Cách cải thiện mất ngủ dùng thuốc và không dùng thuốc

Tham vấn bác sĩ

Mất ngủ, ngủ không ngon giấc có thể gây ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập, lao động, làm việc của người bệnh. Các cách cải thiện mất ngủ bằng thuốc và không dùng thuốc sẽ được chia sẻ trong bài viết sau.

1. Cách chữa mất ngủ bằng phương pháp không dùng thuốc

Các thói quen ngủ xấu, việc tiêu thụ các thực phẩm gây cản trở giấc ngủ, căng thẳng kéo dài là những nguyên nhân thường gặp gây mất ngủ, khó ngủ. Trong các trường hợp mất ngủ nhẹ, người bệnh có thể chưa cần dùng thuốc mà chỉ cần khắc phục những yếu tố này sẽ giúp cải thiện tình trạng mất ngủ. Dưới đây là những cách chữa mất ngủ không dùng thuốc.

1.1 Cải thiện mất ngủ bằng cách duy trì các thói quen ngủ tốt

Các thói quen xấu như: thức quá khuya, trì hoãn việc đi ngủ khi có cơn buồn ngủ, nằm làm việc trên giường ngủ, sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, để không gian ngủ quá sáng, quá nóng… có thể gây tác động tiêu cực đến giấc ngủ và gây ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể. Vì vậy, nếu có các thói quen này và đang gặp tình trạng mất ngủ, bạn cần lưu ý thực hiện các biện pháp sau:

– Vào buổi tối nên đi ngủ đúng giờ hoặc lên giường ngay khi có cơn buồn ngủ

– Đảm bảo thời gian ngủ đủ từ  7 – 8 giờ/đêm tùy theo độ tuổi

– Giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, suy tư trước khi ngủ, có thể thư giãn bằng cách tập yoga nhẹ nhàng, nghe nhạc,,…

– Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, ti vi trước khi đi ngủ vì ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị này có thể khiến việc đi vào giấc ngủ trở nên khó khăn.

– Không sử dụng các chất kích thích gây mất ngủ, đặc biệt là nicotine, caffeine, rượu vào buổi tối

– Không ăn no hay ăn quá sát với giờ đi ngủ

– Tạo ra không gian phòng ngủ yên tĩnh, đủ tối, nhiệt độ ổn định

– Sử dụng thêm bông bịt tai hoặc mắt khi ngủ

– Sử dụng tinh dầu trong phòng ngủ giúp thư giãn đầu óc

Cải thiện mất ngủ bằng cách duy trì thói quen tốt

Duy trì các thói quen tốt giúp cải thiện chứng mất ngủ, giúp bạn ngủ ngon hơn.

1.2 Cải thiện mất ngủ bằng chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng có vai trọng đối với giấc ngủ. Khi bạn ăn uống đủ chất, cơ thể sẽ dễ dàng sản sinh ra các hormone dẫn truyền có tên là melatonin có tác dụng tốt với việc duy trì giấc ngủ. Do vậy, cải thiện chế độ dinh dưỡng là một việc cần thiết để hỗ trợ điều trị mất ngủ.

Các lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho người bị mất ngủ gồm:

– Bổ sung các thực phẩm giàu tryptophan như gạo lứt, trứng gà, chuối, các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu khô hoặc đậu lăng, socola đen, thịt gà, sữa, pho mát, sữa chua…

– Bổ sung đầy đủ các vitamin D, C, A, E và khoáng chất. Việc bổ sung đầy đủ các chất này sẽ tác động tới não bộ giúp an thần, giúp cải thiện giấc ngủ hàng ngày.

– Bổ sung các loại khoáng chất như kali, sắt, magie…

Đồng thời, nên hạn chế các thực phẩm gây khó tiêu hoặc đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, trà… vì dễ gây mất ngủ.

1.3 Trị mất ngủ bằng châm cứu, bấm huyệt

Châm cứu là phương pháp Y học cổ truyền có tác dụng cải thiện các chứng đau mỏi toàn thân, xua tan những căng thẳng và mệt mỏi, từ đó giúp ngủ ngon hơn. Trong khi đó, với việc tác động trực tiếp lên các phần thụ cảm thần kinh, phương pháp bấm huyệt (hay còn gọi là massage) giúp đả thông kinh mạch, cải thiện lưu thông máu, giãn cơ, cải thiện tình trạng co cứng, giảm căng thẳng, giảm đau, cũng rất tốt cho giấc ngủ.

Tuy nhiên, phương pháp này cần được thực hiện tại các cơ sở Y học cổ truyền uy tín hoặc được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa.

1.4 Cải thiện chứng mất ngủ bằng thảo dược

Gừng, hạt sen, cây lạc tiên, hoa mộc lan, hoa cúc, tam thất,… là những loại cây, hoa quen thuộc, có thể giúp thư giãn kinh mạch, khiến tinh thần thoải mái, giúp người bệnh dễ ngủ, ngủ sâu giấc hơn. Tùy từng loại thảo dược mà bạn có thể chế biến bằng cách pha trà, nấu cháo, xông, ngâm chân…

Cải thiện mất ngủ bằng cách cân bằng dinh dưỡng

Thực phẩm giàu tryptophan có tác dụng tốt đối với giấc ngủ.

2. Cải thiện mất ngủ bằng cách dùng thuốc

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể phải dùng đến thuốc điều trị để cải thiện chứng mất ngủ. Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ mất ngủ và đặc điểm thể trạng, bệnh lý của từng người mà các bác sĩ sẽ kê đơn một cách phù hợp. Một số loại thuốc trị mất ngủ thường được các chuyên gia sử dụng:

2.1 Thuốc an thần (hay bình thần)

Loại thuốc này có tác dụng gây buồn ngủ nhanh ngay sau khi dùng. Tuy nhiên chỉ nên dùng cho những bệnh nhân bị mất ngủ ngắn, bệnh chưa nghiêm trọng. Sử dụng thuốc này trong thời gian dài có thể gây suy giảm trí nhớ, nhờn thuốc. Khi đó bệnh nhân vẫn bị mất ngủ ngay cả khi đã tăng liều.

2.2 Thuốc ngủ

Thuốc có tác dụng mạnh nhưng sử dụng trong thời gian dài cũng có thể gây nhờn thuốc. Bên cạnh đó là một số triệu chứng khác nhau nhức đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa,… Do vậy thuốc cũng chỉ dành cho bệnh nhân bị mất ngủ cấp tính và không dùng quá 3 ngày.

2.3 Thuốc an thần kinh mới

Các loại thuốc thuộc nhóm này có công dụng khá mạnh, nên dùng cho các trường hợp bệnh nhân mất ngủ do tâm lý như lo âu lan tỏa, trầm cảm… Trong thời gian dài thuốc, người bệnh có thể cảm thấy ăn ngon miệng hơn nên rất dễ tăng cân. Để tránh điều này, nên tăng cường vận động thể dục thể thao và kiêng những loại thức ăn chứa nhiều chất bột đường, chất béo, chất ngọt.

2.4 Thuốc kháng Histamin

Thuốc kháng Histamin, đặc biệt là các thuốc kháng Histamin thế hệ cũ có tác dụng chống dị ứng, đồng thời gây buồn ngủ, do đó cũng là một lựa chọn được cân nhắc cho những người bị mất ngủ.  Thuốc thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân mất ngủ do gãi ngứa nhiều vì mắc các bệnh ngoài da. Khi sử dụng thuốc nên lưu ý một số tác dụng phụ như khô mũi, miệng, mệt mỏi, trí não bị ảnh hưởng,…

Điều trị mất ngủ bằng cách nào?

Thăm khám với chuyên gia Nội thần kinh giúp cải thiện mất ngủ hiệu quả.

2.5 Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, đa vòng

Thuốc thường được kê cho những bệnh nhân bị mất ngủ kéo dài do lo âu, trầm cảm, mất ngủ do đau khi mắc các bệnh ung thư, chấn thương, đau dây thần kinh và mất ngủ tiên phát… Các loại thuốc này tuy không gây tác dụng phụ là nhờn thuốc nhưng lại có tác dụng chậm hơn so với các nhóm thuốc khác. Thường phải sau 3 – 4 tuần điều trị tình trạng mất ngủ của bệnh nhân mới được cải thiện.

Một số tác dụng phụ do dùng nhóm thuốc này gây ra có thể là đắng miệng, khô miệng, táo bón, bí tiểu thường xảy ra ở những người bị u xơ tuyến tiền liệt.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị mất ngủ cần được kê bởi bác sĩ chuyên khoa Nội thần kinh. Khi sử dụng thuốc cần theo dõi chặt chẽ dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa để tránh những tác dụng phụ nguy hiểm gây ảnh hưởng tới sức khỏe.

Như vậy, có rất nhiều cách cải thiện mất ngủ khác nhau. Tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi người sẽ có cách điều trị phù hợp. Khi có các dấu hiệu mất ngủ, bạn nên đi khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital