi nhanh chóng.
Như vậy, khi được phát hiện polyp túi mật trên siêu âm, người bệnh sẽ được xem xét và đánh giá tình trạng cụ thể để kết luận phương án điều trị phù hợp nhất. Polyp túi mật sẽ không còn là nỗi lo nếu chúng ta chủ động thăm khám và điều trị sớm.