Cách chẩn đoán và điều trị viêm gan C đạt hiệu quả cao

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan C là bệnh nhiễm trùng gan gây ra bởi virus viêm gan C (HCV). Bệnh làm tăng nguy cơ xơ gan, suy gan, ung thư gan, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe. Kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách là chìa khóa giúp đẩy lùi hiệu quả bệnh lý này. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cách chẩn đoán và điều trị viêm gan C.

1. Chẩn đoán viêm gan C

1.1. Qua triệu chứng (lâm sàng và cận lâm sàng)

Triệu chứng lâm sàng

Hầu hết người bệnh viêm gan C không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan. Một số trường hợp có thể gặp triệu chứng mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, đau nhẹ hạ sườn phải.

Người bệnh có thể xuất hiện vàng da nhưng với mức độ nhẹ, kín đáo. Một số biểu hiện ngoài gan có thể gặp gồm: tóc dễ gãy rụng, đau cơ, đau khớp, viêm khớp, bệnh cơ tim, viêm cầu thận tăng sinh màng,…

Cách điều trị viêm gan C

Các triệu chứng lâm sàng của viêm gan C thường không rõ ràng, dễ nhầm lẫn khiến nhiều người không biết mình đã nhiễm bệnh

Cận lâm sàng

Về cận lâm sàng, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm như sau:

– Anti-HCV: Đây là xét nghiệm dùng để sàng lọc viêm gan C, đặc biệt là ở những đối tượng có nguy cơ cao (người có tiền sử truyền máu, quan hệ tình dục không an toàn; tiêm chích ma túy; quan hệ đồng tính nam; xăm trổ; lọc máu chu kỳ, ghép tạng; trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HCV…).

– HCV RNA: Tất cả trường hợp anti-HCV dương tính cần làm xét nghiệm này để xác định tình trạng đang nhiễm virus viêm gan C.

– Xác định kiểu gen của virus viêm gan C để lựa chọn phác đồ phù hợp và tiên lượng đáp ứng điều trị.

– Đánh giá xơ hóa gan bằng sinh thiết và các phương pháp không xâm lấn như chỉ số APRI, FIB-4, Fibroscan, ARFI, Fibrotest,… Kiểm tra này được chỉ định đối với trường hợp viêm gan C mạn nhằm xác định giai đoạn xơ hóa gan.

– Dựa vào lâm sàng và xét nghiệm để đánh giá xơ gan còn bù hoặc mất bù (Phân loại xơ gan theo Child-Pugh).

– Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa và chức năng gan gồm AST, ALT, công thức máu, số lượng tiểu cầu, albumin, bilirubin, AFP, thời gian prothrombin, INR, siêu âm gan,…

1.2. Chẩn đoán xác định

Đây là chẩn đoán cần thiết nhằm đảo bảo việc điều trị viêm gan C đạt hiệu quả cao nhất. Người bệnh được chẩn đoán viêm gan C cấp tính trong trường hợp:

– Thời gian nhiễm virus viêm gan C dưới 6 tháng.

– Từng phơi nhiễm với virus viêm gan C.

– Biểu hiện lâm sàng kín đáo, có thể các dấu hiệu của viêm gan cấp như: mệt mỏi, vàng mắt, vàng da,…

– AST và ALT thường tăng.

– HCV RNA dương tính sau 2 tuần kể từ khi phơi nhiễm virus.

– Anti-HCV có thể âm tính trong vài tuần đầu hoặc dương tính sau 8 đến 12 tuần phơi nhiễm.

Chẩn đoán viêm gan B cấp khi có chuyển đổi anti-HCV từ âm tính sang dương tính hoặc anti-HCV âm tính nhưng HCV RNA dương tính.

Trong khi đó, viêm gan C mạn tính được xác định khi:

– Nhiễm HCV trong thời gian trên 6 tháng.

– Có thể gặp hoặc không gặp các biểu hiện lâm sàng.

– Anti-HCV (+) và HCV RNA (+) hoặc  HCV core-Ag (+).

– Có xơ hóa gan, xơ gan hoặc không.

Để chẩn đoán viêm gan C ở trẻ em dưới 18 tháng tuổi, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm HCV RNA ở thời điểm trẻ 6 tháng và 12 tháng tuổi. Nếu ít nhất 2 lần HCV RNA (+) trẻ sẽ được chẩn đoán nhiễm HCV. Trẻ em từ 18 tháng tuổi trở lên được chẩn đoán nhiễm viêm gan C khi anti-HCV và HCV RNA đều dương tính.

1.3. Xác định các bệnh lý đi kèm

Người nhiễm virus viêm gan C cần được xét nghiệm kiểm tra tình trạng đồng nhiễm các virus viêm gan khác như B, D, E, A hoặc virus HIV. Ngoài ra, người bệnh cũng cần sàng lọc một số bệnh lý khác như: viêm gan do rượu, viêm gan tự miễn, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp,…

2. Điều trị viêm gan C cấp tính

Số liệu thống kê cho thấy khoảng 15% đến 45% người nhiễm viêm gan C cấp có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Việc điều trị hỗ trợ sẽ gồm chế độ ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý và điều trị triệu chứng.

Điều trị đặc hiệu không được khuyến cáo cho người nhiễm HCV cấp. Người bệnh được xem xét điều trị nếu có những biểu hiện nặng hơn, đe dọa đến tính mạng. Sau chẩn đoán,, người bệnh cần theo dõi HCV RNA ít nhất 12 tuần để xác định khả năng thải trừ virus tự nhiên. Nếu HCV RNA (+) sau 12 tuần theo dõi, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng các thuốc kháng virus trực tiếp (DAAs) tương tự như với viêm gan C mạn.

Điều trị viêm gan C như thế nào?

Khoảng 15 – 45% người bệnh viêm gan C cấp tính có thể tự hồi phục mà không cần điều trị

3. Điều trị viêm gan C mạn tính

3.1. Mục tiêu điều trị là gì?

Ở giai đoạn mạn tính, việc điều trị có mục tiêu loại trừ HCV khỏi cơ thể người bệnh. Để đạt được đáp ứng virus bền vững, tải lượng HCV RNA ở tuần thứ 12 sau khi kết thúc điều trị đảm bảo dưới ngưỡng phát hiện (dưới 15 IU/ml). Tải lượng HCV RNA dưới ngưỡng phát hiện ở tuần 24 sau điều trị được áp dụng với phác đồ điều trị có Peg-interferon.

Đồng thời, việc điều trị còn nhằm mục đích phòng ngừa các biến chứng về gan và các bệnh ngoài gan liên quan đến HCV. Các biến chứng này bao gồm: viêm gan tiến triển, xơ gan, ung thư gan nguyên phát, biểu hiện ngoài gan nặng và tử vong. Thêm vào đó, người bệnh còn cần được điều trị để dự phòng lây nhiễm HCV trong cộng đồng.

2.2. Các thuốc điều trị viêm gan C

Để việc điều trị đạt hiệu quả cao, loại bỏ HCV khỏi cơ thể, người bệnh cần tuân thủ liều dùng đã được bác sĩ hướng dẫn. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh có thể được chỉ định dùng các loại thuốc điều trị như: Peginterferon (Peg IFN) a 2a, Peginterferon (Peg IFN) a 2b, Ribavirin (RBV), Sofosbuvir (SOF), Daclatasvir (DCV), Sofosbuvir/ Ledipasvir (LDV), Sofosbuvir/ Velpatasvir (VEL), Paritaprevir (PTV)/ Ombitasvir (OBV)/ Ritonavir, Dasabuvir (DSV), Simeprevir (SMV), Grazoprevir (GZR)/elbasvir (EBR).

3.3. Chuẩn bị điều trị

Người bệnh cần được kiểm tra lâm sàng toàn diện và làm các xét nghiệm cần thiết trước điều trị. Nữ giới mắc bệnh cần cần xét nghiệm thử thai định tính nếu thuộc độ tuổi sinh sản hoặc nghi ngờ có thai.

Người bệnh cần được tư vấn về:

– Con đường lây truyền virus viêm gan C, từ đó có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho cộng đồng và dự phòng tái nhiễm.

– Các biến chứng của bệnh và khả năng tái nhiễm.

– Tác hại của các thức uống có cồn để người bệnh có ý thức tránh sử dụng.

– Hiệu quả của phác đồ điều trị, các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc. Một số loại thuốc điều trị có thể gây dị dạng thai nhi, d đó người bệnh cần và bạn tình cần sử dụng các biện pháp tránh thai trong quá trình điều trị và 6 tháng sau điều trị.

– Lợi ích và tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị.

3.4. Chỉ định điều trị viêm gan C

Người bệnh được chỉ định điều trị khi đáp ứng HCV RNA (+) và anti-HCV (+). Phác đồ cụ thể sẽ phụ thuộc vào kiểu gen HCV, các chống chỉ định, tương tác thuốc và bệnh lý đi kèm. Các phác đồ này sẽ khác nhau đối với người bệnh viêm gan C không xơ gan, người bệnh xơ gan còn bù và người bệnh xơ gan mất bù.

Phác đồ sử dụng thuốc kháng virus trực tiếp (DAAs) là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, các phác đồ có Peg-IFN nên là lựa chọn thay thế. Trường hợp không xác định được kiểu gen virus viêm gan C, bác sĩ sẽ sử dụng phác đồ điều trị cho kiểu gen 6. Người bệnh xơ gan mất bù điều trị DAAs cần được theo dõi tại cơ sở điều trị chuyên khoa hoặc đa khoa tuyến tỉnh hoặc trung ương.

