Bệnh viêm gan C và các giai đoạn diễn tiến của bệnh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh viêm gan C thuộc nhóm bệnh lý nguy hiểm về gan nhưng đa số nhiều người còn chủ quan vì chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Bệnh có xu hướng diễn tiến âm thầm, không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên gây khó khăn trong việc xác định bệnh sớm.

1. Thông tin bệnh viêm gan C

1.1. Bệnh viêm gan C là?

Bệnh viêm gan C là một trong những bệnh truyền nhiễm điển hình về gan, gây ra bởi siêu virus viêm gan C (HCV). Loại virus này sẽ xâm nhập, tấn công và làm tổn thương gan dẫn tới các biến chứng nguy hiểm thậm chí là xơ gan, ung thư gan.

Theo ước tính, mỗi năm, có khoảng 150 triệu người nhiễm virus viêm gan C mạn tính và có nguy cơ phát triển thành xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan dẫn đến tử vong.

Bệnh viêm gan C là gì?

Viêm gan C là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về gan.

1.2. Triệu chứng giúp nhận biết sớm bệnh viêm gan C

70-80% các trường hợp người bệnh viêm gan C không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng cho đến khi có biểu hiện của các vấn đề về gan như xơ gan, suy gan. Cụ thể, đôi khi người bệnh mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, đau nhẹ hạ sườn phải, đau cơ, vàng da nhẹ, vàng mắt. Ngoài ra có thể xuất hiện các biểu hiện ngoài gan như đau khớp, viêm khớp, tóc gãy rụng nhiều,…

Tuy nhiên, những triệu chứng trên hầu hết đều ở mức độ nhẹ, không rõ ràng nên người bệnh không để ý tới và dễ bỏ qua mặc dù gan đã đang trong giai đoạn viêm rất nặng.

1.3. Đường lây của virus HCV

Virus viêm gan C – HCV là một loại siêu vi lây truyền tốt qua đường máu, quan hệ tình dục không lành mạnh và lây từ mẹ bầu sang con. Các trường hợp sau đây làm gia tăng nguy cơ lây lan của virus:

– Tiêm chích ma túy bằng việc việc dùng chung bơm kim tiêm;

– Tái sử dụng mà không thực hiện khử trùng đúng cách các thiết bị y tế nhất là ống tiêm và kim tiêm;

– Truyền máu không thông qua sàng lọc đúng quy trình;

– Quan hệ tình dục (cả khác giới và đồng giới) không lành mạnh, không có bảo vệ và thực hiện quan hệ với nhiều đối tượng cùng lúc. Khi đó, nguy cơ lây truyền bệnh rất cao nhất là trong các trường hợp bị chảy máu, trầy xước;

– HCV cũng có thể lây truyền từ mẹ bầu mang bệnh sang con;

Lưu ý: Virus viêm gan C không lây lan qua sữa mẹ, nước uống, thức ăn, dụng cụ sinh hoạt cơ bản (trừ một số dụng cụ cá nhân như bàn chải, dao cạo, bấm móng tay,…) hoặc tiếp xúc thông thường như ôm, hôn hoặc chia sẻ thức ăn đồ uống với người đã bị nhiễm bệnh.

Đường lây của virus viêm gan C

Máu là đường gây lây lan virus HCV với nguy cơ cao nhất.

2. Giai đoạn diễn tiến của bệnh

Viêm gan C thường có xu hướng âm thầm phát triển nên khi phát hiện hầu hết các trường hợp đã ở các giai đoạn về sau. Virus xâm nhập vào cơ thể trải qua các giai đoạn ủ bệnh, viêm gan C cấp tính, viêm gan C mạn tính, xơ gan và dẫn tới ung thư gan.

2.1. Giai đoạn ủ bệnh

Sau khi virus HCV xâm nhập thành công vào cơ thể, chúng có thời kỳ ủ bệnh khá dài, thường từ 2 – 6 tháng (điều này còn tùy vào thể trạng cụ thể của từng người bệnh).

Sau quá trình lây nhiễm ban đầu, khoảng 80% người bệnh không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào, kể cả khi làm các xét nghiệm anti-HCV sẽ vẫn cho kết quả âm tính với virus vì cơ thể chưa có đủ thời gian tạo ra các kháng thể để chống lại virus.

2.2. Viêm gan C cấp tính

Đây là giai đoạn virus phát triển ở những tuần đầu tiên hoặc vài tháng sau khi virus viêm gan C đã xâm nhập vào máu của một người. “Cấp tính” với ý nghĩa bệnh đột ngột và trong thời gian ngắn, thường xảy ra trong hai tuần đầu tiên đến sáu tháng.

Có khoảng 25% trường hợp, virus sẽ tự bị xóa khỏi cơ thể mà không cần thực hiện điều trị. Còn lại hầu hết các ca viêm gan C cấp tính đều sẽ chuyển qua giai đoạn nhiễm trùng mạn tính.

2.3. Viêm gan C mạn tính

Theo ước tính, từ 75-85% những người bệnh viêm gan C cấp tính sẽ đều chuyển qua giai đoạn mạn tính. Viêm gan C mạn tính kéo dài ít nhất trong 6 tháng và thường lâu hơn thế. Ngay cả ở giai đoạn này, hầu hết mọi người bệnh đều không có triệu chứng rõ ràng, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa nhiễm trùng trên là lành tính.

2.4. Xơ gan

Gan bị viêm và tổn thương lâu ngày do virus gây ra, các tế bào gan khỏe mạnh sẽ dần bị thay bằng các mô sẹo, đây chính là biểu hiện của xơ gan. Quá trình trên mất khoảng 20-30 năm và nó có thể diễn ra nhanh hơn nếu người bệnh uống rượu, bị nhiễm HIV và không thực hiện các biện pháp điều trị đúng cách.

2.5. Ung thư gan

Xơ gan chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nguy cơ ung thư gan. Khi đó, người bệnh cần được tiến hành theo dõi, kiểm tra định kỳ thường xuyên để kiểm soát quá trình phát triển của bệnh, nhanh chóng xử lý các vấn đề phát sinh để hạn chế các nguy cơ xấu nhất có thể xảy tới.

Giai đoạn diễn tiến của bệnh

Viêm gan C phát triển từ viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan.

3. Một số lưu ý dành cho người bệnh viêm gan C

– Để có một sức khỏe tốt và có thể kiểm soát tốt được căn bệnh này, mỗi người bệnh nên có một chế độ sinh hoạt khoa học, nhất là ở chế độ ăn lành mạnh. Ăn uống đủ dinh dưỡng và tránh xa rượu bia tuyệt đối vì đây được coi là “khắc tinh” của gan.

– Cần kiểm soát và cân bằng công việc, học tập. Luôn giữ tinh thần thoải mái để tránh căng thẳng, stress.

– Chăm chỉ tập luyện thể dục thể thao đều đặn, đúng cường độ, tránh vận động quá sức kéo dài để nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực.

– Thực hiện quan hệ tình dục chung thủy lành mạnh, cần sử dụng các biện pháp phòng tránh an toàn.

– Đặc biệt với đối tượng trẻ em, cha mẹ cần hướng dẫn, nhắc nhở con em mình về các kiến thức cần thiết để tránh bị lây nhiễm bệnh, có thể từ những người bạn cùng lớp.

– Ngoài việc duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý và thực hiện điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh viêm gan C cần nắm rõ các kiến thức phòng tránh lây nhiễm chéo và nêu cao tinh thần vì cộng đồng không để bệnh có nguy cơ lây lan đến người khác.

Để biết liệu bản thân có mắc bệnh viêm gan C hay không sẽ cần thực hiện các xét nghiệm máu để chẩn đoán. Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên tầm soát viêm gan C ít nhất là 6 tháng/lần, trong trường hợp không may mắc bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital