Thoát vị rốn hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non hoặc thiếu cân. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thoát vị rốn sẽ diễn tiến nặng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là cách phát hiện chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh mà bố mẹ cần hết sức chú ý.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm
Thông thường, khi còn trong bụng mẹ, giữa các cơ bụng của trẻ có một lỗ nhỏ cho dây rốn đi qua. Sau sinh, các cơ này sẽ tự động đóng kín. Tuy nhiên, ở một số trẻ, sự đóng cơ này không diễn ra trọn vẹn, khiến lỗ nhỏ cho dây rốn đi qua không khép chặt hoàn toàn. Từ đó, một phần của ruột hoặc các nội tạng khác trong ổ bụng sẽ chui vào lỗ nhỏ không khép chặt này và nằm sát dưới da, làm rốn lồi lên một khối u. Hiện tượng này được gọi là thoát bị rốn. Thoát vị rốn có thể biến mất trước khi trẻ thôi nôi, cùng có thể tồn tại nhiều năm, nếu bố mẹ không chủ động can thiệp y tế.
Thoát vị rốn là một bệnh lý bẩm sinh. Tuy nhiên, theo thống kê từ nhiều nguồn, tỷ lệ trẻ sinh non và trẻ sinh thiếu cân bị thoát vị rốn là cao hơn so với bình thường. Với kết quản này, các chuyên gia đã đưa ra một kết luận tương đối chắc chắn, đó là sinh non và sinh thiếu cân là 2 yếu tố nguy cơ của thoát vị rốn.
2. Dấu hiệu nhận biết
Như khái niệm thoát bị rốn đã được chia sẻ phía trên, bệnh lý này có thể được nhận biết thông qua sự xuất hiện một khối u tại rốn trẻ. U này mềm, chứa một phần nội tạng hoặc dịch. Khi trẻ thực hiện các hành động làm tăng áp lực ổ bụng, như trẻ cười hoặc khóc, khối u này phồng lên. Ngược lại, khi trẻ thư giãn, khối u này xẹp xuống. Mặc dù không gây đau đớn, thoát bị rốn vẫn làm trẻ khó chịu. Chính vì vậy, trẻ thoát vị rốn có thể sẽ quấy khóc thường xuyên.
3. Biến chứng
Về bản chất, thoát bị rốn là một hiện tượng tương đối vô hại. Mặc dù vậy, ở một số trẻ, không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thoát vị rốn vẫn có nguy cơ tiến triển đến hoại tử ruột; do khi đó, phần ruột thoát vị có thể sẽ rơi vào tình trạng bị “phong tỏa” toàn diện, không được hệ thống mạch máu nuôi dưỡng. Hoại tử ruột không được kiểm soát hiệu quả, tổn thương có thể lan tỏa khắp ổ bụng, đe dọa tính mạng trẻ.
4. Chẩn đoán và điều trị
4.1. Chẩn đoán thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Để chẩn đoán thoát vị rốn, trẻ cần thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng. Trong đó, quan trọng hơn là thăm khám cận lâm sàng. Thăm khám cận lâm sàng chẩn đoán thoát vị rốn có thể bao gồm: Xét nghiệm máu, chụp X-quang, siêu âm,…
4.2. Điều trị thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Thoát vị rốn ở người trưởng thành trong mọi trường hợp, đều được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Ở trẻ sơ sinh, thoát vị rốn không được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật ngay, trừ hai trường hợp như sau:
– Có ruột trong khối thoát vị, nhu động ruột của trẻ bị ảnh hưởng hoặc trẻ bị tắc ruột
– Kẹt khối thoát vị,…
Phẫu thuật thoát vị rốn là một tiểu phẫu, có thể được hoàn thành chỉ trong thời gian ngắn (trung bình khoảng 30 phút). Theo đó, để phẫu thuật thoát vị rốn, đầu tiên, trẻ sẽ được gây mê nội khí quản. Sau đó, chuyên gia sẽ mở một đường dưới rốn trẻ. Khi đường này được mở thành công, lớp niêm mạc bụng trẻ sẽ lồi ra ngoài lớp cơ. Đây chính là khối thoát vị. Khi đã cô lập được khối này, chuyên gia sẽ thao tác để đưa nó về vị trí nguyên bản của chính nó. Tiếp theo, lỗ giữa cơ bụng nơi dây rốn đi qua, sẽ được chuyên gia “khép chặt” bằng cách khâu lại, đường khâu này sẽ tồn tại vĩnh viễn, nhằm hạn chế nguy cơ thoát vị rốn tái phát trong tương lai. Trường hợp lỗ này lớn, không thể khâu, chuyên gia sẽ sử dụng lưới ghép để phủ lên bề mặt lỗ.
Ngoài 2 trường hợp đã được liệt kê phía trên, tình trạng thoát vị rốnsẽ được theo dõi thêm, cho đến khi trẻ 4 tuổi, nếu thoát vị rốn ở trẻ không biến mất, trẻ sẽ được phẫu thuật.
Theo dân gian, thoát vị rốn có thể được cải thiện bằng một số phương pháp đơn giản. Điển hình như: Lấy một đồng xu rồi ấn nhẹ khối thoát vị để cố định nó. Có thể khẳng định chắc chắn 100% với bố mẹ, những phương pháp này chưa hề được chứng thực hiệu quả bằng thực nghiệm khoa học, bố mẹ không nên thử nghiệm chúng, tránh gây ra những hệ lụy thương tâm không đáng có cho trẻ.
5. Dự phòng
Thoát vị rốn là một bệnh lý bẩm sinh. Chính vì vậy, không có cách nào để dự phòng nó ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bố mẹ có thể dự phòng tình trạng thoát vị rốn xuất hiện sau tuổi 1 – 2 của trẻ. Để làm được việc đó, bố mẹ nên xây dựng một lối sống lành mạnh cho trẻ, để hạn chế trẻ thừa cân – béo phì hoặc mắc các bệnh lý có thể tăng áp lực lên ổ bụng. Lối sống lành mạnh ở đây bao gồm: Chế độ dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt khoa học.
Phía trên là toàn bộ thông tin cơ bản nhưng hữu ích về thoát vị rốn. Nếu còn băn khoăn, liên hệ Thu Cúc TCI để được giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!