Đái dầm thường xuyên và các vấn đề liên quan tới bàng quang khác thường không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe. Tuy nhiên trong một số trường hợp đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cấp tính hay mạn tính nào đó. Tốt nhất nên tới bệnh viện để kiểm tra và tư vấn điều trị khi phát hiện thấy có các dấu hiệu bất thường bàng quang ở trẻ em.
Menu xem nhanh:
1. Tuổi
Lúc mới sinh và trong giai đoạn bào thai, bàng quang của trẻ được lấp đầy bởi nước tiểu và bài tiết tự động. Nước tiểu rời bàng quang và thoát ra khỏi cơ thể qua một ống gọi là niệu đạo. Từ 1 – 2 tuổi, hầu hết trẻ em phát triển khả năng để kiểm soát tiểu tiện, trong đó đòi hỏi liên kết giữa bàng quang và não cũng như khả năng kiểm soát các cơ ở bàng quang.
2. Các vấn đề về bàng quang thường gặp ở trẻ
Viêm đường tiết niệu và đái dầm là hai trong số những vấn đề về bàng quang phổ biến nhất phát triển ở trẻ em. Viêm đường tiết niệu xảy ra khi các vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi nảy nở trong một phần của đường tiết niệu, thường là ở bàng quang hay niệu đạo. Theo thống kê, rủi ro tổng thể phát triển viêm đường tiết niệu là khoảng 8% đối với bé gái và 2% cho các bé trai.
Tiểu không kiểm soát là tình trạng phổ biến hơn ở bé trai. Khoảng 5% trẻ em dưới 5 tuổi tiểu không kiểm soát. Tuy nhiên nhìn chung tiểu không kiểm soát ở trẻ dưới 5 tuổi không phải điều đáng lo ngại vì lúc này trẻ vẫn đang hoàn thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
3. Các triệu chứng
Tùy thuộc vào độ tuổi, trẻ có thể gặp một loạt các triệu chứng khi bị viêm đường tiết niệu. Nhiều trường hợp bị sốt và đau rát khi đi tiểu, trẻ lớn hơn cũng bị đau và đi tiểu nhiều, nước tiểu đục, có mùi hôi, có lẫn máu, buồn nôn và đau bụng.
Trong khi đó các dấu hiệu của tiểu không kiểm soát bao gồm thường xuyên có nhu cầu muốn đi tiểu, đi tiểu nhiều, đái dầm ban đêm.
4. Các yếu tố liên quan
Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành vấn đề bàng quang ở trẻ em, bao gồm phát triển thể chất, thói quen hàng ngày và căng thẳng. Tạo thành thói quen khi đi vệ sinh đúng cách, chẳng hạn như chùi giấy vệ sinh từ trước ra sau khi đại tiện ở các bé gái, sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ viêm đường tiết niệu.
Các yếu tố góp phần vào tình trạng tiểu không kiểm soát ở trẻ là bàng quang hoạt động quá mức, sản xuất nước tiểu quá mức, lo lắng hay căng thẳng, cấu trúc bàng quang có bất thường và các bệnh lý khác như chứng ngưng thở khi ngủ.
5. Chẩn đoán và điều trị
Viêm đường tiết niệu cần điều trị bằng kháng sinh kịp thời để giữ cho bệnh không tiến triển thành các biến chứng như nhiễm trùng thận. Nếu cha mẹ nghi ngờ trẻ bị viêm đường tiết niệu, cần nhanh chóng đưa trẻ tới khám tại bệnh viện, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và thực hiện xét nghiệm nước tiểu để tìm ra nguyên nhân.
Đối với trường hợp tiểu không kiểm soát, tình trạng này có thể giảm dần khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên nếu có bất thường về đường tiết niệu có thể cần phải phẫu thuật. Các phương pháp điều trị khác bao gồm uống thuốc và hướng dẫn cách kiểm soát bàng quang.