Phác đồ điều trị viêm gan C

Người bệnh viêm gan C cần tuân thủ phác đồ được bác sĩ chỉ định nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất

3.5. Chống chỉ định

Phác đồ có thuốc kháng virus trực tiếp (DAAs)

Đây là phác đồ chống chỉ định với phụ nữ có thai. Hiện nay phác đồ này chưa có khuyến cáo điều trị cho người bệnh dưới 18 tuổi.

Phác đồ có Peginterferon

Phác đồ điều trị viêm gan C này chống chỉ định tuyệt đối với các trường hợp:

– Trẻ em dưới 2 tuổi.

– Phụ nữ có thai hoặc không muốn sử dụng biện pháp tránh thai, người đang cho con bú.

– Người bệnh xơ gan mất bù.

– Người rối loạn tâm thần nặng, bị trầm cảm, động kinh không kiểm soát được.

– Người mắc bệnh tự miễn trong đó có bệnh gan tự miễn.

– Mắc bệnh lý tuyến giáp không được kiểm soát, mắc các bệnh nặng khác bao gồm cả các bệnh nhiễm trùng nặng.

– Người tăng huyết áp, suy tim, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

– Người có tiền sử ghép tạng đặc, trừ ghép gan.

Các đối tượng chống chỉ định tương đối ở phác đồ có Peginterferon gồm:

– Có các chỉ số huyết học bất thường: Hemoglobin dưới 13g/dL hoặc dưới 12g/dL (ở nữ giới); bạch cầu đa nhân trung tính dưới 1.5 G/L; tiểu cầu dưới 90 G/L;

– Creatinin huyết thanh cao hơn 1.5 mg/dL (hay trên 132 mg/L).

– Mắc các bệnh lý: bệnh mạch vành nặng, bệnh về huyết sắc tố, bệnh tuyến giáp không điều trị, viêm màng bồ đào, viêm võng mạc mắt,…

Phác đồ có ribavirin

Đối tượng chống chỉ định tuyệt đối gồm: thiếu máu nặng (hemoglobin < 8g/dL); phụ nữ có thai hoặc không muốn dùng biện pháp tránh thai, đang cho con bú; mắc các bệnh nặng khác (gồm cả nhiễm trùng nặng); suy tim không kiểm soát được; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Phác đồ này chống chỉ định tương đối với người có xét nghiệm bất thường về huyết học (Hemoglobin < 10g/dL; bạch cầu trung tính < 1.5 G/L; tiểu cầu < 90G/L); Creatinin huyết thanh > 1.5mg/dL; mắc bệnh về huyết sắc tố, bệnh mạch vành nặng.

3.6. Theo dõi đáp ứng điều trị viêm gan C mạn tính

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết để theo dõi đáp ứng điều trị. Trường hợp điều trị khỏi, người bệnh đạt đáp ứng virus bền vững sau 12 tuần kết thúc điều trị. Để đảm bảo viêm gan C không tái phát, người bệnh cần theo dõi bằng xét nghiệm định lượng HCV RNA sau khi ngưng điều trị 24 tuần.

Sau khi điều trị khỏi, người bệnh cần theo dõi biến chứng ung thư gan, đặc biệt ở trường hợp có độ xơ hóa gan từ F3 trở lên. Người bệnh có thể thực hiện siêu âm bụng xét nghiệm AFP mỗi 3 – 6 tháng. Ngoài ra, các xét nghiệm AFP-L3, PIVKA-II có thể xem xét sử dụng để phát hiện sớm ung thư gan.

Trường hợp điều trị thất bại, người bệnh không đạt được đáp ứng virus bền vững ở tuần thứ 12 sau kết thúc điều trị. Lúc này, nên hội chẩn xin ý kiến chuyên gia Gan mật để lựa chọn phác đồ điều trị thích hợp cho từng người bệnh.

Nếu người bệnh gặp các tác dụng phụ nặng nề, đe dọa tính mạng, bác sĩ sẽ ngừng điều trị. Việc ngừng phác đồ cũng áp dụng cho trường hợp HCV RNA trên ngưỡng tại tuần điều trị thứ 4 tăng hơn 10 lần ở tuần thứ 8. Trường hợp này cần được hội chẩn chuyên gia để xem xét chuyển sang phác đồ khác hiệu quả hơn.

Trên đây là cách chẩn đoán và điều trị viêm gan C cấp tính cũng như mạn tính. Hãy kiểm tra gan mật kịp thời để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý gan mật, trong đó có nhiễm HCV.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital